Khua Chá nảy mầm xuân
ĐBP - Khi những rặng xương rồng gai góc bắt đầu bung những chùm hoa đỏ, hoa vàng dọc lối đi, quanh vườn nhà là lúc người Phù Lá ở bản Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền. Chẳng biết từ bao giờ ở mảnh đất khô cằn, sỏi đá này lại có nhiều cây xương rồng đến thế! Chỉ biết rằng loài cây kiên cường ấy cũng giống như đồng bào dân tộc ít người nơi đây, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song vẫn nỗ lực vươn lên để xuân này phấn khởi, đổi thay hơn xuân xưa.
Người Phù Lá, bản Khua Chá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo trong sinh hoạt hàng ngày.
Trở lại Khua Chá những ngày cuối năm, tuyến đường Phình Sáng - Khua Chá dài 1,8km trước đây là đất đá bụi mù nay đang hoàn thiện những mét bê tông cuối cùng để người dân đi lại thuận tiện, đón tết phấn khởi hơn. Xuân Tân Sửu ở Khua Chá dường như đến sớm. Những cây xương rồng khẳng khiu đã bắt đầu bung nở. Ðến thăm nhiều gia đình ở Khua Chá, chúng tôi cảm nhận cuộc sống của bà con đang từng ngày đổi thay. Nhiều hộ đã chuẩn bị một cái tết đủ đầy, no ấm với con lợn béo trong chuồng, đàn gà và vò rượu mới nấu còn thơm mùi nếp. Khắp bản rộn rã tiếng nô đùa trẻ nhỏ; những người mẹ, người chị tất bật xay thóc, tẽ ngô, thêu trang phục… Khói lam chiều từ những mái nhà lan tỏa, hòa cùng hương rượu nồng nàn khiến không khí ngày xuân ấm áp hơn.
Thoát nghèo, gia đình ông Sùng Sờ Xa phấn khởi lắm! Ðón tết năm nay no đủ với những bao thóc chất đầy góc nhà; gác bếp treo lủng lẳng thịt khô, măng khô. Ông Sùng Sờ Xa hồ hởi cho biết: “Ðược Ðảng, Nhà nước quan tâm, những năm gần đây bà con người Phù Lá đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng nên sản lượng ngô, lúa đạt khá, không còn nhiều hộ thiếu đói như trước nữa. Bởi thế mà xuân này có nhiều nhà đón tết đủ đầy hơn, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Tết dân tộc Phù Lá còn gọi là “Chinh da”. Như một số dân tộc khác, chúng tôi đón tết âm lịch hàng năm. Trong những ngày này đều tổ chức vui chơi, hát múa và thăm hỏi, động viên, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phình Sáng Giàng A Dũng cho biết: Khua Chá là bản vùng cao đặc biệt khó khăn, trong đó có 16 hộ với 77 nhân khẩu là dân tộc Phù Lá. Trước đây, người Phù Lá trồng giống lúa, ngô địa phương, không có phân bón, nước tưới nên năng suất bấp bênh, vào mùa giáp hạt nhiều gia đình không đủ ăn. Những năm gần đây, đời sống của người dân Khua Chá đã có nhiều khởi sắc. Giao thông đi lại thuận tiện, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tới từng gia đình. Ðảng bộ, chính quyền xã Phình Sáng rất quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con; vận động, hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới để có năng suất cao... Những hộ gia đình thiếu đất sản xuất thì chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ đó nhiều gia đình đã từng bước thoát khỏi đói nghèo như gia đình ông Sùng Sờ Xa, bà Hạng Thị Tráng.
Trước đây, phụ nữ Phù Lá chủ yếu sinh đẻ ở bên nhà chồng đến nay đã thay đổi về nhận thức, các gia đình đã biết đưa sản phụ khi trở dạ đến các cơ sở y tế gần nhất để sinh đẻ an toàn cho mẹ và con. Người Phù Lá vẫn giữ gìn, duy trì những bản sắc riêng độc đáo. Ðó là lễ cưới được tiến hành theo hai bước dạm ngõ và cưới lý; lễ tra hạt xuống giống tại nương, được làm vào tháng 2 hàng năm và tổ chức trong phạm vi gia đình; lễ mừng cơm mới - một trong những nghi lễ quan trọng nhất được làm vào dịp thu hoạch lúa... Ngoài ra, người Phù Lá tự thêu trang phục riêng của dân tộc mình. Vào mùa nông nhàn, các mẹ, các chị lại miệt mài ngồi thêu áo, váy cho thành viên trong gia đình.
Vượt qua những cách trở, khó khăn, Khua Chá đang dần thay áo mới. Phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, hộ khá giúp đỡ hộ khó khăn thoát nghèo, qua đó đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau. Hiện nay 100% trẻ em Phù Lá trong độ tuổi được đến trường học. Bức tranh đời sống của dân tộc Phù Lá ở bản Khua Chá đã tươi mới hơn. Xuân này cái khó, cái nghèo đã dần dần được thay thế bằng cuộc sống ấm no hơn. Dù phía trước còn nhiều khó khăn song người dân nơi đây vẫn nỗ lực vươn lên như cây xương rồng khẳng khiu sinh tồn, phát triển trên sỏi đá.
Tạm biệt Khua Chá, niềm vui theo chúng tôi suốt chặng đường về, nối dài trên những cung đường bê tông mới.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/184885/khua-cha-nay-mam-xuan