Không vì sát Đại hội mà kỷ luật Đảng chùng xuống
Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong về việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là cán bộ diện Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Việc xem xét kỷ luật luôn bảo đảm tính 'công minh, chính xác', dựa trên các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Không có chuyện “phe này”, “cánh kia”
Thời gian vừa qua, khi các cơ quan của Đảng tiến hành kiểm tra và kỷ luật một cán bộ nào đó, nhất là cán bộ diện Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương thì trên mạng xã hội cũng xuất hiện một số ý kiến “đồn thổi” rằng, do “phe này”, "cánh kia", là người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra của Đảng, ông nghĩ gì về hiện tượng này?
Với 20 năm làm công tác kiểm tra Đảng và qua theo dõi công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gần đây, tôi thấy việc làm của Đảng khi xem xét xử lý cán bộ là rất cân nhắc. Việc kiểm tra, xem xét kỷ luật luôn bảo đảm sự công bằng, theo nguyên tắc “công minh, chính xác, kịp thời”. Mức độ kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên như thế nào cũng được xem xét một cách toàn diện trên cơ sở các quy định của Đảng. Những người làm công tác kỷ luật luôn có tâm khi xem xét các vụ việc. Đặc biệt, không cá nhân nào, không có “nhóm lợi ích” nào có thể tác động, hoặc làm lệch đi kết quả kiểm tra, giám sát cũng như hình thức kỷ luật.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Các cơ quan của Đảng cũng đã tiến hành kiểm tra và quyết định kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tất cả những quyết định kỷ luật được đưa ra vừa qua theo tôi đều dựa trên các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hình thức kỷ luật là nghiêm minh, song cũng nhân văn, không có chuyện “phe này”, “cánh kia”.
Tránh “dĩ hòa, vi quý” trước thềm đại hội
Nhắc đến việc kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”; “ Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Những điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói ở trên có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
Điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói là rất đúng, nhân văn và ý nghĩa. Việc xem xét kỷ luật đối với những hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước không chỉ vì sự nghiêm minh của Đảng, sự vững mạnh của tổ chức mà còn cho cả người vi phạm. Nếu phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, Đảng không chỉ giúp cán bộ, đảng viên đó tránh bước thêm vào con đường sa ngã, mà còn giúp nhiều người khác không bị liên lụy. Ngược lại, nếu không xử lý kiên quyết, để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn thì không những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của tổ chức, mà có khi còn kéo theo nhiều cán bộ, đảng viên khác sa ngã. Đến khi bị kỷ luật, lâm vào vòng lao lý, khổ cho nhiều người, nhiều gia đình…Cái này đã có nhiều bài học rồi.
Gần đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, song Đảng vẫn xem xét kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ diện Ủy viên Bộ Chính trị, vậy điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất cho nhiệm kỳ mới, thưa ông?
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nếu cá nhân, tổ chức nào có vi phạm thì càng phải xử lý. Việc xử lý như vậy không chỉ tốt cho nhiệm kỳ này mà còn cho cả nhiệm kỳ sau. Tất cả những việc đó phải làm một cách nghiêm túc, đầy đủ, không có chuyện sắp đến đại hội rồi thì “dĩ hòa, vi quý”. Có như thế thì mới giúp Đảng giữ được uy tín trong nhân dân. Có như thế đất nước ngày càng phát triển đi lên, bởi công tác cán bộ vốn là “then chốt của then chốt”. Kể cả sau đại hội, những người lọt vào Trung ương rồi, nhưng nếu phát hiện ra có sai phạm thì vẫn bị xử lý.