Khu sinh thái 'mọc' trên hành lang sông Đuống: Chi cục đê điều vào cuộc!
Liên quan đến khu sinh thái 'mọc' trên hành lang sông Đuống, Chi cục Đê Điều & Phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập biên bản và đề nghị cưỡng chế các công trình vi phạm...
Như báo Gia đình Việt Nam đưa tin, khu nghỉ dưỡng sinh thái thuộc địa phận thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) vốn được cho cá nhân thuê để làm vườn hoa, cây xanh. Tuy nhiên trên thực tế nơi này đang biến tướng thành chỗ nghỉ dưỡng, cho thuê kiếm lợi nhuận. Xung quanh được gắn camera và bất cứ ai ra vào đều phải báo cáo quản lý. Việc này đi ngược lại so với những gì bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên thông tin.
Bên cạnh đó, những văn bản giấy tờ liên quan đến hợp đồng thuê đất từ năm 2016 đến nay có nhiều điều không rõ ràng. Nhưng bà Quyên cũng không hề trả lời được nguyên nhân vì sao.
Khu sinh thái "mọc" trên hành lang thoát lũ sông Đuống ở Hà Nội: Chính quyền cần vào cuộc xử lý
Quay trở lại sự việc, cách khu sinh thái không xa là nhiều bãi tập kết cát, sỏi đá, than được các doanh nghiệp thuê sử dụng không giấy phép. Song song với việc đó là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sông. Hơn nữa, việc các xe to thường xuyên ra vào hành lang thoát lũ khiến mặt đê bị xâm hại nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kỷ - Chủ tịch UBND xã Yên Viên thừa nhận: “Những bãi tập kết này đều không có giấy phép, chúng tôi đã nhiều lần gửi báo cáo lên huyện nhưng đều chưa tìm được phương án. Tôi rất mong có doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư khu sinh thái để có cơ hội dẹp hết các bãi tập kết...”?!
Ông Kỷ còn cho rằng việc đầu tư khu sinh thái trên hành lang thoáng lũ là điều bình thường và hợp lý?
Trao đổi với PV về các công trình trên hành lang thoát lũ sông Đuống, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã cho người đi kiểm tra, Chi cục Đê Điều & phòng chống lụt bão Hà Nội phát hiện vi phạm và đã lập biên bản. Đồng thời, đề nghị cưỡng chế các công trình vi phạm”.
Với những công trình mọc trên hành lang thoát lũ sử dụng sai mục đích huyện Gia Lâm sẽ xử lý như thế nào?
Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở kỳ sau.
Theo Điều 7 Luật Đê điều. Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Phá hoại đê điều.
2. Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.
3. Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.
4. Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.
5. Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
6. Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.
7. Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
8. Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.
9. Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.
10. Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
11. Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.