Không trở thành nạn nhân của chiêu trò 'lấy lại tiền lừa đảo'

Hàng loạt các nhóm công khai 'lấy lại tiền lừa đảo' với hàng nghìn thành viên vẫn hoạt động tràn lan trên mạng xã hội.

Thêm nạn nhân “sập bẫy”

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông thông tin, một người phụ nữ tại Thanh Hóa sau khi bị lừa do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội.

Nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản “phí dịch vụ” cho đối tượng và bị chiếm đoạt tiền một lần nữa.

Theo ghi nhận của PV, hàng loạt các nhóm công khai “lấy lại tiền lừa đảo” với hàng nghìn thành viên vẫn hoạt động tràn lan trên mạng xã hội. Theo đó, các hội nhóm này vẫn thường xuyên đăng tải các bài viết quảng cáo giúp lấy lại tiền lừa đảo qua số tài khoản, lấy lại tiền lừa đảo thông qua làm nhiệm vụ tại các sàn thương mại điện tử, sàn chứng khoán,…

Nhiều hội nhóm "lấy lại tiền lừa đảo" vẫn hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội.

Nhiều hội nhóm "lấy lại tiền lừa đảo" vẫn hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội.

Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ. Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.

Nhiều bình luận "ảo" về việc đã lấy được tiền lừa đảo để tăng độ tin cậy cho các nạn nhân.

Nhiều bình luận "ảo" về việc đã lấy được tiền lừa đảo để tăng độ tin cậy cho các nạn nhân.

Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”.

Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.

Đối với hình thức lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa” đang tràn lan trên mạng xã hội, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời. Tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội.

Cần tìm hiểu về công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ; xác minh địa chỉ văn phòng, số điện thoại, và trang web chính thức của họ. Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.

“Cách duy nhất là trình báo cơ quan chức năng”

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp đã bị lừa đảo qua mạng, nạn nhân chỉ có cách duy nhất là trình báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, thu giữ số tiền vi phạm, hoặc các đối tượng khắc phục hậu quả. Trường hợp này các nạn nhân sẽ có cơ hội hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của Tòa án và thi hành án.

Hiện nay, có rất nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn sớm lấy lại tiền của nạn nhân để tiếp tục lừa bằng thủ đoạn nộp thêm tiền phí để các đối tượng này sử dụng các biện pháp can thiệp, tác động để lấy lại tiền. Các đối tượng đưa ra rất nhiều thủ đoạn hứa hẹn, đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền và chấp nhận bỏ ra trước một số tiền nhất định.

Tuy nhiên Luật sư Hùng nhấn mạnh, đây lại tiếp tục là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi của các đối tượng. Để tạo niềm tin các đối tượng thậm chí còn giả danh người có uy tín như luật sư, cơ quan nhà nước thậm chí lấy cả hình ảnh, thông tin người có uy tín để lừa đảo.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia) cũng khẳng định, không có chuyện dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.

“Khi bị lừa đảo trực tuyến, người dân thay vì lên mạng xã hội kêu cứu, tìm kiếm hỗ trợ từ các dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo thì nên liên hệ với những luật sư uy tín để được hướng dẫn các thủ tục và báo lên cơ quan chức năng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần luôn nâng cao tinh thần cảnh giác. Không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh.

Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của mình và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-tro-thanh-nan-nhan-cua-chieu-tro-lay-lai-tien-lua-dao-10287460.html