Khu phức hợp Giảng Võ và thương vụ góp đất vàng với giá rẻ

Khoảng 12.000m2 đất vàng bên hồ Giảng Võ được định giá chỉ 94 tỷ đồng để góp vốn với một công ty nước ngoài, xây dựng Khu phức hợp Giảng Võ.

Chậm tiến độ lại… điều chỉnh đầu tư

Ô đất bên hồ Giảng Võ được quy hoạch xây dựng Dự án Khu phức hợp Giảng Võ là một trong những ô đất đẹp nhất còn sót lại nằm giữa trung tâm quận Ba Đình, TP. Hà Nội và có giá trị sử dụng vô cùng lớn.

Cụ thể, ô đất có diện tích khoảng 12.000m2, một mặt tiếp giáp với phố Ngọc Khánh, cách phố Kim Mã khoảng 150m và một mặt tiếp giáp với đường Hồ Giảng Võ, mặt hồ Giảng Võ.

Theo hồ sơ Báo Công Thương có được, Dự án Khu phức hợp Giảng Võ được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư là Công ty JANAKPUR LIMITED (Cộng hòa Ireland) và Công ty Cổ phần Thăng Long GTC vào ngày 31/12/2007; tổ chức kinh tế thực hiện là Công ty TNHH Pacific Thăng Long.

Phối cảnh Dự án Khu phức hợp Giảng Võ (Ảnh: CĐT)

Phối cảnh Dự án Khu phức hợp Giảng Võ (Ảnh: CĐT)

Công ty TNHH Pacific Thăng Long là công ty liên doanh giữa Công ty JANAKPUR LIMITED và Công ty Cổ phần Thăng Long GTC, với cơ cấu vốn góp thực hiện dự án lần lượt là: JANAKPUR LIMITED góp 246 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thăng Long GTC góp 94,15 tỷ đồng.

Ngày 10/8/2009, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4060/QĐ-UB, về việc thu hồi hơn 12.000m2 đất tại số 15-17 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình do Công ty Thương mại và Du lịch tổng hợp Thăng Long quản lý, sử dụng giao cho Công ty TNHH Pacific Thăng Long thuê để thực hiện Dự án Khu phức hợp Giảng Võ.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội sau đó đã ký Hợp đồng thuê đất số 13/HĐTĐTN ngày 10/1/2010 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB 916075 ngày 2/8/2010, diện tích hơn 12.000m2 tại số 15-17 Ngọc Khánh cho Công ty TNHH Pacific Thăng Long để xây dựng dự án.

Ví trí khu đất trên Google map (Ảnh chụp màn hình)

Ví trí khu đất trên Google map (Ảnh chụp màn hình)

Theo Bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. Hà Nội năm 2008 và thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng thẩm định năm 2009, diện tích xây dựng công trình khoảng 6.033m2, gồm: Diện tích xây dựng khối thương mại, khách sạn khoảng 4.933m2; diện tích khối văn phòng khoảng 1.100m2; mật độ xây dựng 50,8%.

Sau hơn 10 năm được giao đất, dự án vẫn chưa hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng. Vì vậy, ngày 29/12/2022, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5340/QĐ-UBND, về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với Dự án Khu phức hợp Giảng Võ, thời gian từ ngày ký quyết định.

Mới đây nhất, ngày 19/8/2024, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thay đổi lần 4 cho Công ty TNHH Pacific Thăng Long. Thời gian hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào khai thác được điều chỉnh sang quý I/2027.

Đất vàng được định giá chưa tới 8 triệu đồng/m2

Lật lại hồ sơ Dự án Khu phức hợp Giảng Võ, cho thấy có không ít vấn đề đặt ra, những câu hỏi về công tác thẩm định giá, xác định giá trị sử dụng đất để góp vốn vào Công ty TNHH Pacific Thăng Long thực hiện dự án.

Hồ sơ Báo Công Thương có được cho thấy, ô đất quy hoạch Khu phức hợp Giảng Võ nằm trong ô đất có tổng diện tích hơn 19.900m2 trước đây do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Giảng Võ quản lý, sử dụng.

Tháng 4/2003, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 2190/QĐ-UB, thu hồi diện tích đất nói trên và giao cho Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thăng Long xây dựng khu nhà ở cao cấp để bán và kinh doanh.

Khu phức hợp Giảng Võ nhìn từ trên cao (Ảnh: Vũ Hạ)

Khu phức hợp Giảng Võ nhìn từ trên cao (Ảnh: Vũ Hạ)

Công ty TNHH Nhà nước MTV Thăng Long GTC tiền thân chính là Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Thăng Long, sau cổ phần hóa đổi tên thành Công ty Cổ phần Thăng Long GTC.

Như đã thông tin ở trên, Công ty Cổ phần Thăng Long GTC lại chính là đơn vị liên danh với Công ty JANAKPUR LIMITED, thành lập ra Công ty TNHH Pacific Thăng Long để thực hiện Dự án Khu phức hợp Giảng Võ. Trong đó, JANAKPUR LIMITED góp 246 tỷ đồng (71%), Công ty Cổ phần Thăng Long GTC góp 94,15 tỷ đồng (29%).

Một điểm đáng chú ý, là khoản tiền 94,15 tỷ đồng Công ty Cổ phần Thăng Long GTC góp không phải bằng tiền mặt, mà là giá trị đặc quyền khai thác lô đất (hơn 12.000m2 Khu phức hợp Giảng Võ) và chi phí đền bù tài sản trên đất.

Tính trung bình theo phương pháp cơ học, giá trị quyền khai thác mỗi mét vuông đất mặt hồ Giảng Võ để thực hiện Dự án Khu phức hợp Giảng Võ được xác định chưa tới 8 triệu đồng/m2.

Vẫn theo hồ sơ Báo Công Thương có được, diện tích đất nói trên là đất thuê 50 năm trả tiền hằng năm. Sau khi được các cơ quan chức năng giao đất để thực hiện dự án, sẽ phải tính toán để nộp bổ sung tiền sử dụng đất (nếu có).

Tuy nhiên, việc xác định hàng chục nghìn mét vuông đất vàng nằm ở mặt hồ Giảng Võ, giữa trung tâm quận Ba Đình, TP. Hà Nội với giá trị quyền khai thác chưa tới 8 triệu đồng/m2, để góp với một công ty nước ngoài thực hiện dự án trên chính phần đất đó, vẫn là một vấn đề rất đáng bàn và cần cơ quan chức năng xác minh, làm rõ để bảo đảm tránh gây thất thoát tài sản nhà nước.

Hoàng Hải

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khu-phuc-hop-giang-vo-va-thuong-vu-gop-dat-vang-voi-gia-re-340962.html