Khúc hát của những hòn sỏi
Con người cũng như đá, phải trải qua những biến cố của thời gian và cuộc sống, mới có thể hoàn thiện mình, mới hiểu mình là ai giữa chốn nhân gian này.
Đã bao giờ bạn ngồi giữa một dòng sông đang cuộn chảy để ngắm cho thỏa thích những hòn sỏi tròn nhẵn xung quanh? Đã bao giờ bạn mặc lòng mình trôi theo nước, đá và mây ngàn gió núi mà nghe lời thầm thì của chúng? Và rồi một lần tự hỏi, không biết những hòn sỏi đã đi qua bao nhiêu chặng đường và thời gian của cõi đời để có hình hài như tôi đang nhìn thấy hôm nay? Cơ duyên nào đem chúng đến với vùng đất heo hút, vắng lặng này để gặp tôi trong một buổi chiều có nhiều nắng gió đến vậy?
Trên bãi đá sỏi giữa tiếng nước reo, giữa bạt ngàn những đồi keo hoa vàng, tôi cầm lên một viên sỏi gần bằng nắm tay, ngắm nghía các vòng vân màu vàng nhạt mà hình dung về hành trình của nó. Nó từ đâu đến? Từ những ngọn núi cao quanh năm mây phủ hay từ một triền đồi nào đó trong mùa mưa tháng tám khi giông bão về? Từ một khúc sông đầy thác ghềnh của thượng nguồn xa xôi hay là một dòng suối nhỏ chảy ngoài bìa rừng? Không biết, chỉ thấy chúng có vẻ mịn láng chứ không xù xì xấu xí như những hòn sỏi mà tôi đã nhìn thấy ở quãng sông phía dưới thị xã sầm uất kia.
Ánh nắng của mùa đông làm cho những hòn sỏi lấp lánh như thủy tinh. Tôi thơ thẩn nhặt lên tay mình một vốc sỏi lớn bằng đầu ngón tay cái, tự nhiên chùng lại trong phút chốc. Ngày trước, để kiếm được một vốc sỏi như thế này, đám trẻ phải bới tung cả đống cát sỏi nhà hàng xóm mới lựa được. Những hòn sỏi thuở ấy đâu có tròn trịa đều đặn như vốc sỏi trên tay tôi. Ấy vậy mà, chúng tôi chơi chuyền, chơi ô ăn quan say mê, không nhớ giờ về nhà. Cũng lạ thật, không biết ai nghĩ ra mà mỗi hòn sỏi của mỗi trò chơi có các kích cỡ, hình dáng thậm chí màu sắc khác nhau. Này nhé, hòn dẹt, mỏng thì chơi nhảy lò cò. Hòn tròn to bằng quả chanh thì chơi chuyền, đánh chắt. Hòn nhỏ thì rải ô ăn quan, chơi cờ gánh cùng với mấy thanh tre. Có thể nói gia tài của chúng tôi khi ấy chủ yếu là sỏi đá được cất trong túi áo, túi quần. Còn giữ nhiều đến mức quần tụt xuống, vừa chạy vừa giữ cạp quần mà vẫn không nỡ lấy hết ra ngoài. Nhiều hôm mẹ vừa giặt đồ vừa gọi từng đứa ra chỉ vào chậu nước đầy cát mà dọa rằng sẽ cho mỗi đứa dăm roi nếu còn bỏ sỏi đá vào áo quần nữa. Nhưng rồi có ai nhớ đâu! Các trò chơi với sỏi đá cứ vậy mà đi theo chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ êm đềm bên gia đình.
Đá ở đây có rất nhiều cỡ, nhưng không quá to, chỉ độ bằng cái nồi cơm điện ba cân trở lại. Đa số là màu trắng, vàng mơ hay màu kem, rất ít màu xám hay đen như khi bị lẫn trong cát hay ở dưới bóng cây ven bờ. Tôi chọn hai hòn đá to hơn cái bát ăn cơm, có màu trắng ngà dự định mang về để chận lên vại cà, vại dưa muối bên bếp. Ngày còn ở nhà, mẹ thường sai tôi mang hòn đá trong vại cà rửa sạch rồi mang ra phơi nắng, chờ muối mẻ tiếp theo. Cà mẹ muối thường chắc, giòn, không bị úng vì được làm cẩn thận rồi nén chặt, chỉ cần muối mặn thêm chút là để dành ăn đến tận mùa mới. Những năm tháng xa nhà, rồi theo chồng xa xứ, tôi cứ nhớ mãi vị cà mẹ muối ngày xưa.
Dòng sông miên man chảy về xuôi. Sóng nước chạm vào bờ đá tung lên như các bông hoa màu trắng bạc xòe nở, cuốn một vài viên sỏi lăn theo dòng trôi. Nhìn theo những viên sỏi, tôi chợt hiểu vì sao đá lại tròn, vì sao đá nhẵn thín? Một đời đá đi theo con nước đầy vơi, ai dám bảo đá không chênh vênh? Ai dám bảo đá có một đời bình yên? Đá đã tự trau mình dưới dòng nước để tròn xinh đến vậy, ai biết được đá đau cