Khu phi quân sự Hàn - Triều trở thành thiên đường của động vật hoang dã
Sự cô lập và thiếu bóng người ở khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã biến nơi đây thành thiên đường của các loài động vật hoang dã.
DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là một trong những vùng biên giới được vũ trang hùng mạnh nhất trên thế giới. Bao quanh dải đất dài hơn 250km là hàng rào dây thép gai và bãi mìn nên hầu như không có hoạt động của con người.
CNN đưa tin, những hình ảnh chi tiết về đường đi ở DMZ lần đầu tiên được Google công bố trong tuần qua, mang tới cái nhìn hiếm hoi về hệ động thực vật đang sinh sống ở vùng đất không người này.
Đây là một phần trong dự án có sự cộng tác của một số tổ chức ở Hàn Quốc để đánh dấu kỷ niệm 70 năm ký kết hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), và vạch ra DMZ.
Dự án của Google giúp người xem thực hiện “chuyến tham quan ảo” qua các di tích văn hóa và di sản gần DMZ như những tòa nhà bị chiến tranh tàn phá, và boong ke phòng thủ.
Song hình ảnh đáng ngạc nhiên nhất là hơn 6.100 loài động thực vật đang cư ngụ ở DMZ, từ các loài bò sát, chim chóc cho đến thực vật.
Theo Google, trong số 267 loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Hàn Quốc, 38% đang sống ở DMZ.
“Sau chiến tranh Triều Tiên, DMZ ít có sự xuất hiện của con người trong hơn 70 năm qua. Thiên nhiên bị tàn phá đã tự phục hồi. Một hệ sinh thái mới chưa từng thấy ở các thành phố đã xuất hiện, và nơi đây trở thành khu bảo tồn động vật hoang dã”, Google cho hay.
Trong những loài vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng đang sống trong DMZ, phải kể tới dê núi, hươu xạ và đại bàng vàng.
Phần lớn hình ảnh được thu thập thông qua các camera không người lái của Viện Sinh thái quốc gia Hàn Quốc. Vào năm 2019, lần đầu tiên sau 20 năm, những camera này đã chụp được một con gấu đen châu Á còn ít tuổi.
Ông Seung-ho Lee, Chủ tịch Diễn đàn DMZ, một nhóm vận động bảo vệ di sản văn hóa và sinh thái trong khu vực, nói với CNN vào năm 2019 rằng DMZ đã trở thành ốc đảo cho các loài chim di cư.
“Chúng tôi gọi khu vực này là thiên đường tình cờ”, ông Lee nói.
Trong những thập kỷ qua, nhiều tổ chức đã kêu gọi tiến hành bảo tồn DMZ. Nhưng quá trình này không hề dễ dàng do cần có sự hợp tác từ cả Seoul và Bình Nhưỡng.
Một số tín hiệu tích cực ở DMZ cũng đã xuất hiện những năm gần đây như việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un năm 2018 cam kết biến DMZ thành “khu vực hòa bình”. Tới năm 2019, Hàn Quốc đã cho mở con đường đầu tiên trong số 3 “con đường hòa bình” để một vài du khách tới tham quan.
Tuy nhiên, sau đó, mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Đặc biệt, vào năm 2022, Triều Tiên đã cho phóng thử số tên lửa nhiều kỷ lục.