Bảo tàng điêu khắc dưới nước Ayia Napa (Museum of Underwater Sculpture Ayia Napa) ở Musan đã khai trương tại khu vực biển Ayia Napa của đảo Síp. Đây là phòng trưng bày dưới nước đầu tiên ở Địa Trung Hải và là dự án tiếp theo trong chuỗi công viên dưới nước khắp thế giới của nhà điêu khắc người Anh DeCaires Taylor. Công trình của ông nghiên cứu tác động của con người đối với thế giới tự nhiên, sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Bảo tàng bao gồm 93 tác phẩm nghệ thuật, tất cả đều xuất hiện dưới dạng cây cối, con người hoặc sự kết hợp của cả hai với chủ đề khám phá "mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên". Các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là những mô hình đại diện cho cây cối (nặng tới 13 tấn), được thiết kế để thu hút sinh vật biển nhằm phát triển sinh cảnh theo cách hữu cơ trên diện rộng.
Bảo tàng nằm trong khu bảo tồn cách bãi biển Pernera khoảng 200 m và ở vùng nước sâu từ 8 đến 10 m, vì vậy những người thích lặn biển và thợ lặn tự do đều có thể tiếp cận được.
Các tác phẩm được đặt ở nhiều độ sâu khác nhau từ đáy biển lên trên bề mặt và được bố trí như một con đường xuyên qua khu rừng rậm rạp. Với những tác phẩm dạng cây, toàn bộ cấu trúc sẽ cung cấp một môi trường sống phức tạp cho các loài sinh vật biển.
Sinh vật biển ở Địa Trung Hải đã bị giảm sút nghiêm trọng trong 20 năm qua và công trình này nhằm mục đích nhấn mạnh sự cần thiết phải tái tạo các đại dương. Khu rừng điêu khắc hiện được dựng tại dải cát cằn cỗi trong khu bảo tồn biển. Các tác phẩm được làm từ vật liệu trơ có độ pH trung tính, sẽ có thể thu hút các loại động thực vật biển để tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu vực này.
Giữa những thân cây to lớn là tượng trẻ em đang chơi đùa. Khung cảnh mang đến thông điệp đối với con người, thế giới tự nhiên chính là nơi để tìm tòi, khám phá và kích hoạt trí tưởng tượng của chúng ta.
Trong 50 năm qua, trẻ em ngày càng ít được tiếp cận những môi trường hoang dã từng tồn tại. Hình ảnh những đứa trẻ chơi trong rừng, cầm máy ảnh hướng ống kính về loài người, hy vọng vào một tương lai nơi sự kỳ diệu của thiên nhiên sẽ trở lại.
Nhu cầu tái tạo các đại dương cũng cấp bách như nhu cầu thiết lập lại kết nối của chúng ta với thế giới tự nhiên.
Tất cả tác phẩm của DeCaires Taylor là một phần của phong trào nghệ thuật sinh thái, trong đó tác phẩm nghệ thuật tương tác với môi trường xung quanh và phát triển một cách tự nhiên mà không ai có thể đoán trước được. Tác phẩm sẽ không có hình thái cuối cùng và cảnh biển sẽ luôn thay đổi. Cuối cùng, thiên nhiên sẽ thay thế công việc của nghệ sĩ.
Uyên Hoàng
Theo The Guardian