Khu vực phía Nam: ''Hạ nhiệt'' giá thuê container rỗng
Tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng xuất khẩu đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp ở phía Nam từ cuối năm 2020 và dự báo kéo dài đến giữa năm 2021. Trước thực trạng này, các cấp, ngành đang quyết liệt vào cuộc, nhằm sớm 'hạ nhiệt' giá thành vận tải hàng hóa đường biển bằng container.
Các cấp, ngành chức năng và doanh nghiệp khu vực phía Nam đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu container rỗng để xuất khẩu hàng hóa.
Giá thuê container tăng gấp 8 lần
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, giá thuê container rỗng để chở hàng hóa liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container/40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000-10.000 USD/container/40 feet.
Giá thuê container tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp ở phía Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Thực tế đơn vị có thể xuất khẩu được nhiều hơn, nhưng do tình trạng thiếu container rỗng, thậm chí không có tàu, nên hàng hóa bị tồn đọng trong kho". Trong khi đó, theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, một doanh nghiệp của Ấn Độ chuyên sản xuất sợi xuất khẩu trong khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương) đã không nhận đơn hàng xuất khẩu từ tháng 12-2020 vì chi phí vận tải quá cao, bao gồm cả giá thuê container.
Lý giải về giá thuê container tăng cao bất thường trong thời gian qua, ông Lê Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics Tân Cảng (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, do Việt Nam và một số nước châu Á xuất siêu, nên container chở hàng sang châu Âu, châu Mỹ, được dỡ hàng rồi nằm lại đó. Các hãng tàu không chở container rỗng quay lại Việt Nam vì đội chi phí vận chuyển, hoặc có chở về châu Á thì phải san sẻ với nhiều thị trường khác, nhất là Trung Quốc, gây thiếu hụt container cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Lê Kim Cương, năng lực tiếp nhận container rỗng ở khu vực phía Nam còn hạn chế. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương hiện nay có khoảng 50 depot (cảng nội địa) rỗng nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó có khả năng trực tiếp tiếp nhận container rỗng từ các cảng nước sâu.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, để "hạ nhiệt" giá cước tàu biển thì cần có các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, chủ hàng cần phải giải phóng hàng nhanh để đưa vỏ container vào lưu chuyển hàng hóa. Hãng tàu cũng cần giảm giá cước để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước cần giải quyết nhanh các container tồn đọng tại cảng để có vỏ container rỗng.
Nhiều giải pháp quản lý, điều phối container rỗng giữa các vùng cũng đã được áp dụng. Một trong số đó là công nghệ “Tối ưu sử dụng vỏ container” của Công ty cổ phần Chuỗi giải pháp cung ứng Smartlogs (phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlogs, cho biết, mỗi năm có tới 300.000 container rỗng lưu chuyển không hiệu quả giữa các cảng biển của Việt Nam. “Quy trình công nghệ tối ưu hóa sử dụng vỏ container” gồm kết nối nhận container rỗng từ nhà nhập khẩu chuyển thẳng cho nhà xuất khẩu; linh hoạt địa điểm nhận container theo nhu cầu của khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn container rỗng đựng hàng xuất khẩu”, ông Nguyễn Duy Hồng chia sẻ.
Còn tại Trung tâm Dịch vụ logistics Tân Cảng (SNPL), doanh nghiệp đã thực hiện thành công quy trình đổi mới cảng ICD (cảng cạn) Long Bình. Từ tháng 10-2019 đến nay, SNPL đã trung chuyển hơn 3.000 container xuất nhập khẩu qua ICD Long Bình về Cảng Cái Mép. Trong thời gian tới, SNPL sẽ tiếp tục tích cực đẩy mạnh công tác thu hút và vận chuyển container rỗng giữa Cảng Cái Mép và ICD Long Bình, cũng như tại các ICD khác như Sóng Thần, Nhơn Trạch, Hiệp Phước. Ngoài ra, Tổng công ty Tân Cảng vừa thông báo bán đấu giá gần 300 container rỗng, tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng, để doanh nghiệp giải tỏa phần nào tình trạng thiếu hụt container.
Đề xuất giải pháp lâu dài hơn, Tiến sĩ Lê Văn Bảy, giảng viên ngành Thương mại quốc tế, Trường Đại học quốc tế Sài Gòn, cho rằng: Hiện hơn 90% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần phát triển đội tàu biển chuyên chở hàng xuất khẩu của mình (có thể bằng hình thức thuê mua), như Indonesia đã và đang thực hiện hiệu quả.
Về phía Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, ngành đã chỉ đạo các chi cục đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, giải quyết nhanh thủ tục cho các doanh nghiệp nhằm quay vòng nhanh container. Ông Trần Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, với các container nằm ở cảng quá 90 ngày mà không có người đến nhận hàng, cơ quan hải quan và các bên liên quan sẽ tiến hành đẩy nhanh quy trình thủ tục đem ra đấu giá. Từ đó, có thể nhanh chóng tháo rút hàng ra để có container rỗng cho các nhà xuất, nhập khẩu.