Khu chợ quanh năm chỉ bán duy nhất một đặc sản Bến Tre, lúc nào cũng tấp nập khách

Khu chợ nổi này chỉ bán duy nhất một mặt hàng là đặc sản của Bến Tre.

Bến Tre nổi tiếng là vùng đất của dừa, đi đâu cũng thấy những rặng dừa cao vút, xanh mát hoặc sạp đồ bày bán các đặc sản từ dừa như kẹo dừa, mứt dừa, bánh dừa... Nơi đây còn có khu chợ nổi chuyên bán dừa, lúc nào cũng nườm nượp khách ghé tới.

Chợ nổi dừa cách trung tâm thị trấn Mỏ Cày khoảng 7km, nằm trên dòng Sông Thom thuộc địa bàn xã An Thạnh và xã Khánh Thạnh Tân thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc. Từ trung tâm thành phố Bến Tre, du khách có thể di chuyển bằng đường bộ tới huyện Mỏ Cày Nam rồi đi tàu du lịch chạy dọc theo sông Thom đến chợ nổi dừa hoặc có thể xuất phát từ bến tàu ở trung tâm thành phố ra sông Hàm Luông, rẽ vào chợ nổi dừa.

Dừa là đặc sản nổi tiếng của Bến Tre.

Dừa là đặc sản nổi tiếng của Bến Tre.

Chợ nổi dừa xuất hiện vào khoảng những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi ấy, ở Bến Tre đã có các cơ sở thu mua và sản xuất các sản phẩm từ trái dừa. Vì thế trên đoạn sông Thom dài chừng 5km đã nổi lên hàng trăm cơ sở chế biến hoạt động liên tục 24/24. Ngoài ra, hoạt động mua bán dừa cũng diễn ra sôi nổi giữa những cơ sở này với thương lái đến từ khắp nơi. Dần dần chợ nổi dừa hình thành.

Yến Nhi (27 tuổi, Bến Tre) cho biết, không ít người bỏ vốn buôn dừa hay mở xưởng chế biến dừa tại khu vực chợ nổi đã thành triệu phú. Còn lao động làm thuê cũng có cuộc sống sung túc hơn.

"Ai đến chợ cũng có thể làm việc. Những người khỏe thì bốc vác, lột vỏ dừa với mức lương 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Phụ nữ, người già sức yếu sẽ đi phơi, gom xơ dừa mỗi ngày cũng được 200.000 đồng. Người lao động còn có thể quay chỉ xơ dừa, gọt cơm dừa với mức thu nhập không hề thấp", Yến Nhi cho hay.

Chợ nổi dừa thường nhộn nhịp vào buổi sáng. (Ảnh: JP Klovstad)

Chợ nổi dừa thường nhộn nhịp vào buổi sáng. (Ảnh: JP Klovstad)

Cũng theo cô gái, chợ nổi dừa nhộn nhịp vào sáng sớm. Khi ấy du khách có thể cảm nhận được sự tấp nập tại các xưởng chế biến dừa ở dọc 2 bờ sông. Người lao động hăng say làm việc để kịp cung cấp sản phẩm cho tiểu thương, người mua lẻ...

"Không giống như những khu chợ nổi khác, chợ nổi dừa quê mình chỉ bán duy nhất mặt hàng là dừa và những sản phẩm từ dừa.

Cứ tờ mờ sáng, hàng trăm ghe, xuồng từ các xã, huyện, thậm chí là các tỉnh tập trung về đây để trao đổi buôn bán dừa trái, chỉ xơ xừa. Người mua người bán trò chuyện với nhau ríu rít tạo nên khung cảnh thật nhộn nhịp", Yến Nhi cho hay.

Cô gái xứ dừa cho hay, tất cả từ cây dừa đều có thể bán ra tiền nên chợ gần như không có rác thải, không gây ô nhiễm môi trường. "Xưa chỉ có cơm dừa và nước dừa có thể bán được, còn lại đều là phế phẩm. Nhưng nay xơ dừa được kéo thành sợi rồi dệt thành thảm xuất đi Hàn Quốc, Trung Quốc", cô gái nói.

Tất cả các sản phẩm từ dừa đều có thể bán được.

Tất cả các sản phẩm từ dừa đều có thể bán được.

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre, không chỉ buôn bán, chế biến dừa, chợ nổi sông Thom đã thành một tài nguyên du lịch đặc hữu, không đụng hàng với bất kỳ nơi nào khác. Hiện có nhiều doanh nghiệp du lịch đang khai thác tuyến tham quan chợ nổi dừa sông Thom với hành trình khoảng 3 km đi thuyền trên sông.

"Mỗi ngày, có hàng trăm chiếc ghe nườm nượp từ trong và ngoài tỉnh đổ về đây để mua bán dừa, du khách sẽ có dịp tận mắt nhìn thấy những người thợ làm việc liên tục từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối với các công việc quen thuộc như: lột vỏ dừa, cạy cơm dừa, tách và phơi chỉ xơ dừa,...", vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre cho biết trên Dân Trí.

Khai Tâm

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/an-choi-kham-pha/khu-cho-quanh-nam-ban-mot-dac-san-ben-tre-luc-nao-cung-tap-nap-202411271607023709.html