"Zumwalt là nền tảng hoàn hảo cho Vũ khí Tấn công nhanh thông thường (CPS). Các chuyên gia hải quân Mỹ đang xem xét biến CPS thành vũ khí tấn công mới cho khu trục hạm Zumwalt vào năm 2021", Đại tá Kevin Smith, Giám đốc chương trình Khu trục hạm lớp Zumwalt, nói ngày 15-1 trong hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Hải quân Mỹ.
Chương trình CPS được khởi xướng từ thời Tổng thống George W. Bush, nhằm phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường có tầm bắn và tốc độ tương tự tên lửa hạt nhân.
CPS có tầm bắn lớn hơn hầu hết vũ khí thông thường khác và có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên toàn thế giới sau vài phút đến một giờ.
Vũ khí CPS cho phép Mỹ nhanh chóng tấn công vào các mục tiêu của đối phương từ khoảng cách an toàn trong thời gian ngắn, không cần đợi triển khai hoặc đưa các khí tài quan trọng vào tầm bắn của kẻ thù.
Trong trường hợp nổ ra xung đột, CPS trở thành đòn tấn công phủ đầu tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
" Khu trục hạm Zumwalt vốn có thiết diện phản xạ radar thấp, được thiết kế để hoạt động bí mật và tấn công đối thủ. Tuy nhiên vũ khí CPS hiện chỉ là một lựa chọn được cân nhắc cho tương lai và chưa phải kế hoạch chính thức", Đại tá Smith nói.
Trong yêu cầu ngân sách quốc phòng 2019, Lầu Năm Góc muốn tăng số tiền cho chương trình CPS từ 201 triệu USD năm 2018 lên 278 triệu USD.
Tuy nhiên, chương trình CPS gặp khó khăn do lo ngại đối phương có thể nhầm tên lửa mang đầu đạn thông thường này với đòn tấn công hạt nhân phủ đầu và phát lệnh đáp trả.
"CPS có thể làm đảo lộn sự ổn định, tăng nguy cơ đáp trả hạt nhân với một cuộc tấn công của Mỹ. Bất chấp lo ngại đã nêu, các nhà phát triển vũ khí cho biết có thể phân biệt CPS với vũ khí hạt nhân. CPS không thay thế cho vũ khí hạt nhân mà là một lựa chọn bổ sung cho khả năng tấn công thông thường của Mỹ", một báo cáo năm 2019 của quốc hội Mỹ cho biết.
Zumwalt là tàu khu trục lớn nhất, trang bị những hệ thống vũ khí mạnh nhất mà hải quân Mỹ từng chế tạo với mục đích giúp Mỹ vượt mặt Nga và Trung Quốc, thống trị đại dương.
Trước đây, hải quân Mỹ đã từng dự định đặt đóng mới tới 32 khu trục hạm loại này để thay thế tạo nên sức mạnh vượt trội trên biển cho hải quân nước này.
Tuy nhiên do có quá nhiều sự cố kỹ thuật nên đã có tới 29 chiếc bị hủy, chỉ 3 chiếc đã được lên kế hoạch đóng được hoàn thiện hiện, trong đó 2 chiếc đã được biên chế cho hải quân Mỹ.
Theo giá công bố, mỗi chiếc khu trục hạm lớp Zumwalt có giá lên tới 4,24 tỷ USD.
Khu trục hạm lớp Zumwalt có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 182,9m, rộng 24,6m, mớn nước 8,4m, tốc độ tối đa 30 knot (55,6 km/h), thủy thủ đoàn 148 người.
Siêu chiến hạm Zumwalt với thiết kế đột phá cùng kho vũ khí cực hiện đại đã mở ra một trang sử mới, định nghĩa lại khả năng tác chiến trên biển của hải quân trên thế giới.
Ngay từ lúc đặt nền móng thiết kế cho tới khi đi vào chính thức hoạt động trong biên chế hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Zumwalt được coi là kho vũ khí phi hạt nhân đáng sợ trên biển mạnh mẽ nhất hiện nay.
Với 80 tên lửa trực chiến, chúng đánh dấu là khu trục hạm có số tên lửa trực chiến nhiều nhất trên thế giới.
Nhờ trang bị 20 hệ thống phóng tên lửa mới nhất MK57 với 80 ống phóng chứa tên lửa, tàu khu trục lớp Zumwalt có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
Khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt cũng là chiến hạm đầu tiên trên thế giới trang bị pháo hạm điện từ.
Pháo điện từ có thể bắn đi những viên đạn với vận tốc Mach 7 và tiêu diệt những mục tiêu ở khoảng cách lên tới 154km, gấp 3 lần so với pháo hạm thông thường.
Chiến hạm này cũng được trang bị hệ thống điện tử tối tân nhất của Mỹ với các radar công suất lớn để dò tìm, phát hiện và dẫn đường cho hệ thống vũ khí tiêu diệt mục tiêu.
Theo Việt Hùng/ANTĐ