Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên - Tín hiệu vui cho ngành Du lịch Sóc Trăng

Khoảng 5 năm nữa, Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên do Công ty Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh làm chủ đầu tư tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) mới hoàn thành đi vào hoạt động. Song người dân nơi đây đang rất vui mừng trước những tín hiệu vui cho ngành Du lịch Sóc Trăng, góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh.

Mang lại nhiều tín hiệu vui...

Đại diện chủ đầu tư, ông Mai Huyền Linh (nghệ sĩ Quyền Linh) - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa - Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên được xây dựng trên diện tích 9,9ha. Giai đoạn 1, phục dựng Giếng Tiên, phục dựng nhà truyền thống của đồng bào Khmer; giai đoạn 2, khu này sẽ được xây dựng bảo tàng trưng bày hiện vật của đồng bào Khmer, phục dựng tất cả các lễ hội của người Khmer, ẩm thực, văn hóa, âm nhạc của người Khmer, phục dựng các trò chơi dân gian kết hợp giao lưu văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; giai đoạn 3, hoàn thành các cơ sở hạ tầng, những con đường đến bờ sông trở thành nơi phục dựng ghe ngo, ghe Cà Hâu… Dự kiến đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 tỉ đồng”.

Sau khi dự án hoàn thành, nơi đây sẽ là mô hình du lịch phục dựng làng Khmer đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại tỉnh Sóc Trăng. Du khách khi vào đây sẽ thấy những ngôi nhà truyền thống của người Khmer, ẩm thực của người Khmer, lễ hội của người Khmer, đặc biệt là Giếng Tiên được phục dựng theo truyền thuyết Giếng Tiên là nơi linh thiêng, tạo không gian để cầu an, hạnh phúc, bình yên.

Theo nghệ sĩ Quyền Linh, những ngôi nhà không có bêtông bên những con đường làng ở vùng quê, phía kia là bờ sông, mọi người vào đây có thể tham gia lễ hội làm cốm dẹp, làm bánh pía, nấu bún nước lèo, phục dựng lễ cưới, lễ hội của người Khmer; tham quan bảo tàng với tất cả những công ăn việc làm, sinh hoạt truyền thống, với tất cả những đồ vật người Khmer ngày xưa để lại. Cố gắng làm sao nơi đây sẽ là nơi để tất cả mọi người dân trên cả nước đến đây được giao lưu tìm hiểu thêm vùng đất Sóc Trăng, sẽ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer, trở thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng kết nối với các vùng du lịch lân cận như: Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào Khmer ở địa phương.

Thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa Prés Buône Prés Phék (Bốn Mặt), xã Phú Tân (Châu Thành) cho biết, sư nghe các bậc tiền nhân kể lại về truyền thuyết Giếng Tiên. Ngày xưa, vùng đất này không có nước ngọt, người dân sống trong cảnh nghèo nàn, cơ cực, một phần vì đất đai cằn cỗi, một phần vì thiếu nước. Vì vậy, bà con ngày đêm cầu xin trời phật cứu giúp bằng việc cho một mạch nước ngọt trong lành, mát mẻ. Lời khẩn cầu của người dân thấu đến Ngọc Hoàng.

Giữa lúc Ngọc Hoàng đang nghĩ cách để giúp người dân thì xảy ra chuyện bất hòa giữa Tiên Ông chăn trâu và Tiên Bà giặt lụa. Phía Tiên Ông cho rằng, Tiên Bà giặt lụa làm ô uế nguồn nước trâu uống. Còn Tiên Bà bảo Tiên Ông lùa trâu xuống làm bẩn nước giặt lụa. Không ai chịu ai nên cả hai mong Ngọc Hoàng phân xử. Nghe xong, Ngọc Hoàng phán: Để biết ai đúng, ai sai, truyền cho Tiên Ông và Tiên Bà nội trong 1 đêm mỗi bên phải đào được 1 cái giếng nước ngọt ở dưới trần gian (tức là địa phận xã Phú Tân ngày nay). Bên nào đào được giếng sâu hơn và có nhiều nước ngọt hơn thì bên đó thắng kiện.

