Không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Trong văn bản, Cục nêu rõ, các địa phương, cơ quan quản lý du lịch cần chỉ đạo, quản lý hiệu quả để không diễn ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Đồng thời, các địa phương quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch, sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, nét đặc trưng về vùng đất, con người và đặc sản ẩm thực.
Cục đề nghị các địa phương, đơn vị chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 11/4/2024 của Thủ tướng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân.
Các Ban quản lý khu điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị kinh doanh liên quan tăng cường tự kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng dịch vụ. Các bên liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; đảm bảo an toàn phương tiện giao thông, quản lý điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.
Các khu, điểm du lịch có dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước và phương tiện vận chuyển khách du lịch nghiêm túc thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành không sử dụng các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn để phục vụ khách tham quan du lịch.
Mặt khác, các địa phương, cơ quan quản lý du lịch chỉ đạo đơn vị kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách (giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ); không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.
Các địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan. Đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và bảo đảm quy định phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quan tâm phòng tránh tai nạn giao thông.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi và cập nhật báo cáo https://thongke.tourism.vn (mục báo cáo nhanh) để Cục kịp thời nắm bắt tình hình, đánh giá kết quả hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.