Không tra tấn, dùng nhục hình với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam...

Không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam...

Không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam...

Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định:

“1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.”

Điều 4 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định các nguyên tắc quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam, trong đó có có các nguyên tắc nhằm phòng, chống tra tấn, truy bức, nhục hình cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam:

- Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

- Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.

- Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Đồng thời, Điều 8 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng quy định các hành vị bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam như:

- Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (khoản 1);

- Giam giữ người trái pháp luật (khoản 2);

- Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan (khoản 4);

- Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam (khoản 7).

Đồng thời, Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, gồm có:

- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;

- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

Để phòng, chống hiệu quả hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về chế độ quản lý giam giữ và quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. Cụ thể là:

Thứ nhất, về chế độ quản lý giam giữ, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định rõ về trình tự tiếp nhập người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 16), trong đó có một số nội dung quan trọng như: (i) tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo; và (ii) Phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

Thứ hai, Chương IV Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể chế độ ăn, ở, chế độ mặc và tư trang, chế độ gửi, nhận thư, sách, bảo và tài liệu… của người bị tạm giữ, tạm giam. Các chế độ này, về cơ bản, tương tự với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù được quy định tại Luật thi hành án hình sự và đáp ứng được các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế về tạm giữ, tạm giam.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-tra-tan-dung-nhuc-hinh-voi-nguoi-bi-tam-giu-nguoi-bi-tam-giam-311212.html