Khi trăng vừa xuất hiện, Tiên Ông và Tiên Bà cưỡi hạ mây xuống Phú Tân để đào giếng theo lời phán của Ngọc Hoàng. Khi tiến hành đào giếng, các Tiên Ông lo lắng không biết giếng của các Tiên Bà đào có lớn và sâu bằng giếng của mình không, nên vị tiên chỉ huy sai một vị tiên khác đi do thám. Bên này, các Tiên Bà thoát y khi tiến hành đào giếng nên vị Tiên Ông đi do thám phát hiện cảnh tượng đó đã mê mẩn người, chỉ lo ngắm nhìn mà quên mất nhiệm vụ được giao của mình, không trở về báo cáo. Các Tiên Ông chờ mãi không thấy vị tiên kia về nên cử người khác đi tìm. Cứ thế, hết vị này đi tới vị khác đi và cũng không thấy ai trở về. Cuối cùng, các Tiên Ông đều có mặt phía bên phần đất các Tiên Bà đào giếng. Cuộc thi kết thúc, phần thắng thuộc về phía các Tiên Bà khi giếng đầy nước ngọt trong lành; còn giếng của Tiên Ông cạn trơ, khô khốc. Từ đó về sau, người dân địa phương có nước dùng thoải mái trong sinh hoạt và sản xuất.

Mô hình những ngôi nhà truyền thống của người Khmer được phục dựng tại Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên. Ảnh: CHÍ BẢO

Mô hình những ngôi nhà truyền thống của người Khmer được phục dựng tại Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên. Ảnh: CHÍ BẢO

... kết nối để phát triển du lịch

Nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ: “Tôi đã từng đi khắp nẻo đường đất nước, nhưng dừng chân ở Sóc Trăng đầu tư Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên thật sự là cái duyên rất lớn. Nơi đây có truyền thuyết về Giếng Tiên ngàn năm linh thiêng, vùng đất còn khó khăn nhưng hiếu khách. Đến đây, tôi cảm giác mình phải làm điều gì đó để lại cho đời một giá trị nhân văn và cần làm gì đó để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là truyền thống của đồng bào Khmer. Gần cả cuộc đời tôi cống hiến cho xã hội rất nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, bây giờ với dự án này tôi muốn để lại nơi tỉnh Sóc Trăng tác phẩm có giá trị truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ. Tôi cũng thấy nơi đây còn khó khăn, đa phần là dân tộc Khmer, nên tôi cố gắng góp phần làm đẹp thêm cho vùng đất này, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và kết nối để địa phương phát triển du lịch”.

Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành), người gắn bó với nghề vẽ tranh trên kiếng vui mừng: “Khi công trình Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên được khởi công xây dựng, tôi cũng như bà con nơi đây rất phấn khởi. Mong chờ trong vài năm nữa công trình hoàn thành sẽ giúp bà con nơi đây có thêm việc làm, thuận lợi buôn bán, đặc biệt làng nghề sẽ được kết nối với điểm du lịch để phát triển, vừa bảo tồn được nghề truyền thống, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con phát triển đời sống”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện cho rằng, Sóc Trăng với văn hóa truyền thống của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội và du lịch biển... Hiện nay, toàn tỉnh có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia và 36 di tích lịch sử cấp tỉnh, hơn 200 cơ sở thờ tự tín ngưỡng của các tôn giáo, trong đó có những ngôi chùa có những kiến trúc rất độc đáo, trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách như: chùa Mahatúp (chùa Dơi), chùa Kh’leang, chùa Đất Sét (TP. Sóc Trăng), chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu), Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng… Hàng năm, lượng du khách đến Sóc Trăng ngày càng tăng, năm 2019, tổng lượt khách tham quan du lịch đến tỉnh khoảng 2,4 triệu lượt và tổng doanh thu đạt hơn 1.000 tỉ đồng. Con số này tuy phản ánh sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh nhưng so với tiềm năng vẫn còn chưa tương xứng. Vì thế, trong ưu tiên thu hút đầu tư, tỉnh đã rất quan tâm kêu gọi các dự án du lịch, trong đó có Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, với mục tiêu là phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng phục vụ truyền thống, truyền thuyết của Giếng Tiên của đồng bào Khmer. Quá trình kêu gọi đầu tư, tỉnh đã xác định nơi đây làm dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của địa phương, nên tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng tin rằng, với sự quyết tâm cao của nhà đầu tư cùng với sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh và huyện Châu Thành, dự án sẽ sớm hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chí Bảo

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/khu-van-hoa-tin-nguong-gieng-tien-tin-hieu-vui-cho-nganh-du-lich-soc-trang-34781.html