Không xuất hiện điểm nóng COVID-19 lại châm ngòi tranh cãi lớn về tái mở cửa
AP đưa tin, việc không xuất hiện thêm các điểm nóng mới trong đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên cuộc tranh cãi xung quanh thời điểm các chính quyền bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội và tái mở cửa nền kinh tế.
Mặc dù các quan ngại về tình trạng lây lan tại một số nước như Nhật Bản hay Indonesia vẫn tiếp diễn, nhưng ở thời điểm hiện tại, không một địa điểm nào rơi vào tình trạng bùng nổ số người phải nhập viện và tử vong vì virus như đã từng xảy ra tại Trung Quốc, miền nam châu Âu và một số bang tại Mỹ.
Thậm chí ngay cả ở New York, nơi người chết do mắc COVID-19 đã vượt mốc 10.000 người hôm thứ hai (13/4), Thống đốc bang Andrew Cuomo cũng phải tuyên bố: "Tình trạng tồi tệ nhất đã qua đi nếu chúng ta tiếp tục hành động một cách thông minh. Tôi tin giờ đây chúng ta có thể bắt đầu đi trên con đường quay trở về cuộc sống bình thường", ông Cuomo nói.
Tiến sỹ Sebastian Johnston, giáo sư y khoa tại Đại học Imperial London cho hay, dịch bệnh COVID-19 có vẻ như đã đạt tới đỉnh tại phần lớn châu Âu, bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Anh.
Với các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, viễn cảnh đen tối rằng COVID-19 sẽ lây lan khắp toàn cầu với cùng một sức mạnh không thể cản phá - may mắn vẫn chưa trở thành hiện thực. Mặc dù vậy, những câu hỏi lớn giờ đây lại là điều gì sẽ xảy ra một khi các biện pháp này được dỡ bỏ.
Các cơ quan y tế cảnh báo, nới lỏng quá sớm sẽ làm đảo ngược các tiến triển tích cực, thậm chí dẫn tới những bùng phát mới.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia dường như vẫn muốn đi theo con đường đó. Các chính quyền bang ở cả hai bờ của nước Mỹ đều thông báo, họ sẽ thực hiện tái mở cửa ở một số lĩnh vực. Điều này có khả năng sẽ châm ngòi cho sự xung đột với Tổng thống Donald Trump – người đã tuyên bố, ông mới là người đưa ra quyết định tối cao về việc tái mở cửa khi nào và bằng cách nào.
Ông Trump tiếp tục khẳng định điều trên trong một cuộc họp báo mới đây tại Nhà Trắng trước các câu hỏi của báo giới rằng, liệu tổng thống hay các thống đốc có thẩm quyền nới lỏng các hạn chế. Ông Trump nhấn mạnh, "chính quyền liên bang có quyền lực tuyệt đối" trong quá trình đưa ra quyết định nếu chọn làm điều đó.
Theo Hiến pháp Mỹ, các bang có quyền điều hành công việc nội bộ của mình. Thống đốc bang California Gavin Newso nói, ông sẽ công bố một kế hoạch chi tiết về dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19. Ông báo trước, người dân có thể kỳ vọng "việc gia tăng các yêu cầu làm việc tại nhà" sử dụng "các hướng dẫn khoa học để đưa ra quyết định chứ không phải là áp lực chính trị".
Tại một số nước châu Âu, giới chức đang nhìn vào các dấu hiệu lạc quan để bắt đầu chuẩn bị tái mở cửa các nền kinh tế và ngành công nghiệp bị đóng cửa phần lớn do tác động của đại dịch.
Số ca nhiễm mới hàng ngày của Italy đang ở mức thấp nhất trong những tuần gần đây. Nới lỏng hạn chế sẽ có hiệu lực đối với một số ngành như cho phép các cửa hàng bán đồ thiết yếu cho trẻ sơ sinh được tái hoạt động.
Tại Tây Ban Nha, một tâm dịch khác của châu Âu, người lao động tại một số nhà máy và khu xây dựng được phép đi làm lại. Các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ vẫn phải đóng cửa trong khi chính phủ yêu cầu nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.
Một số chuyên gia y tế và chính trị gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để chấm dứt phong tỏa tại một quốc gia đã có hơn 17.750 người tử vong và hơn 170.000 bị ốm liên quan tới COVID-19. Tây Ban Nha là nước có số người nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ (582.000 trường hợp).
Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nhấn mạnh, ông sẽ tiến hành mọi việc "với sự cẩn trọng nhiều nhất… và luôn dựa trên các bằng chứng khoa học".
Trong khi đó, giáo sư Johnston từ Đại học Imperial London lo ngại, virus sẽ tiếp tục bùng phát ở Mỹ Latin, châu Phi và Đông Nam Á. Ông cũng bày tỏ lo ngại về Nga.
Tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn khá thấp tại khu vực các nước đang phát triển, nơi hệ thống y tế còn khá nghèo nàn, thậm chí là hầu như không có. Người đứng đầu bộ phận khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sỹ Mike Ryan chỉ ra, tốc độ lây lan nhanh chóng của COVID-19 từ thành phố tới nông thôn thường phụ thuộc vào các liên kết xã hội và giao thông.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các khu vực nông thông thường có hệ thống giám sát y tế kém hiệu quả hơn trong việc phát hiện các ổ bệnh tiềm năng. Điều này dẫn tới câu hỏi, "liệu ở đó không có dịch bệnh hay có phải chúng ta không phát hiện được dịch bệnh ở đó?".
Trong những tuần qua, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh. Hiện Indonesia đã ghi nhận được 4.557 người dương tính với COVID-19 và 399 người tử vong – con số cao nhất tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Sau nhiều tuần trì hoãn, cuối cùng thủ đô Jakarta cũng bắt đầu áp dụng các quy định giãn cách xã hội một cách cưỡng chế vào cuối tuần trước. Tổng thống Joko Widodo cam kết sẽ minh bạch hơn sau khi thừa nhận đã cố tình không công bố một số thông tin về COVID-19 tại đất nước nhằm hạn chế tình trạng hoảng loạn.
Còn Nhật Bản, quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, cũng đang có số người nhiễm mới tăng đáng kể. Hôm thứ ba (14/4), Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 390 người dương tính với COVID-19.
Không thể không kể đến đảo quốc bé nhỏ Singapore. Từ một hình mẫu ban đầu về thành công kiểm chế virus lây lan, giờ đây Singapore đang phải đối mặt với số lượng các ca nhiễm mới tăng mạnh mỗi ngày. Hầu hết các ca mới đều liên quan tới các người lao động ngoại quốc đang sống tại các khu ký túc xá đông đúc - nơi khoảng 20 người cùng ngủ trong một phòng, dùng chung toilet, bếp ăn và nhiều hạ tầng khác.
Theo thống kê của Đại học John Hopskin, toàn cầu đã có gần 2 triệu người nhiễm COVID-19 và hơn 119.000 người tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, con số này nhỏ hơn rất nhiều với quy mô thực tế của đại dịch do những giới hạn trong xét nghiệm, thông tin về người chết không đồng nhất và cả khả năng một số chính phủ cố tình làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.