Khu vườn đặc biệt ở chùa Đá Tây A

Giữa Trường Sa mênh mông, chùa Đá Tây A tựa đóa hoa sen thanh tịnh đang bung nở giữa bốn bề sóng gió. Được khánh thành vào tháng 6/2022, chùa hiện hữu trong tâm nguyện giữ gìn Phật pháp, văn hóa dân tộc nơi hải đảo xa xôi. Trong không gian ấy, những câu chuyện giản dị, ấm áp về Đại đức Thích Nhuận Hiếu luôn mang đến niềm xúc động.

Chùa Đá Tây A bên thềm sóng.

Chùa Đá Tây A bên thềm sóng.

Chùa Đá Tây A được khánh thành cùng thời điểm với chùa Trường Sa Đông và chùa Sinh Tồn Đông. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Đinh - kiểu dáng truyền thống mang đậm hồn Việt với mái cong, cột gỗ, từng chi tiết chạm khắc đều tinh tế, hòa quyện trong tiếng gió biển và ánh nắng chan hòa.

Chùa nằm cạnh cổng đảo, hướng ra Biển Đông mênh mông, từ tàu trông vào, chùa mang dáng hình những đóa hoa sen in trên nền xanh biếc. Trong ý nghĩa tinh thần, chùa như vòng tay hiền từ dang rộng che chở cho quân và dân ở đảo xa, đón khách ở đất liền ghé thăm. Sớm, chiều, từng hồi chuông âm vang như lời nhắc nhở về cội nguồn văn hóa và lòng hướng thiện của con người nơi đầu sóng ngọn gió.

Cổng chùa Đá Tây A uy nghiêm mà gần gũi.

Cổng chùa Đá Tây A uy nghiêm mà gần gũi.

Trụ trì chùa - Đại đức Thích Nhuận Hiếu - vừa giữ lửa tâm linh, vừa kiến tạo không gian xanh mát và sinh động. Dưới bàn tay chăm sóc của thầy, khuôn viên chùa trở nên rực rỡ với hàng chục loài hoa nở rộ, khoe sắc quanh năm, biểu tượng cho sự sống, niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong mảnh vườn nhỏ, giống đu đủ vàng bắt đầu trổ hoa, đậu quả. Từng chùm quả căng tròn lớn dần như đón chào một mùa lộc mới, chan chứa niềm tin vào sự sống sinh sôi giữa muôn trùng. Ở đảo xa, đu đủ là giống cây dễ thích nghi, cho quả rất sai và đẹp mắt, phù hợp dâng cúng các ngày lễ, Tết.

Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A.

Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A.

Trường Sa có hai mùa: Mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 với nắng gắt, khô hạn, nhiệt độ cao; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau với bão tố, giông lốc, mưa dầm gió giật. Mùa nào cũng đầy khắc nghiệt nhưng khu vườn của Đại đức Thích Nhuận Hiếu vẫn luôn xanh dịu dàng, bền bỉ chống chọi với nắng gió.

Từng chậu xương rồng nhỏ xinh chen vai bên sen đá; từng cây bàng quả vuông chỉ cao chừng một gang tay cũng đã vươn lá non như bàn tay con trẻ, khỏe khoắn đón nắng gió; hoa giấy rực rỡ đủ sắc mầu, thế dáng do chính tay thầy ươm trồng, cần mẫn chăm chút. Rồi cả ớt, từ chỉ thiên, xiêm rừng cho tới giống ớt "Hơi thở rồng" cay xé lòng đã sum suê trái, vừa để ngắm vừa cho lính đảo, người dân hái về làm gia vị bữa ăn.

Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của sư thầy, hoa lá luôn rực rỡ.

Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của sư thầy, hoa lá luôn rực rỡ.

