Khúc ca Tháng Tám

Những khúc ca Tháng Tám là giai điệu đẹp nhất, truyền cảm nhất và là hồi ức sống động nhất cho ta được sống lại, trở lại những năm tháng không thể nào quên đó.

Nhân dân Hà Nội nổi dậy đánh chiếm Bắc Bộ phủ (ngày 19.8.1945)

Nhân dân Hà Nội nổi dậy đánh chiếm Bắc Bộ phủ (ngày 19.8.1945)

Chính những khúc ca này đã lưu giữ mãi mãi ký ức thanh xuân để tiếp nối cuộc hành trình sau Cách mạng Tháng Tám...

Những ngày đầu thu tháng tám này trong tôi lại ngân vang những khúc ca Tháng Tám - khúc ca của mùa thu cách mạng. Dư âm của những ngày Cách mạng Tháng Tám cách đây 74 năm vẫn còn vọng về trong những trang ký ức lịch sử, những thước phim tư liệu, những tấm ảnh đen trắng, những hồi ức, hồi ký và cả những bộ phim nhựa hoành tráng như “Sao Tháng Tám”.

Tôi vẫn còn nghe vọng lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá ý nghĩa lịch sử và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Cách mạng Tháng Tám là một hành trình. Sức mạnh đó đã được kết tinh từ cả một quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước với bao chiến công hiển hách của cha ông ta đánh tan những đạo quân xâm lược gắn với những địa danh lừng lẫy như Hàm Tử, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... Sức mạnh ấy bắt đầu từ khối đoàn kết đồng bào, từ lời thề sắt son “sát Thát” cả nước một lòng từ miền xuôi đến miền ngược cho đến hình thể đất đai sông núi cũng tạo dáng thành những cánh cung, thành cái nắm tay, những mũi lao. Khí thế ấy từ thời Bà Trưng, Bà Triệu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đất nước ấy, những con người ấy rất yêu chuộng hòa bình, rất yêu dân ca với những câu hò, điệu hát. Hành trình đến Cách mạng Tháng Tám từ khi có Đảng lãnh đạo, từ cao trào cách mạng 1930 - 1931 với tiếng trống Xô Viết Nghệ Tĩnh còn vang vọng, là cuộc tập dượt đầu tiên, rồi đến phong trào dân chủ 1936 - 1939. Những bước đi, những quãng nhảy của lịch sử thấm bao máu đào các anh hùng liệt sĩ trung kiên như những mạch hồng cầu trên cơ thể đất nước để nuôi dựng và hồi sinh, để tạo thế và nắm bắt thời cơ, để với mấy ngàn đảng viên làm nòng cốt đã lãnh đạo toàn dân tộc ta đứng lên giành chính quyền cách mạng thần kỳ nhất trong lịch sử nhân loại…

Nhớ sao âm hưởng bài hát “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi từ bối cảnh nạn đói thảm khốc Ất Dậu 1945 khiến hàng triệu người chết đói để kêu gọi quần chúng phá kho thóc của Nhật, tiếp đến khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay từ câu hát mở đầu hành khúc như tiếng kèn dõng dạc vang lên thúc giục đồng bào tham gia cách mạng với giọng điệu trầm hùng thiết tha “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than…”. Ta vẫn còn nghe âm vang nhịp bước quân hành “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đình Nhu với "Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh…”. Những lời ca giản dị mà có sức truyền cảm lớn lao bởi đó không chỉ là lời hiệu triệu mà là nhịp đập của con tim cùng hòa âm náo nức giục giã. Và cũng qua những khúc ca ấy chúng ta hiểu thêm giá trị lịch sử quyết định của Đảng ta thật sáng suốt trong tình thế “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ý nghĩa nhận định thời cơ từ thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và đưa ra khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” và “...dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.

Nhớ lại những ngày Cách mạng Tháng Tám ta như được hòa chung reo vui với nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Huế Tháng Tám”: "Ngực lép bốn nghìn năm/Trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời” với cảm xúc đắm say, cộng hưởng, trào dâng và phơi phới. Cách mạng Tháng Tám không chỉ dâng lên náo nức như nước vỡ bờ ở các thành phố lớn mà còn truyền cảm hứng cộng hưởng đến các làng xã, xóm thôn cùng đứng lên giành lấy chính quyền, thay đổi bộ mặt nông thôn và tư thế của con người. Ta đọc lại những vần thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, được sống lại không khí những năm tháng ấy qua những nét đặc tả mà thiết tha biết bao nỗi niềm thương mến và ngưỡng vọng với một cuộc “lột xác” từ thể xác đến tâm hồn: “Bao cô thôn nữ hôm qua còn yếm đỏ/Miệng hoa cười tươi tựa ánh bình minh/Hôm nay đều ra khỏi lũy tre xanh/Với dòng máu quật sôi trong huyết quản”. Và hình ảnh Bác Hồ kính yêu chính là tâm điểm ngợi ca, là kết tinh sức mạnh kết đoàn của cả một dân tộc. Nhà thơ Tế Hanh đã ngợi ca Người: “Sáng láng, ôn tồn thành tâm quyết chí/Sóng gió khinh, sấm sét chẳng kinh hoàng/Hồ Chí Minh chỉ là Người có thể/Đưa con thuyền Tổ quốc đến vinh quang”.

Có thể nói không khí những ngày Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện rạo rực, tươi mới, tràn sức sống trong những khúc ca thơ và nhạc. Và đó chính là “sự kiện tâm hồn” in dấu ấn sâu sắc và sôi động cùng song hành với sự kiện lịch sử. Cuộc cách mạng không chỉ đổi đời cho mỗi số phận con người mà thay đổi cả một nền văn học tạo ra những cung bậc mới, âm hưởng mới của vị thế con người tự do, của một đất nước độc lập. Nhà thơ Xuân Diệu tiêu biểu cho giọng thơ lãng mạn đề cao cái tôi cá nhân chật hẹp, ủy mị, sướt mướt nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tác động mạnh mẽ tới ông, thay đổi nhận thức, thay đổi thế giới quan khiến ông nhập thân vào đời sống mới hát lên ước vọng của nhân dân trong đấu tranh và dâng hiến: “Việt Nam!/Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở ngày độc lập!/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!/Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca”. Đó cũng chính là âm hưởng trong ca khúc “Mười chín Tháng Tám" của nhạc sĩ Xuân Oanh: "Mười chín Tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín Tháng Tám. Ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề. Mười chín Tháng Tám. Chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam...". Giai điệu bài ca giản dị, dễ hát, lời ca dễ nhớ thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sôi sục truyền đi nhiệt huyết và niềm tin cách mạng. Bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao ra đời từ một căn gác nhỏ trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) vào mùa đông năm 1944, lúc ấy ông đã linh cảm được khí thế: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…” của Cách mạng Tháng Tám. Bài hát đã được phổ biến rộng rãi như bản hành khúc chính thức của Mặt trận Việt Minh vang khắp mọi ngả đường Thủ đô trong ngày 19.8 và thành Quốc ca của đất nước.

Hành trình Cách mạng Tháng Tám vẫn tiếp tục phát huy mở ra một tương lai tươi sáng cho dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hào khí lịch sử lớn lao, linh khí đất trời mùa thu tuyệt diệu “Mây của ta, trời thắm của ta” (Tố Hữu) đã tạo ra một bản giao hưởng mới náo nức lòng người từ những khúc ca của mùa thu Cách mạng Tháng Tám.

Tùy bút của NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/khuc-ca-thang-tam-115148