Khu rừng thiêng có 54 cây lim di sản

An Lạc được biết đến là vùng kỳ địa của thành phố Chí Linh (Hải Dương) với 99 ngọn núi cùng quần thể di tích đền thờ 5 vị tướng quân họ Vương có công giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống. Đặc biệt, trên núi Thiên Bồng, nơi tọa lạc di tích Đền Cao còn có rừng lim cổ với 54 cây lim di sản cổ thụ nhiều trăm năm tuổi khiến ta ngỡ ngàng. Lưu giữ trong mình huyền tích, cùng với vẻ đẹp tự nhiên, rừng lim đã trở thành linh vật tạo sức cuốn hút kỳ lạ cho vùng di tích.

Từ cầu Thiên trên quốc lộ 37 bắc qua dòng Nguyệt Giang đi vào 300m, chúng tôi đặt chân đến miền đất nhiều huyền thoại An Lạc. Dưới tầm quan sát, núi Thiên Bồng cùng rừng lim cổ hiện ra xanh thẫm. Ẩn mình trong đó là di tích Đền Cao. Qua tam quan cổng, không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp cạnh lối đi hàng chục gốc lim cổ thụ, mỗi gốc mang một hình, thế, uy nghi, lẫm liệt như được tạo hóa khắc tạc. Lại có gốc vài người ôm, hình thù cổ quái, bìu trên, mấu dưới, mình long, đầu hổ sống động như chực nhào, chực uốn.

Dưới những gốc lim già còn hàng trăm thế hệ lim hậu sinh từ mỏng mảnh như nén hương đen đến căng tràn sức trường sinh như cột đền, cột miếu. Từ đỉnh núi nhìn xuống bốn bề thấy tán lim như lũy thành chắn che cho ngôi đền. Kinh ngạc, ngỡ ngàng! Đó là những xúc cảm khó tả khi đứng trước rừng lim cổ thụ An Lạc.

Từ bao giờ đất An Lạc xuất hiện rừng lim cổ? Tại sao 99 ngọn núi chỉ duy nhất núi Thiên Bồng có rừng lim? Khi được hỏi, người dân địa phương bảo: Rừng lim có từ bao giờ người cao tuổi nhất làng cũng không nhớ nổi. Chỉ nghe các cụ kể nó có từ lâu đời lắm rồi. Còn lâu cỡ nào cứ nhìn cây lim 10 năm to hơn cái chuôi liềm, cao độ 2m mà suy.

Mang thắc mắc đó hỏi các vị cao niên làm thủ nhang đền thì ai cũng nói: “Từ lúc chúng tôi còn cùng chúng bạn chăn trâu rừng lim đã cổ thụ thế này. Mà ông nội chúng tôi kể ngày xưa ông sinh ra rừng lim cũng đã vậy. Đến người sống trăm tuổi cũng không lý giải được sao cây lim chỉ ở núi Thiên Bồng”. Cũng như xuất xứ, độ tuổi lim cũng trở thành điều bí ẩn. Có người cho rằng tuổi của lim có thể đạt 300 - 400 năm. Các cụ già khẳng định: “Ngót nghét nghìn năm”.

Phỏng đoán đó không phải không có căn cứ. Theo ngọc phả thì Đền Cao thờ Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương Vương Đức Minh. Ngôi đền cùng với đền Cả, đền Bến Tràng, đền Bến Cả tạo nên một cụm di tích danh thắng gắn liền với cuộc đời của 5 vị tướng là 5 anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân xâm lược Tống (năm 981): Vương Thị Đào; Vương Thị Liễu; Vương Đức Minh; Vương Đức Xuân; Vương Đức Hồng. Ngôi đền được xây dựng từ thời tiền Lê, sau khi 5 vị tướng qua đời.

Vào thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu lại với kiến trúc kiểu chữ tam và giữ nguyên hiện trạng cho đến nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai các bức đại tự, câu đối còn giữ được khá nguyên vẹn. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong qua các triều vua. Nếu cứ theo sử mà xét có thể rừng lim được trồng sau khi đền thờ được lập.