Thầy Hiếu giữ vai trò trụ trì chùa Đá Tây A từ tháng 2/2022. Đó cũng là thời điểm thầy bắt đầu ươm hạt, trồng cây. Tính đến nay, thật bất ngờ khi biết rằng, riêng hoa giấy thầy đã ươm trồng, chăm sóc khoảng 60 loại; ớt 40 loại. Đại đức rất thích trồng những loài cây bản sắc của đất nước và cả thử sức với các loài mới lạ. Thí dụ, giống ớt "Hơi thở rồng" do một chuyên gia nước Anh lai tạo, thầy xin hạt từ một người quen, mang ra đảo.

Khu vườn ươm cả một giấc mơ được chắt chiu từng ngày bằng tình yêu đất, yêu người, yêu từng cơn gió lồng lộng giữa biển trời Tổ quốc. Nhìn những tán lá vươn cao, những chậu cây bé nhỏ chen nhau trong ánh nắng rực lên như pháo hoa, ai nấy đều thấm thía: Đảo xa ngày thêm rực rỡ, tươi xanh nhờ tình yêu, sự kiên trì và nhân hậu của vị đại đức.

Trong không gian chùa, có khoảng 60 loài hoa giấy được Đại đức ươm trồng, chăm sóc.

Trong không gian chùa, có khoảng 60 loài hoa giấy được Đại đức ươm trồng, chăm sóc.

Chùa Đá Tây A là một trong 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, cùng với chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Linh (Sơn Ca), Nam Huyên (Nam Yết), Vinh Phúc (Phan Vinh), Trường Sa Đông và Sinh Tồn Đông. Mỗi ngôi chùa như cột mốc tâm linh, vừa gắn kết người dân đất liền với biển đảo, vừa tiếp thêm nghị lực cho những người lính, những cư dân bám biển.

Giữa biển trời bao la, tiếng chuông chùa ngân vang xua tan cô tịch, gửi gắm thông điệp bền bỉ: nơi nào có con người Việt Nam, nơi đó có văn hóa, có tâm linh, có tình yêu quê hương, dù là giữa đại dương sóng gió. Quên sao được cảm giác thiêng liêng khi đứng trước ngôi chùa nơi đảo xa. Khoảnh khắc bình yên là nốt trầm sâu lắng, đẹp đẽ, lan tỏa sự bình yên trong lòng những người con đất Việt.

Nơi đảo xa, sự kiên trì vun đắp của các vị Đại đức đã mang đến sắc xanh tươi đầy sức sống.

Nơi đảo xa, sự kiên trì vun đắp của các vị Đại đức đã mang đến sắc xanh tươi đầy sức sống.

Chùa ở đảo xa như một ngọn đèn thắp sáng tinh thần người lính đảo, trở thành nơi chốn nương tựa cho những ai tìm về trong giây phút lắng lòng. Sự tĩnh lặng, trong tiếng chuông ngân, bốn bề là gió biển và bóng dáng của thầy trụ trì ngày ngày lặng lẽ quét sân, chăm cây, tụng kinh. Chính nơi ấy, chúng ta thường cảm nhận rất sâu sự gắn kết kỳ lạ giữa đạo và đời, giữa tâm linh và lòng tự hào Tổ quốc.

Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa khô Trường Sa, khi từng giọt nước ngọt phải chắt chiu, tiết kiệm, sư trụ trì chùa vẫn luôn dành phần khẩu phần nước quý giá của mình để tưới cho gốc hoa, luống rau đang mùa sinh trưởng. Ở tất cả các chùa trên quần đảo Trường Sa, các vị trụ trì đều lặng lẽ, nhẫn nại như thế nên bộ đội trong những đợt tập luyện, huấn luyện, bận quá không chăm sóc được cây cảnh, mang cây lên chùa gửi sư thầy chăm là hình ảnh rất quen thuộc.

Khoảnh khắc đầy thư thái của Đại đức Thích Nhuận Hiếu.

Khoảnh khắc đầy thư thái của Đại đức Thích Nhuận Hiếu.

