Khu vực Eurozone liệu đã thoát khỏi tình trạng suy thoái?

Nền kinh tế khu vực đồng euro đang tăng trưởng trở lại, nhưng có thể gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trong thời gian còn lại của năm.

Tăng trưởng vào năm 2023 của Eurozone có thể sẽ yếu do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao. Ảnh: timesofmalta.com

Tăng trưởng vào năm 2023 của Eurozone có thể sẽ yếu do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao. Ảnh: timesofmalta.com

Theo hãng tin Reuters ngày 31/7, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng trở lại vào quý 2/2023, với mức tăng lớn hơn dự kiến sau khi suýt tránh được suy thoái kỹ thuật vào đầu năm.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, GDP trong Eurozone tăng 0,3% trong quý 2 so với ba tháng trước đó, cao hơn kỳ vọng 0,2% trong cuộc khảo sát của các nhà kinh tế. GDP của 20 quốc gia sử dụng chung đồng tiền chung châu Âu đã giảm 0,1% trong ba tháng cuối năm 2022 và trì trệ trong quý đầu tiên của năm nay.

Dữ liệu chính thức thể hiện rõ tỷ lệ lạm phát chung tiếp tục giảm trong tháng này. Chỉ số giá tiêu dùng của khu vực đồng euro tăng 5,3%, giảm so với mức 5,5% trong tháng 6. Nhưng lạm phát cơ bản - loại bỏ chi phí năng lượng và lương thực - không thay đổi ở mức 5,5% trong tháng 7 và lạm phát đối với dịch vụ và thực phẩm chưa chế biến lần lượt lên tới 5,6% và 9,2%.

Nền kinh tế khu vực đồng euro đã bị ảnh hưởng nặng nề vào mùa Đông năm ngoái do giá năng lượng tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng dữ liệu từ một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã báo hiệu rằng sự phục hồi đang diễn ra.

Trong số các quốc gia lớn nhất của khối, Pháp và Tây Ban Nha đã tăng trưởng với tốc độ ổn định nhờ xuất khẩu và du lịch mạnh mẽ hơn, trong khi Đức, quốc gia lớn nhất của khu vực đồng euro, không tăng trưởng và Italy bị suy giảm.

Cụ thể, GDP của Pháp tăng 0,5% trong quý 2 so với quý 1 năm nay, vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế. Đức trì trệ trong quý trước, nhưng đã có sự cải thiện khiêm tốn so với sáu tháng trước đó, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu chìm trong suy thoái.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg (Đức) cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 31/7: “Sau cú sốc về giá lương thực và năng lượng cao, nền kinh tế khu vực đồng euro đã lấy lại được một chút động lực trong vài tháng qua. Giống như Mỹ, khu vực đồng euro cho đến nay đã vượt qua những thách thức gần đây tốt hơn dự kiến".

Lạm phát gia tăng do chi phí năng lượng cao sau cuộc xung đột ở Ukraine và giá lương thực leo thang, lãi suất cao hơn và niềm tin suy giảm đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Eurozone. Nhưng khu vực đồng euro cũng đã thể hiện một số khả năng phục hồi, giống như trong đại dịch COVID-19, khi tốc độ tăng trưởng vượt xa kỳ vọng trong bối cảnh các doanh nghiệp điều chỉnh nhanh hơn để thích nghi với hoàn cảnh thay đổi so với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.

Nhưng ngay cả khi nền kinh tế Eurozone hoạt động tốt hơn dự kiến, tăng trưởng vào năm 2023 có thể sẽ yếu do thu nhập thực tế giảm mạnh và lãi suất tăng cao.

Bất chấp những dữ liệu kinh tế đáng khích lệ, vẫn có những dấu hiệu cho thấy khu vực này có thể đang hướng tới tình trạng trì trệ trong thời gian còn lại của năm. Các nhà phân tích tại Oxford Economics đã viết trong một ghi chú: “Dữ liệu ngày hôm nay xác nhận rộng rãi triển vọng ngắn hạn của chúng tôi, dự đoán mức tăng trưởng rất yếu trong nửa cuối năm”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng cao khả năng tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9 tới khi áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm bớt và lo lắng về suy thoái kinh tế gia tăng. Ngân hàng Berenberg cũng dự báo tăng trưởng sẽ đình trệ trong thời gian còn lại của năm, một phần là do nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, sản xuất toàn cầu yếu kém và xây dựng nhà ở giảm, khiến tăng trưởng hàng năm chỉ ở mức 0,6%.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters/CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khu-vuc-eurozone-lieu-da-thoat-khoi-tinh-trang-suy-thoai-20230731221559211.htm