Những người công tác tại Ban Quản lý di tích thành phố Chí Linh cũng cho biết: Rừng lim cổ Đền Cao là rừng lim duy nhất ở tỉnh Hải Dương hiện nay. Mặc dù không ngừng tìm kiếm song chúng tôi vẫn chưa tìm được sử liệu nào ghi chép về xuất xứ, lai lịch. Tuy nhiên, với giá trị tâm linh, từ lâu rừng lim trở thành điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích. Hiện rừng lim cổ còn 54 cây có đường kính hai, ba người ôm. Số lượng cây nhỏ hơn chưa có số liệu thống kê. Theo Trạm Quản lý rừng nam Chí Linh, diện tích rừng lim cổ ở An Lạc có khoảng 1,2ha, được quy vào rừng đặc dụng (Loại rừng dùng để bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh…). Về độ tuổi của lim chưa có tài liệu xác định. Năm 2000, rừng lim được tiến hành trồng nâng cấp 12ha, mật độ 330 cây/ha ở khu vực vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.

Với mọi người, rừng lim chỉ như bao cánh rừng bình thường khác. Nhưng với người dân An Lạc từ lâu rừng lim đã trở thành rừng thiêng gắn liền với huyền thoại về 5 vị thánh họ Vương. Chuyện kể: Vào thời Đinh, có hai vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh đến Dược Đậu Trang (An Lạc hiện nay) thấy vùng đất bình yên, thuần hậu đã ở lại sinh cơ lập nghiệp. Một hôm bà vợ ra bờ sông tắm giặt chợt thấy con giao long ngũ sắc nổi lến quấn lấy bà 5 vòng. Từ đó bà có thai, đủ tháng sinh ra một bọc 5 trứng, nở ra 2 gái, 3 trai. 5 người con lớn lên học hành binh thư chữ nghĩa rất tinh thông.

Năm 981, quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta, vua Lê Đại Hành đem quân đánh giặc đã chọn Dược Đậu Trang lập đồn trại đóng quân. Một hôm thấy những người con họ Vương đi qua, người nào cũng dung mạo khác thường vua liền gọi vào thử tài và phong 5 anh em làm tướng. Nhận tước phong các ngài thay thánh giá cầm quân đánh giặc, quân giặc thua to, bỏ cả đồn tháo chạy về nước. Bờ cõi Đại Việt được giữ vững. Nhà vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và nhân dân sau đó dẫn quân trở về kinh đô. 5 ngài khi đó vì vướng tang cha mẹ xin ở lại chịu tang. Không ngờ đêm 24 tháng giêng bỗng trời đất tối tăm, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hóa về trời. Biết tin nhà vua vô cùng thương xót liền phong 5 ngài là “Thượng đẳng phúc thần” và giao cho nhân dân địa phương xây đền thờ.

Người dân An Lạc kể: rừng lim lạ lắm, tránh được bao hòn tên mũi đạn trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Thời Pháp, đất An Lạc từng chịu nhiều trận càn của giặc, hàng trăm quả đại bác phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi trúng rừng lim. Thời chống Mỹ, 8 quả bom trút xuống đền, xuống rừng đều rơi ra đồng bãi. Đền Cao và rừng lim còn là cứ địa đánh Pháp của đội du kích An Lạc. Mỗi lần đội đánh trận vào đền thắp hương thì đi đều thắng.

Còn một chuyện về rừng lim thiêng An Lạc mà không phải ai cũng biết ấy là mấy mươi năm về trước khi người ta có ý định phá đền, đốn rừng lim, hàng trăm cụ ông cụ bà thôn Đại kéo lên, cứ 3 cụ ôm một gốc cây để ngăn cản những kẻ làm càn. Các cụ tuyên bố: “Nếu cưa được các cụ thì cưa được lim, phá được đền”. Cuộc tàn sát rừng lim được chặn đứng. Thế nhưng đã có 16 cây lim cổ thụ bị đẵn ngã. Nhựa lim đặc quánh, ứa ra như máu.

