'Khúc dạo đầu' trước cơn sóng gió

Trước sự căng thẳng địa chính trị, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng điều đó sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Cụ thể là với thị trường chứng khoán, vàng và dầu mỏ.

Chỉ số Nikkei tại thị trường chứng khoán Tokyo “một màu đỏ khủng khiếp” trong ngày 6/8. Nguồn: Reuters.

Chỉ số Nikkei tại thị trường chứng khoán Tokyo “một màu đỏ khủng khiếp” trong ngày 6/8. Nguồn: Reuters.

Tới ngày 15/8, có nghĩa là sau đúng 10 ngày chao đảo, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới tìm được điểm thăng bằng. Dẫu thế thì 10 ngày cũng đã đủ làm cho kênh hút vốn này “thất điên bát đảo”.

Ngày 15/8, đại diện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết, biểu hiện của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy đã qua sóng gió nhưng điều đó cũng không chắc chắn khi mà báo cáo tài chính của nhóm các công ty công nghệ lớn thiếu lạc quan. Kể cả những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Amazon và Google.

Tại Nhật Bản, dao động giảm của chỉ số chứng khoán Nikkei trên sàn giao dịch Tokyo được cho là dữ dội nhất kể từ tháng 4/1987. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc cũng có mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008, gây ra hiện tượng ngắt mạch. Đặc biệt, cổ phiếu của Samsung giảm hơn 10%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008.

“Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán vừa qua có thể chỉ là khúc dạo đầu cho một cơn bão thậm chí còn lớn hơn. Nó không chỉ phơi bày tính mong manh của các nền kinh tế lớn, mà còn cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính toàn cầu” - tiến sĩ Michel D.Ralf, từ thị trường chứng khoán Nasdaq nhận xét và ví von rằng với hiện tượng “con dao rơi” không nhà đầu tư mạo hiểm lớn nào dám mua vào.

Trong bối cảnh ấy, lại không có tuyên bố nào từ Tòa nhà Eccles (trụ sở Fed) nói rằng thị trường cần được giải cứu, càng khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu “đoán già đoán non” cho dù sắc xanh đã dần thay thế sắc đỏ khủng khiếp tại màn hình các sàn giao dịch lớn.

Trong khi “chảo lửa Trung Đông” ngày một nóng thì thị trường vàng cũng lại chập chờn hơn. Ngày 10/8, giá vàng thế giới trung bình được giao ở mức 2.360 USD/ounz (1 ounce vàng bằng 0,829426 lượng vàng; tương đương hơn 59 triệu VNĐ); thì đến ngày 15/8 giá đã lên 2.430 USD/ounz (gần 61 triệu VNĐ). Giới kinh doanh vàng dự báo, nếu xung đột ở Trung Đông không giảm nhiệt thì tới ngày 20/8 giá 1 ounz có thể lên 2.500 (tương đương 62,7 triệu VNĐ).

Amelia Xiao Fu - chuyên gia thị trường hàng hóa tại tổ chức tài chính BOCI cho rằng giá vàng rất khó đoán định trong ngắn hạn, tuy rằng nó đã “trỗi dậy” khi thị trường chứng khoán tụt dốc. Cũng như nhiều chuyên gia tài chính khác, tiến sĩ Amelia cho rằng tới cuối năm nay, giá vàng có thể “đạt ngưỡng lịch sử” ở mốc 2.600 USD/ounz (tương đương gần 65 triệu 300.000 VND, tính ở thời điểm ngày 14/8/2024).

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ thế giới cũng tiếp tục rung lắc. Tính từ ngày 6/8, khi thị trường chứng khoán đi xuống thì giá dầu mỏ đi lên sau nhiều phiên đi xuống. Đà lên tiếp tục duy trì, tới 15/8, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn ở mức 76,48 USD/thùng (tương đương 1.920 VND) ; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) là 73,2 USD/thùng (tương đương 1.837 VND). Có nghĩa là cùng tăng khoảng 1,2% trong vòng 9 ngày.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS (Công ty đầu tư tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Điển) cho rằng các yếu tố cơ bản trên thị trường cho thấy giá dầu mỏ có thể vẫn còn tăng. Trong khi đó, theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu dự trữ toàn cầu đã giảm khoảng 400.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay. Cơ quan này dự kiến lượng dự trữ sẽ giảm khoảng 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm. EIA dự báo giá dầu Brent giao ngay sẽ dao động trong khoảng 87 USD/thùng vào cuối năm.

Còn theo nhóm phân tích từ Goldman Sachs thì nếu coi dầu Brent là mức giá chuẩn toàn cầu thì trung bình cả năm ở vào khoảng 81 USD/thùng, giảm so với ước tính hồi đầu năm là 92 USD/thùng dầu.

Trong khi đó, ngân hàng Barclays vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 90 USD/thùng vào cuối tháng 12/2024. Nhóm chuyên gia của Barclays cũng cho rằng, những cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi cuối năm 2023 là giá dầu thô có thể vọt lên 130 USD/thùng nếu xung đột Trung Đông lan rộng tới nay đã “không thành hiện thực”.

Nhìn lại thị trường chứng khoán, vàng và dầu mỏ 10 ngày qua, nhóm tư vấn đến từ Công ty năng lượng Wood Mackenzie cho rằng có sự liên quan rất mật thiết. Và rằng, sự chao đảo của “tổ hợp tài chính” này cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó đạt được mức 2,7% như dự báo của Liên hợp quốc tại Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới.

Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới cho rằng các nền kinh tế lớn đã tránh được suy thoái nghiêm trọng, dù vẫn đối mặt với một số thách thức. Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025. Báo cáo này dự báo các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,5% trong năm 2025. Kết quả này được củng cố bởi nhu cầu nội địa mạnh, ngành du lịch tiếp tục phục hồi và xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu cải thiện. Báo cáo cũng cho rằng sự thay đổi chóng mặt về công nghệ - bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều cơ hội cũng như rủi ro mới cho nền kinh tế thế giới.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khuc-dao-dau-truoc-con-song-gio-10288230.html