Khu du lịch Tam Chúc: Từ đỉnh 'tam giác vàng' du lịch tâm linh Việt Nam đến ngôi chùa lớn nhất thế giới

Khu du lịch Tam Chúc được mệnh danh là 'Vịnh Hạ Long trên cạn' bởi vẻ ngút ngàn và đẹp như cõi mộng. Đây là một đỉnh trong 'tam giác vàng' du lịch tâm linh gồm: Chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội) và dự đoán sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới trong tương lai không xa.

Nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn

Nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long trên cạn

Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh”

Nằm cách Trung tâm Hà Nội khoảng 60km, cách thành phố Phủ Lý chừng 12 km về phía Tây, quần thể du lịch Tam Chúc nằm trên tuyến quốc lộ 21A tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và thành phố Hà Nội. Quần thể khu du lịch Tam Chúc tọa lạc trên mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam gồm các hạng mục như: Khu lòng hồ; Khu văn hóa tâm linh; Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ; Khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên. Nơi đây được Thủ tướng công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 201/QĐ-TTG ngày 22/01/2013.

 Điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn

Điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn

Khu du lịch Tam Chúc thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la. Đặc biệt, không khí trong lành và tiếng chim líu lo giữa núi rừng rộng lớn là điều mà bất kì du khách nào cũng sẽ không thể nào quên khi đặt chân đến mảnh đất này.

Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối Hà Nội và Hà Nam vô cùng thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính 30km và cách chùa Hương 4,5km tạo thành một quần thể ”Tam giác vàng” du lịch tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước.

Quần thể khu du lịch văn hóa tâm linh Tam Chúc được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt và chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường – Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực phục dựng những giá trị tâm linh trong với những công trình đã ghi dấu ấn lịch sử được nhắc đến như: Khu du lịch Tràng An - Chùa Bái Đính, Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp, Khu du lịch Hương Sơn, Khu du lịch Hồ Núi Cốc….

Sẽ có vườn kinh lớn nhất thế giới!

Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 5.000 ha, bao gồm hồ nước: 1.000 ha, núi đá rừng tự nhiên: 3.000 ha, các thung lũng: 1.000 ha. Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt với cảnh quan hùng vĩ được ví von là "Tiền lục nhạn, hậu thất tinh", nghĩa là mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền rằng đây là 6 quả chuông của nhà trời đưa xuống và đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm.

Ngôi chùa được thi công bởi rất nhiều những người thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Năm 2000, khi khảo sát làm thủy lợi lòng hồ Tam Chúc, công nhân xây dựng đã phát hiện ra rất nhiều dấu tích các hiện vật liên quan đến chùa Tam Chúc xưa. Từ các hiện vật khảo cổ, bước đầu có thể kết luận rằng chùa Tam Chúc đã có niên đại trên 1000 năm.

Trải qua rất nhiều năm tháng, giờ chỉ còn lại những di tích cột gỗ, cột đá, xà đá còn vùi lấp ở nền móng cũ, trong đó có những cột gỗ có đường kính trên 1m, những xà đá, cột đá rất lớn mà chúng ta chưa thể hiểu được ông cha ta trước kia dựng chùa bằng cách nào với kích thước lớn như vậy.

 Khu du lịch Tam Chúc - Một trong những bước ngoặt trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam

Khu du lịch Tam Chúc - Một trong những bước ngoặt trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam

Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn.

Kể đến như Chùa Ngọc được xây dựng trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 mét, từ dưới chân núi, du khách leo 299 bậc thang để lên được chùa. Chùa được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo với thiết kế công phu.

Điện Tam Thế ở độ cao 45m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.

 Những lối kiến trúc cổ mê mị tại khu du lịch Tam Chúc

Những lối kiến trúc cổ mê mị tại khu du lịch Tam Chúc

Nhà thờ Tổ 2 tầng tháp mái cong với chiều cao 25m, mặt sàn 1.050 m2; nhà Tăng Ni 5 tầng cao 30,8m, với mặt bằng 3.600 m2; đền Thánh Cao Sơn được tọa lạc trên diện tích 1,75ha phía hồ Tay Ngai, với Thủy Đình 3 tầng mái, nhà Tả Hữu Vu, đền chính.... Đền Mẫu với chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống Thủy Đình 2 tầng mái. Đình làng Tam Chúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên diện tích 3.700 m2 trên đảo giữa hồ.

Trung tâm Hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ cao 31m, đủ sức phục vụ gần 3.500 khách. Tương lai, Tam Chúc sẽ có Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên... cùng nhiều công trình khác.

Các công trình của chùa Tam Chúc là sự kết hợp hài hòa, linh diệu, đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.

Ấn tượng nhất là Ngôi chùa Tam Chúc được xây dựng lại có tới 12.000 bức tranh đá chạm khắc tinh xảo gửi gắm biết bao câu chuyện nhân văn tái hiện cuộc đời Đức Phật, được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam. 4 bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. 4 bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát.

Tam Chúc còn độc đáo với các bức tượng Phật. Điện Tam Thế thờ 3 tượng Phật Tổ bằng đồng dát đồng đen, mỗi bức nặng hơn 200 tấn, phía sau là 3 lá bồ đề dát vàng rộng. Sân điện có chiếc vạc Phổ Minh khổng lồ với những bức tranh miêu tả di tích, thắng cảnh. Điện Pháp Chủ thờ tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Còn Điện Quan Âm thờ tượng đồng Quan Âm Bồ Tát nguyên khối nặng 100 tấn.

Điều đặc biệt, chùa Tam Chúc đang thiết lập vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 14m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây sẽ là vườn kinh lớn nhất thế giới với hàng ngàn bài kinh kệ đặc sắc.

Ngôi chùa lớn nhất thế giới

Với cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình có một không haivẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc độc đáo cùng nhiều báu vật độc nhất vô nhị, nhiều nhà văn hóa đã dự báo chùa Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới trong tương lai.

Để Quần thể Khu du lịch Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2023, Hà Nam đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế để kết nối với các vùng, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch bền vững. Khu du lịch Tam Chúc sẽ là điểm nhấn và được kỳ vọng tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cho tỉnh Hà Nam.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dich-vu/khu-du-lich-tam-chuc-tu-dinh-tam-giac-vang-du-lich-tam-linh-viet-nam-den-ngoi-chua-lon-nhat-the-gioi-477080.html