Nghe dân làng nói, gỗ những cây lim ấy sau đó được người ta xẻ ra làm bàn, làm ghế... Nhưng tất cả những người dùng nó đều gặp rủi ro nên cứ một dạo lại có người mang tới đền trả. Còn những kẻ phá lim, đời con, đời cháu sau này đều phải nhận quả báo ghê gớm lắm. Với người dân An Lạc rừng lim và ngôi đền là thần hộ mệnh, chốn linh thiêng, chở che cho họ trong cuộc sống. Mỗi khi các gia đình, dòng họ trong vùng có việc mọi người lại mang lễ vật đến đền làm lễ cầu xin. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng lim cũng tự nhiên hình thành trong mỗi người dân địa phương.

Lễ hội Đền Cao diễn ra vào đầu tháng Giêng. Hàng năm, khu di tích Đền Cao được rất đông du khách thập phương tìm đến thắp hương, vãn cảnh. Chính vì thế rừng lim luôn tiềm ẩn nguy cơ bị hủy hoại. Đặc biệt, đền vốn là nơi linh thiêng nên vào các đêm giao thừa hay có tình trạng người dân đến bẻ cành hái lộc. Nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền cộng ý thức người dân, rừng luôn được bảo tồn nguyên vẹn, trên địa bàn chưa từng xảy ra cháy rừng.

Một cây lim cổ thụ được công nhận là cây di sản ở di tích Đền Cao An Lạc.

Một cây lim cổ thụ được công nhận là cây di sản ở di tích Đền Cao An Lạc.

Di tích Đền Cao có giá trị lớn, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đánh giá là một trong những lễ hội cổ nhất của vùng Hải Dương với nhiều tục lệ có bề dày trên 1.000 năm. Trong một năm, tại Đền Cao có 21 sự lệ được duy trì và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Trong đó đáng kể nhất là Lễ giao quan vào mồng 2 Tết; Lễ khâu áo thánh ngày 18 tháng giêng; Lễ hội chính ngày 21/25 âm lịch; Lễ xin Trùm ngày 15/10 (âm lịch); Lễ Đại Kỳ phước ngày 26/10...

Ngoài ra, nơi đây còn là chốn linh thiêng gắn với sự ra đời của mười hai dòng họ Giao Chỉ thời Bắc thuộc (theo ngọc phả đền) và địa danh cổ nơi vua Lê Đại Hành đóng đại bản doanh trong cuộc kháng chiến chống Tống. Năm 2003, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự đầu tư của Bộ Quốc phòng với số vốn 10 tỉ đồng, bước đầu đã xây dựng được nơi thờ phụng Vua Lê Đại Hành với các hạng mục công trình: Đền thờ chính, sân đền, đường lên đền.

Ngày 25/2/2011, tại di tích Đền Cao, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công nhận 54 cây lim cổ thụ Đền Cao là Cây di sản Việt Nam. Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, 54 cây lim cổ thụ tại núi Thiên Bồng được gắn với di tích lịch sử Đền Cao cách ngày nay hàng nghìn năm. Vì vậy, việc tổ chức công nhận "Cây di sản Việt Nam" có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn gen sinh học ở những cây quý hiếm.

Đầu xuân nếu có dịp về An Lạc, đứng trên đồi lim phóng tầm mắt ra bốn bề ta như đang thấy lại lịch sử xưa tái hiện. Vẫn còn đó các địa danh: Cánh Đồng Dinh, Núi Gạo, Núi Tiền, Lò Văn, Nội Xưởng nơi từng có các dinh thự, hành cung và nhiều vị trí đồn trú cùng với các kho quân lương, vũ khí để sử dụng trong việc nuôi quân, tập luyện, bài binh bố trận trong các cuộc kháng chiến chống giặc Tống. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm, cùng những nét độc đáo hiếm có, đặc biệt là sự tồn tại của cánh rừng lim cổ độc nhất vô nhị với 54 cây lim di sản, khu di tích Đền Cao đã trở thành chốn thiêng để ai cũng ước một lần ngưỡng vọng tìm về.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khu-rung-thieng-co-54-cay-lim-di-san-i683010/