Khu vực Nam Trung Bộ: Xây dựng trung tâm kinh tế biển tầm quốc tế cao

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, trong đó Khánh Hòa - Nam Phú Yên được xác định là khu vực trọng điểm để xây dựng hình thành trung tâm kinh tế biển có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á.

Khánh Hòa - Nam Phú Yên là trọng điểm

Theo đề án, có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển trong cả nước, trong đó Khánh Hòa nằm trong cụm các tỉnh Nam Trung Bộ, gồm: Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận. Cụm liên kết kinh tế biển Nam Trung Bộ xác định khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á. Trong đó, cụm liên kết này được định hướng phát triển với những ngành, lĩnh vực ưu tiên.

 Cảng Cam Ranh.

Cảng Cam Ranh.

Cụ thể, cụm liên kết này được định hướng phát triển cảng biển tổng hợp trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế và cảng chuyên dụng phục vụ du lịch, quốc phòng với trung tâm là khu cảng biển Vân Phong - Cam Ranh, kết hợp với cảng Quy Nhơn; dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải và dịch vụ logistics quốc tế, hình thành đô thị dịch vụ cảng biển quốc tế gắn với cảng Vân Phong và Cam Ranh. Đồng thời, phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ có tầm quốc tế về nghiên cứu biển, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, dịch vụ đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật về lĩnh vực biển, hàng hải, hình thành khu khoa học công nghệ biển, trung tâm nghiên cứu biển quốc gia ở Khánh Hòa.

Khu vực này cũng sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chế phẩm sinh học, hóa phẩm, hóa dược, công nghiệp khí, hóa chất, công nghiệp cơ khí sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển với trung tâm ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, công nghiệp chế biến hải sản, khoáng sản biển tập trung tại các khu kinh tế ven biển trong khu vực; công nghiệp năng lượng tái tạo tập trung ở Ninh Thuận, Bình Định phát triển là trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở ven biển.

Về du lịch biển, đảo, khu vực này sẽ phát triển theo hướng hình thành các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển với trung tâm dịch vụ du lịch ở TP. Nha Trang, TP. Quy Nhơn; hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch, khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên, phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, đề án định hướng phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ.

 Nuôi trồng thủy sản ứng dụng vật liệu HDPE, công nghệ cao trên vịnh Vân Phong. Ảnh: BÍCH LA

Nuôi trồng thủy sản ứng dụng vật liệu HDPE, công nghệ cao trên vịnh Vân Phong. Ảnh: BÍCH LA

Bên cạnh đó, cụm liên kết kinh tế biển các tỉnh Nam Trung Bộ được định hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng hải sản, thủy sinh vật biển ứng dụng công nghệ cao và nghề cá xa bờ có phương tiện, thiết bị hiện đại khai thác ngư trường Nam Trung Bộ - Trường Sa với trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá ở Cam Ranh và các trung tâm tập trung hoạt động nghề cá ở Bình Định, Ninh Thuận. Cùng với đó, phát triển khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển ở huyện đảo Trường Sa là trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng, trung tâm dịch vụ biển trên tuyến đảo xa bờ.

Liên kết để phát triển nhanh, bền vững

Việc tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển nhằm phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển, ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Đề án hướng đến hình thành được 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030. Đồng thời, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á. Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng, việc phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ phát huy được lợi thế của từng khu vực vùng biển và ven biển, liên kết liên ngành, liên tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả cao các nguồn lực, nguồn tài nguyên biển đi đôi với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa lịch sử, kết hợp chặt chẽ với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh tại các vùng biển, đảo.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đi liền với phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần chủ thể tham gia liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh sẽ tạo dựng môi trường để phát triển các ngành nghề kinh tế biển có sức thu hút, hấp dẫn cao.

Theo đề án, 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển gồm: Cụm ở phía Bắc thuộc vùng biển và ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình; cụm ở Bắc Trung Bộ thuộc Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình; cụm ở Trung Trung Bộ thuộc Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; cụm ở Nam Trung Bộ thuộc Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận; cụm ở vùng Đông Nam Bộ mở rộng thuộc Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang; cụm phía Đông vùng Tây Nam Bộ thuộc Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Đông Nam Cà Mau; cụm Tây Nam thuộc Kiên Giang - Cà Mau.

MẠNH HÙNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202208/khu-vuc-nam-trung-bo-xay-dung-trung-tam-kinh-te-bien-tam-quoc-te-cao-8259054/