Nơi đảo xa, từng chồi non nảy lộc vừa là sự sống, quan trọng hơn là biểu tượng của lòng kiên cường, của hy vọng giữa trùng khơi. Ngoài thời khóa tụng kinh, các thầy cũng thường dành thời gian dạy trẻ em trên đảo những bài học đầu đời về lòng hiếu kính, về nhân nghĩa, về yêu nước bằng lời giảng ấm áp, lối sống giản dị và bao dung.

Có những khoảnh khắc đặc biệt, trụ trì lắng nghe những người lính đảo tâm sự chuyện nhà: con chào đời mà cha chưa thể về; cha mẹ ốm, con cái không kề bên; những tin vui, tin buồn bộ đội chỉ có thể nghe ngóng từ xa mà không có cơ hội sẻ chia, góp mặt... Những khi ấy, mái chùa chính là điểm tựa tinh thần cho những người lính đang gánh trên vai nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc.

Khu vườn xanh như ở đất liền.

Khu vườn xanh như ở đất liền.

Trên đảo, tình cảm con người luôn được chắt chiu, vun đắp qua những điều mộc mạc nhất, như bát chè thơm ngọt được các sư thầy nấu từ những quả bưởi hiếm hoi gửi từ đất liền ra dịp Tết. Những quả bưởi ấy ban đầu được các thầy trân trọng đặt lên bàn thờ trong mâm ngũ quả đón xuân, tựa nhịp nối thiêng liêng giữa đảo xa và đất mẹ.

Tết qua, thay vì để héo úa hay giữ lại riêng cho chùa, vị đại đức sẽ tự tay gọt vỏ để lấy cùi, qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng để nấu thành nồi chè bưởi đượm hương vị quê nhà mà chan chứa nghĩa tình. Sư thầy chia nhiều bát nhỏ, bày sẵn ra bàn trước sân chùa. "Các chú bộ đội xong nhiệm vụ ghé ăn cho đỡ mệt và cũng đỡ nhớ nhà", sư thầy cười hiền, giọng ấm áp, ánh mắt đầy nhân hậu, khắc khoải.

Giống đu đủ vàng được sư thầy chăm sóc rất kỹ lưỡng.

Giống đu đủ vàng được sư thầy chăm sóc rất kỹ lưỡng.

Khắp quần đảo, tình cảm của các sư thầy với quân và dân ta như rễ cây bám đá san hô, âm thầm mà hết sức tự nhiên, bền bỉ. Với trẻ em trên đảo, sư thầy là người thầy, vừa là người bạn lớn. Trẻ em rất thích ra chùa xin chữ thầy, ríu rít quanh thầy, tay lấm lem đất khi cùng trồng cây, miệng líu lo cười vang cả khoảng sân chùa nhỏ. Trong tim mỗi người dân, mỗi người lính nơi đảo xa, mái chùa là hơi ấm quê hương, là mái nhà tinh thần vững vàng giữa biển trời mênh mông xanh thẳm, chở che biết bao tâm hồn nơi đảo xa.

Hoa sứ, hoa giấy chịu được thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn cần sự chăm sóc tận tình.

Hoa sứ, hoa giấy chịu được thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn cần sự chăm sóc tận tình.

Nơi ấy, trong từng tiếng chuông ngân, những người tu hành lặng lẽ ươm từng mầm cây, chăm từng mùa trái ngọt giữa nắng gió khắc nghiệt. Nhờ tình cảm ấm áp, bao dung ấy, tiếng trẻ con thêm vang trong sân chùa, ánh mắt lính đảo ấm lại sau những phiên gác dài đẫm sương đêm. Tình người sâu nặng luôn được vun đắp từng ngày bằng những cử chỉ, tình cảm thấm đẫm yêu thương ở nơi chốn tâm linh. Bởi lẽ đó, chùa ở đảo xa từ lâu đã trở thành nơi giữ gìn hồn dân tộc, nơi tình cảm đất liền, tình yêu thương gắn bó, lòng tự hào Tổ quốc lặng lẽ tựa đóa hoa sen bung nở giữa trùng khơi.

TRẦN THÀNH-LỮ MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khu-vuon-dac-biet-o-chua-da-tay-a-post876688.html