Không xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm, Hà Nội 'tiền hậu bất nhất'?
Hà Nội cho biết, không có GVHĐ nào đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt theo NĐ 161, thử hỏi còn địa phương nào đủ tiêu chuẩn?
Những ngày qua, hàng ngàn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ lo sợ, thất vọng đến hy vọng rồi lại... tuyệt vọng, khi Sở Nội vụ Hà Nội thông báo thành phố không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt theo Nghị định 161. Nghị định 161 nêu rõ, để được xét tuyển đặc biệt, giáo viên phải công tác trong các cơ sở giáo dục đảm bảo tự chi thường xuyên. Nhưng hiện nay tại Hà Nội chưa hề có trường công lập nào đủ khả năng tự chủ tài chính!
Điều đáng nói, trong hàng ngàn giáo viên hợp đồng này, có đến hàng trăm người đã cống hiến cho ngành suốt hơn 20 năm, nhưng cũng không hề được hưởng bất kỳ ưu tiên nào khi tuyển dụng viên chức.
Giáo viên lại nước mắt nhạt nhòa
Vừa mới lóe chút hy vọng, thầy Nguyễn Viết Tiến (GVHĐ Sơn Tây) lại hoang mang, thất vọng khi nhận được tin bản thân thầy cũng như nhiều đồng nghiệp khác không có cơ hội nào để xét tuyển đặc biệt. Nhiều tháng qua, thầy Tiến cùng các đồng nghiệp vẫn “vác” đơn cầu cứu đi khắp các ban ngành của TP Hà Nội, Bộ Nội vụ để mong có một cơ chế thỏa đáng hơn, công bằng hơn trong việc tuyển dụng vào biên chế giáo dục. Thế nhưng đến nay mọi cố gắng vẫn chưa có kết quả như mong đợi.
Thầy Tiến bị cắt hợp đồng từ 31/5, nhưng do trường thiếu giáo viên, nên thầy được mời về dạy thỉnh giảng theo tiết. Từ hợp đồng theo năm, đến nay thầy Nguyễn Viết Tiến phải cố bám trụ với nghề bằng hợp đồng theo tiết. Mỗi tiết 50.000 đồng, 1 tuần 12 tiết và không được hưởng thêm bất kỳ khoản trợ cấp nào.
“Tôi thấy cuộc sống của những giáo viên hợp đồng hiện nay chẳng khác nào anh giáo nghèo trong truyện ngắn của Nam Cao. Lương vốn dĩ đã không đủ sống, nhưng nay còn mất luôn nghề. Sau gần 20 năm cống hiến với ngành giáo dục bằng cả thanh xuân, tâm huyết và lòng nhiệt tình, chúng tôi lại đứng trước nguy cơ phải rời bục giảng khi bị chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng theo tiết không có bất cứ ràng buộc gì, nhà trường thuê lúc nào, chúng tôi được đi dạy lúc ấy. Đau đớn hơn khi nhiều học sinh cũ hỏi tôi "thầy ơi thầy còn đi dạy nữa không hay thầy về hưu non rồi. Nhiều người quen hay trêu thầy “mất dạy” rồi à. Lúc ấy chỉ cười xòa, nhưng cay đắng lắm”, thầy Tiến ngậm ngùi.
Giống như thầy Nguyễn Viết Tiến, thầy Phùng Đức Tăng (Ba Vì) Hà Nội cũng đã phải từ bỏ mục giảng vì bị cắt hợp đồng, bươn chải bằng nghề hàn xì, lắp đặt điều hòa, phụ xây...
“Chúng tôi thấy buồn và chua xót, khi sau gần 20 năm dạy học, cuối cùng lại rơi vào cảnh ngộ này. Người ta vẫn nói nghề giáo là nghề cao quý, nhưng có ai lại đối xử với nhũng người làm nghề cao quý theo cách này”, thầy Tăng chua xót.
