Khu thương mại tự do tạo động lực phát triển
Tỉnh Đồng Nai với lợi thế Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, hệ thống giao thông, cảng biển và sự kết nối liên hoàn trong khu vực được đánh giá có triển vọng trong xây dựng khu thương mại tự do (TMTD).

Sân bay quốc tế Long Thành tạo cơ hội để Đồng Nai phát triển khu thương mại tự do. Ảnh minh họa
Đồng Nai đang xây dựng đề án, đề xuất Chính phủ chấp thuận cho tỉnh xây dựng khu TMTD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, với tiềm năng của Đồng Nai, việc xây dựng khu TMTD sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho tỉnh.
Hội tụ các điều kiện cần thiết
Công ty CT - Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược hải quan - thương mại CT Strategies Hoa Kỳ) đang tư vấn cho Đồng Nai xây dựng Đề án Phát triển khu TMTD. Giám đốc Công ty CT - Strategies Việt Nam Trần Thoang chia sẻ, đây là một trong các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng và hóa giải xu hướng bảo hộ thương mại. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng địa phương và thúc đẩy xuất khẩu.
Tại Việt Nam, thời điểm này, các mô hình khu công nghiệp đã và đang phát triển đến đỉnh điểm, cần phải phát triển lên mức cao hơn là mô hình khu TMTD.
Theo các chuyên gia, khu TMTD đang thịnh hành trên thế giới nhưng là mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, cần khảo sát, nghiên cứu, tham khảo để xác định chính xác, đầy đủ những thách thức mà Việt Nam cũng như Đồng Nai cần phải giải quyết khi thực hiện khu TMTD.
Theo ông Trần Thoang, Đồng Nai đã hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển khu TMTD. Tỉnh có hệ thống các khu công nghiệp lớn, lại nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, đi trước cả nước trong phát triển công nghiệp, có hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, nằm ngay cạnh khu vực quy hoạch cảng biển, có mạng lưới đường cao tốc quy mô lớn đã đưa vào sử dụng và đang xây dựng. Đặc biệt là Sân bay Long Thành quy mô lớn nhất cả nước, hướng tới điểm trung chuyển quốc tế nên việc phát triển khu TMTD gắn với phát triển đô thị sân bay và các lợi thế nêu trên là điều Đồng Nai hoàn toàn có cơ hội thực hiện.
Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, đánh giá Đồng Nai có vị trí địa lý đắc địa, sức hút của Đồng Nai về đầu tư, phát triển là rất lớn. Sân bay Long Thành được định hướng phát triển trở thành điểm trung chuyển quốc gia, tỉnh cũng có cả cảng biển trung chuyển. Đây chính là thời điểm phù hợp để địa phương lên kế hoạch, xây dựng ý tưởng phát triển mô hình khu TMTD. Từ khu TMTD, doanh nghiệp có cơ hội xây dựng, phát triển và hoàn thiện chuỗi cung ứng ngang tầm quốc tế, tạo hiệu ứng để thực hiện thành công chiến lược vươn mình mà Việt Nam đang hướng tới.
Góp phần tăng trưởng kinh tế 2 con số
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Trần Sĩ Chương, Đồng Nai đang có cơ hội vàng, hoàn toàn hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số nếu đi đúng hướng và quyết tâm. Việc tăng trưởng kinh tế 2 con số không chỉ trong năm nay hay năm sau, mà phải là tầm nhìn trong dài hạn, bởi nếu không tăng trưởng trong thời gian dài thì Đồng Nai hay cả nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong khi đó, tỉnh có lợi thế với sự phát triển nền về kinh tế công nghiệp, hạ tầng, nhân lực và vị trí thuận lợi. Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ có cơ hội phát triển tốt nhất, nhanh nhất cả nước, việc phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị sân bay, logistics chất lượng cao, phát triển dịch vụ mới, tìm hướng đi mới là rất cất thiết.
Cùng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ nhận định, Đồng Nai muốn tăng trưởng kinh tế 2 con số cần huy động tốt mọi nguồn lực để đầu tư. Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn vốn thu hút cho đầu tư trước mắt trong năm 2025 cần khoảng 130-140 ngàn tỷ đồng. Đây là điều khó, nhưng lại có cơ sở để thực hiện. Vấn đề là tỉnh phải tìm mọi cách để giải phóng nguồn lực, nhất là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn triển khai nhanh những dự án lớn, những dự án trọng điểm sẽ có động lực để thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Đối với khu TMTD, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ ủng hộ việc xây dựng, nhất là hiện nay, bởi Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đã phát triển đến ngưỡng cần có mô hình kinh tế mới này. Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã phát triển khu TMTD và đã thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Điển hình như Trung Quốc đã phát triển rất nhiều khu TMTD trong nhiều năm qua và rất thành công. Vì thế, Việt Nam với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững cần tận dụng các lợi thế trên thị trường phát triển các khu TMTD. Đồng Nai có lợi thế và các điều kiện bổ trợ nên phát triển mô hình này là thích hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu tổng thể của kinh tế đang tăng cao. Việc này không chỉ phục vụ nội hàm địa phương, mà còn là cả khu vực, quốc gia, quốc tế.