Không tuyển thí sinh nói ngọng, nói lắp vào ngành Sư phạm: Học sinh, giáo viên nói gì?

Thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến dự thảo đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó có quy định các ngành Sư phạm không tuyển những thí sinh nói ngọng, nói lắp. Bên cạnh sự đồng tình, cũng có không ít băn khoăn xoay quanh quy định này.

Năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh trong cả nước. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông và có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc Trung học phổ thông đạt loại khá trở lên. Nhà trường dự kiến tuyển 7.094 chỉ tiêu (tăng gần gấp đôi so với năm 2020 là 4.330 chỉ tiêu).

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức là: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021; xét tuyển các đối tượng đáp ứng điều kiện do trường đề ra; xét học bạ Trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 với kết quả thi năng khiếu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 7.094 chỉ tiêu. (Ảnh minh họa)

Năm 2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 7.094 chỉ tiêu. (Ảnh minh họa)

Một trong những quy định nhà trường tiếp tục lưu ý là: Các ngành Sư phạm không tuyển những thí sinh bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp. Đa phần các ý kiến đều tỏ ý đồng tình vì cho rằng ngành Sư phạm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dụϲ các thế hệ tương lai. Nếu người dạy không phát âm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến học sinh.

“Tôi thấy quy đình này khá hợp lý. Sư phạm là nghề dạy người nên đòi hỏi sự chuẩn mực của người giáo viên là rất lớn. Việc nâng cao tiêu chuẩn khi tuyển sinh thí sinh vào ngành Sư phạm cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy. Thầy cô phát âm sai ảnh hưởng đến học sinh, nhất là đối với học sinh lứa tuổi Mầm non, Tiểu học” - anh Phạm Tiến Nhiệm (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ.

Mặc dù chỉ mới đưa ra trong dự thảo, tuy nhiên, quy định này cũng khiến không ít học sinh cảm thấy băn khoăn. Sinh ra và lớn lên ở huyện Quốc Oai, em Nguyễn Minh Trang có lực học khá, giỏi môn Ngữ văn. Ước mơ của Trang là sau này được trở thành một giáo viên dạy Văn. Vì vậy, Trang dự định năm nay sẽ đăng ký xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, dự thảo đề án tuyển sinh vừa được công bố đã khiến Trang lo lắng.

Minh Trang tâm sự: “Học sinh quê em nhiều bạn mắc phải lỗi phát âm sai về dấu và một số từ địa phương khác. Nghe nhiều, nói nhiều thành quen nên hầu như ai cũng cho đó là bình thường cho đến khi chúng em tiếp xúc với những người ở địa phương khác”.

Không chỉ ở huyện Quốc Oai mà nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, học sinh đều có những lỗi phát âm riêng. Chẳng hạn: Huyện Mê Linh, Sóc Sơn thường bị nói ngọng “l” và “n”; huyện Thạch Thất, Ba Vì nói chệch dấu hoặc sai phụ âm... Thậm chí, trên cùng một huyện, một xã nhưng mỗi nơi lại có một lỗi phát âm không giống nhau.

Dù đã cố gắng sửa lỗi nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công, em Đỗ Thị Hương (huyện Sóc Sơn) cho biết, em và nhiều bạn bè của mình có dự định gác lại ước mơ làm giáo viên để chuyển sang học ngành khác, trường khác vì lo lắng không thể “qua cửa” trước quy định này. “Nếu đề án tuyển sinh được thông qua sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho chúng em. Em mong nhà trường sẽ cân nhắc để thí sinh thực sự có đam mê với nghề giáo có thêm cơ hội” - em Đỗ Thị Hương bày tỏ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), chuẩn của giáo viên thì không được nói ngọng là đúng. Đối với những em học sinh mắc lỗi về phát âm như nói ngọng, nói lắp... mà muốn theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên, các nhà trường có thể xây dựng phương án để hỗ trợ các em. Chẳng hạn như mở các lớp phụ đạo để giúp sửa lỗi phát âm. Hoặc khi đăng ký dự tuyển, các em phải cam kết nếu không sửa được các lỗi phát âm này thì sẽ không được tốt nghiệp...

Đồng tình với quan điểm “giáo viên không được nói ngọng”, thầy giáo Nguyễn Minh Phi (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ, huyện Gia Lâm) cho rằng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên cân nhắc ban hành quy định vào thời điểm nào cho phù hợp.

Theo thầy giáo Nguyễn Minh Phi, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đang đến rất gần, thí sinh cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng trong nhiều năm trời cho dự định, ước mơ của mình. Nếu dự thảo được thông qua vào “phút chót” như vậy sẽ là thiệt thòi lớn với nhiều thí sinh có đam mê thực sự với nghề giáo. Dự thảo chưa được ban hành nên hi vọng nhà trường cân nhắc để không bỏ phí mất những sinh viên thật sự tài năng, tâm huyết và yêu nghề.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-tuyen-thi-sinh-noi-ngong-noi-lap-vao-nganh-su-pham-hoc-sinh-giao-vien-noi-gi-121861.html