Tiếp tục cầu cứu
Dù đã có kết luận của TP Hà Nội, nhưng thầy Nguyễn Viết Tiến cho biết, giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây, Ba Vì cùng các quận huyện khác vẫn tiếp tục kiên trì gửi đơn kêu cứu lên UBND TP Hà Nội mong có một cơ chế giải quyết thỏa đáng hơn.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng, phát ngôn của Hà Nội trước sau bất nhất, khiến giáo viên hy vọng rồi lại thất vọng. Ngày 7/7/2019 Sở nội vụ Hà Nội có Văn bản số 1554/SNV-SDCD trả lời đơn kiến nghị được xét tuyển đặc cách đối với GVHĐ tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó Thành phố giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để xem xét việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của nghị định 161/2018.
Đến ngày 9/7/2019, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ xét tuyển đặc biệt với những giáo viên đủ tiêu chuẩn. Nhưng đến ngày 6/9/2019 Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố lại ra thông báo trên địa bàn thành phố Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách. Trong khi đó, Bộ Chính trị có công văn số 9028 cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng”, thầy Tiến nói.
Hà Nội không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đặc biệt, thì nơi nào đủ?
Nghị định 161 quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn để xét đặc cách biên chế, theo TP Hà Nội, giáo viên hợp đồng toàn TP không đủ điều kiện để xét đặc cách do không ai đang giảng dạy trong trường công lập tự chủ tài chính.
Điều này đúng! Nhưng thử hỏi, tại Hà Nội, còn không có trường công lập nào đủ khả năng tự chủ tài chính, thì 62 tỉnh thành còn lại, liệu có nơi nào giáo viên đáp ứng được tiêu chí này?
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng: “Hội đồng lúc nào cũng nói làm đúng quy trình. Nhưng cơ quan nào đưa ra các tiêu chí đó mới đáng trách. Có mấy trường hợp không làm đúng quy trình đâu. Nhưng vấn đề là các tiêu chí, quy trình ấy có phù hợp hay không. Nếu không áp dụng một cách tỉnh táo, có thể tạo ra những bất công. Tiêu chí về xét duyệt biên chế giáo viên hợp đồng được đưa vào luật, nhưng cần xem tiêu chí này đã được lấy ý kiến rộng rãi của giáo viên hay chưa, những giáo viên hợp đồng có đồng tình với điều này hay không. Xưa nay nhiều khi vẫn có vài chuyên viên thậm chí chưa đi dạy được ngày nào, ngồi ôm gối vỗ trán, nhìn sang Anh quốc, Nhật Bản... làm thế này thế kia, rồi về áp vào nước mình, mà đâu biết mỗi nơi mỗi khác”.
TS Lê Viết Khuyến không đồng tình với cách làm của Hà Nội, ông cho rằng nên có những cách giải quyết công bằng hơn cho giáo viên. Theo đó, Hà Nội không nên đặt ra vấn đề có xét tuyển đặc cách theo luật hay không, mà cần đưa ra các tiêu chuẩn riêng với những giáo viên hợp đồng lâu năm. “Cần đưa ra các tiêu chuẩn riêng, đây không phải là ưu ái. Những người trẻ có thế mạnh là ngoại ngữ, tin học, nhanh nhạy, nhưng nhũng người làm việc lâu năm lại có những tiêu chí riêng như kinh nghiệm dày dặn. Đây là những yếu tố không thể bỏ qua. Họ làm việc lâu năm, có thể không đáp ứng dược tiêu chí này, nhưng lại đáp ứng được tiêu chí khác. Theo tôi không nên cào bằng”.
Nói về cách tuyển dụng giáo viên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng đang vướng mắc, do có các giai đoạn tuyển dụng ồ ạt. Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho rằng, về lâu dài, trừ những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nên bỏ biên chế giáo dục, chuyển sang hình thức hợp đồng dài hạn. Nhưng để thực hiện được cần có lộ trình thực hiện rõ ràng./.
Nghị định 161: “Điều 14. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:
Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;
Cán bộ, công chức cấp xã;
Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.