Khu rừng bần độc đáo bên bờ sông Lam
Nhắc đến rừng ngập mặn thì người ta hay nghĩ ở một khu đầm phá xa xôi nào đó hoặc ở vùng giáp biển, nhưng ngay bên bờ sông Lam, một khu rừng bần độc đáo, hiếm hoi nằm cạnh thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) với đa dạng hệ sinh thái.
Không chỉ với nhiệm vụ chống xâm ngập mặn, bảo vệ bờ đê, nơi trú ngụ cho các loài chim mùa mưa bão…, rừng bên bờ sông Lam còn là một điểm du lịch nhiều hấp dẫn đối với người dân địa phương vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Dọc theo tuyến đường đê 42 từ cầu Bến Thủy đi ra hướng Đông về hướng thị xã Cửa Lò, khi đi qua địa phận xã Hưng Hòa thì chúng ta có thể dễ dàng thấy bên tay phải là một khu rừng bần rộng lớn xanh tươi. Khu rừng bần có chiều dài hơn 4 km, với diện tích gần 60ha kéo dài từ xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) đến sát chân cầu Cửa Hội nơi sông Lam chảy ra biển lớn.
Phía Nam khu rừng ngập mặn này tiếp giáp với sông Lam, bên kia sông là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, địa phận của huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Theo bà con sống tại xã Hưng Hòa thì họ cũng không biết khu rừng bần này có tự khi nào, chỉ biết là từ khi họ sinh ra đã thấy khu rừng bần này mọc lên ở đó. Nơi đây cũng có hệ sinh thái vô cùng đa dạng như chim, cò, diệc từ các nơi bay về làm tổ, dưới nước thì có cáy, tôm cua, cá nước lợ vô cùng phong phú…
Theo số liệu của Kiểm lâm tỉnh Nghệ An thì khu rừng bần ngập mặn ven sông Lam hiện có diện tích trên 55ha, chiều ngang có nơi rộng nhất lên tới gần 1km, hẹp nhất cũng khoảng 300m, trải dài dọc theo bờ sông Lam khoảng 4km. Theo khảo sát của Trung tâm Khoa học và Công nghệ phối hợp với Theo Khoa sinh Trường Đại học Vinh thì hiện nay, hệ thực vật của rừng ngập mặn có đến 20 loài, trong đó chiếm ưu thế là bần chua, 9 loài cây ngập mặn khác như ô rô, ráng, sú, lác… được phân bổ đều khắp ở vùng cửa sông, trên bãi ngập cao và vùng bãi cát. Động vật có 63 loài bao gồm 3 loài thú, 31 loài chim, 10 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 14 loài cá, đặc biệt có loài cá sú vàng rất có giá trị về mặt kinh tế và y học thực nghiệm. Trong đó, có 8 loài động vật quý hiếm như rái cá, bồ nông chân xám, quạ khoang, bói cá lớn, rắn ráo, rắn hổ trâu, cạp nong, hổ mang… Đặc biệt, nhóm chim có tính đa dạng sinh học cao nhất với 31 loài, 19 họ, 12 bộ, có 13 loài chim trú đông...
Theo người dân trong xóm Hòa Lam (xã Hưng Hòa) thì rất nhiều đời người dân nơi đây đã sống dựa vào khu rừng ngập mặn này với nghề chài lưới. Những con cá, tôm, cáy đã nuôi lớn biết bao nhiêu người dân từ làng để đi ra. Mùa mưa bão cũng là nơi trú ngụ của nhiều chim muông từ ngoài biển lớn bay vào.
Để di chuyển trong khu rừng bần này phải dùng đến thuyền mới có thể đi được nhiều điểm và cũng tránh những đoạn ngập bùn thì phải có những người dân quen thuộc địa bàn nếu như không muốn bị lạc.
Men theo bờ đê ven sông Lam, đi tới đâu cũng bắt gặp những cây bần to lớn, rễ gân guốc bám sâu vào lòng đất, nổi lên trên mặt bùn đầy sức sống, bên trên tán xanh mướt phủ kín bóng người.
Đấy cũng là cách để cây tồn tại dưới khu đất giao thoa giữa sông và biển để bảo vệ đất liền, bảo vệ người dân nơi đây qua bao đời. Dưới những tán cây bần lớn có nhiều loại tôm, cá sinh sống, thi thoảng lại bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ đi đánh bắt thủy hải sản bên trong với những ngư cụ hết sức đơn giản. Bước chân xuống khu rừng ngập mặn mới thấy được sự hấp dẫn của nó, khi đi bên dưới chúng ta mới thấy mình thật nhỏ bé
Ông Lê Văn Hùng, trú tại xóm Hòa Lam đang gỡ những cá vướng vào lưới được ông thả tại một lạch nước chảy trong rừng bần chia sẻ, trong rừng cũng có những loại tôm, cá quý hiếm cũng có. Trước đây, có những ngày được nhiều thì ông mang ra chợ bán, không thì để làm thức ăn cho cả nhà.
Con cáy hay còn gọi là cua càng đỏ là một trong những “sản vật” được xem là đặc sản của vùng rừng ngập mặn này. Đây là một sinh vật họ nhà cua, sống ở vùng nước lợ, thịt chắc và rất dễ chế biến nên được người dân tìm mua. Cũng có những người mua về làm nước mắm cáy, một đặc sản mà không phải ai có tiền cũng có thể mua để ăn được vì rất cầu kỳ trong các khâu chế biến, chưng cất.
Gần đây, khu rừng ngập mặn này cũng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với những bạn thanh niên thích trải nghiệm, hoặc những em học sinh thích khám phá vùng đầm lầy trong những ngày nghỉ. Ngoài việc được lội bùn còn được tận tay bắt cáy để chế biến thành món ăn và không thể bỏ sót những bức ảnh độc lạ tại vùng biên thành phố Vinh.
Qua bao nhiêu bão giông, qua bao nhiêu trận lũ lụt, rừng bần vẫn đứng đó, vươn lên, đâm chồi nảy lộc để bảo vệ bờ đê 42, ngày hè oi bức được xem là “lá phổi xanh” để điều hòa nhiệt độ.
Trong những năm qua, đã có những dự án trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được thực hiện trên khu rừng ngập mặn này để gìn giữ và phát triển, giữ rừng bần cho bao đời sau…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khu-rung-ban-doc-dao-ben-bo-song-lam-post453967.html