Khu vực FDI giúp Việt Nam vươn ra biển lớn

Dấu mốc 35 năm thu hút FDI được tính từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987). Từ đó đến nay, khu vực FDI đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn và bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Những câu chuyện thành công

Nhìn lại hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15.5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng: Khu vực FDI luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam được Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để phát triển.

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút FDI. Theo đó, đến cuối tháng 4.2023, Việt Nam đã thu hút 37 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD vốn FDI, trong đó khoảng 280 tỷ USD đã được giải ngân.

Dấu mốc 35 năm được tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội được thông qua - năm 1987. Từ đó đến nay, khu vực FDI đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ. Không chỉ ở khía cạnh nguồn vốn đầu tư mà còn góp phần quan trọng hình thành nên một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng tạo việc làm, xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, đóng góp vào ngân sách nhà nước, lôi kéo các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển và tham gia vào hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI còn đóng góp quan trọng để giúp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, vươn ra biển lớn và đưa Việt Nam bước lên một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Một trong những “câu chuyện thành công” của 35 thu hút FDI là trường hợp Samsung Việt Nam. Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, Tập đoàn liên tục mở rộng đầu tư tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; lũy kế đầu tư đến cuối năm 2022 là 20 tỷ USD.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán ra thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam”. Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu về sản xuất điện thoại di động.

Samsung hiện đóng góp khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tạo công ăn việc làm chất lượng tốt cho khoảng 300 nghìn người lao động. Đáng chú ý, với sự góp mặt của Samsung, Bắc Ninh và Thái Nguyên từ chỗ phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin, trở thành những địa phương top đầu Việt Nam về tăng trưởng.

“Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng”, ông Choi Joo Ho nói.

Tập đoàn AEON (Nhật Bản) cũng là nhà đầu tư đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Từ năm 2017 - 2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đạt hơn 2 tỷ USD. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc AEON Vietnam cho rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, như tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu; nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác. Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao rất tốt và lịch sử hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là những lý do AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản…

Liên tục cải thiện môi trường đầu tư

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam lo ngại những câu chuyện thành công có thể bị đe dọa do tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh. Hiện, lạm phát toàn cầu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các nền kinh tế vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện nguy cơ suy thoái và tổng cầu cũng đang giảm rất nhanh; xung đột Nga - Ukraina còn phức tạp và kéo dài... Đặc biệt, thuế tối thiểu toàn cầu 15% dự kiến áp dụng vào năm tới sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Trước diễn biến này, đại diện doanh nghiệp FDI đề xuất nhiều giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần liên tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời phải theo dõi những biến đổi của môi trường bên ngoài và triển khai những cải cách phù hợp.

“Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của những biến đổi môi trường bên ngoài quan trọng nhất gần đây. Và sự đối ứng của Chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng”, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nói. Ông mong “Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây”.

Tương tự, đại diện AEON Việt Nam bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời chính quyền địa phương cần ra quyết định định nhanh chóng hơn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng vốn FDI, ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Cùng với đó, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế để liên doanh, liên kết với khu vực FDI, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bảo đảm không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khu-vuc-fdi-giup-viet-nam-vuon-ra-bien-lon-i328499/