Khu Công nghệ cao gắn kết với Khu đô thị sáng tạo phía Đông
Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông cần gắn kết và tạo dựng môi trường thuận lợi để phát huy tiềm lực của các trụ cột chính là: Khu Công nghệ cao (phát triển và ứng dụng công nghệ), Khu đô thị Thủ Thiêm (trung tâm tài chính) và Đại học Quốc gia TPHCM (cung cấp nguồn nhân lực, thực hiện các nghiên cứu tạo ra công nghệ mới), hướng đến phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân thành phố.
Hiện nay, các khu công nghệ cao (CNC) trên thế giới đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ của quốc gia như Khu CNC Kanagawa (Nhật Bản), Khu CNC Gyeongbuk (Hàn Quốc), Khu CNC Kulim (Malaysia)… Còn Khu CNC TPHCM nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, trung tâm của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, trục liên kết, kết nối với cụm công nghiệp của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương với hơn 40 khu công nghiệp và khu chế xuất. Là nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM nên tạo thế liên kết lâu dài trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu - phát triển (R&D), nâng cao năng lực khoa học - công nghệ nội tại.
Đến nay có gần 500 chuyên gia nước ngoài và hơn 20 chuyên gia Việt kiều làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu. Các hoạt động của chuyên gia nước ngoài và Việt kiều đã mang lại một số kết quả, kết nối quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động khoa học - công nghệ, cũng như trong công tác xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế, kết nối trong mối quan hệ giữa các các tổ chức quốc tế với Ban quản lý Khu CNC, doanh nghiệp và viện - trường.
Sau 17 năm hình thành và phát triển, Khu CNC TPHCM đã đạt được các kết quả quan trọng trong đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM và cả nước: thu hút đầu tư các tập đoàn công nghệ (Intel, Nidec, Samsung, Jabil) với giá trị đầu tư khoảng 7,2 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu năm 2019 ước đạt 17 tỷ USD; giá trị nội địa hóa trong sản phẩm đạt trên 27%; liên kết hợp tác và hình thành chuỗi giá trị gia tăng từ nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm, công nghiệp hỗ trợ đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng sản xuất mới, thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp, khởi nghiệp trên nền tảng CNC. Khu CNC TPHCM tạo được kết nối “Đại học - Doanh nghiệp” trong chuỗi giá trị; trình độ lao động từ trung cấp trở lên chiếm hơn 45%...
Song song đó là đóng góp trong khoa học - công nghệ: thu hút CNC, sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng; thúc đẩy hoạt động R&D, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút các công nghệ mới, hình thành các trung tâm R&D trong doanh nghiệp, hoạt động R&D tăng về lượng và chất. Giáo dục - đào tạo cũng tạo nên những bước tiến lớn: Khu CNC tạo được giá trị cốt lõi trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và các tỉnh lân cận, thông qua các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế cung ứng cho doanh nghiệp. Xây dựng kết nối với các viện, trường, đặt biệt với Đại học Quốc gia TPHCM. Khu CNC là nơi thu hút lực lượng lớn chuyên gia tham gia phát triển CNC.
Với lợi thế này, Khu CNC tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm khoa học - công nghệ hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Trong đó, Khu CNC tập trung xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ; thu hút nguồn nhân lực phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng mối liên kết giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, viện, trường trong việc phát triển CNC cho TPHCM; trung tâm nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt hướng đến xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.