Không vì sắp xếp đơn vị hành chính mà để xảy ra 'khoảng trống' trong phòng, chống thiên tai
Đây là yêu cầu được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa diễn ra.

Khỏi phải nhắc lại sự thảm khốc của thiên tai như thế nào. Vậy nhưng vẫn có những tập thể, cá nhân chưa nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm của nó để có hành động phù hợp.
Báo cáo và thảo luận tại hội nghị cho thấy, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thời gian qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm. Nổi lên là một số chính quyền địa phương có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới công tác phòng chống dẫn đến không bố trí đủ người, vật tư, phương tiện; thiếu chủ động trong ứng phó khi có sự cố...
Đó là những bất cập đầy lo lắng trong những thời điểm vốn dĩ được xem là bình thường.
Hiện tại chúng ta đang phải tập trung rất cao cho việc sắp xếp lại bộ máy, giải thể chính quyền cấp huyện, sáp nhập xã để thành lập đơn vị hành chính mới. Ở thời điểm này có rất nhiều điều lo lắng được đặt ra xuất phát từ tâm lý chủ quan, thái độ lơ là của một bộ phận cán bộ cấp xã, cấp huyện, nhất là với những cán bộ đang được giao thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự phản ứng nhanh. Trong số đó, nếu để xảy ra sự sao nhãng, “khoảng trống” trong công tác phòng, chống thiên tai, thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Theo các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp và hết sức khó lường. Ngay trong những ngày cuối tuần này khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung bộ sẽ phải đối diện một đợt mưa lớn, có thể lên đến 250 mm, nước sông dâng cao, xuất hiện lũ ống, lũ quét.
Để thiên tai không trở thành thảm họa, một trong những yêu cầu cấp bách là không được phép vì lý do sáp nhập xã, phường, giải tán cấp huyện mà sao nhãng, dẫn đến “khoảng trống” trong chỉ huy, điều hành phòng, chống thiên tai. Thay vào đó, phải xác định rất rõ ràng đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, khẩn trương và cấp bách.
Nhìn xa hơn, sau khi hoàn thành việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, chính quyền cấp xã phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của cơ quan tham mưu, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của địa phương, đảm bảo theo quy định và duy trì sự ổn định, nâng cao sự chủ động, nhất là huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng vào cuộc. Không còn cơ quan phòng, chống thiên tai cấp huyện nhưng không ảnh hưởng tới việc phòng, chống thiên tai, bởi mọi việc sẽ đều được chủ động và mạnh ngay từ cơ sở.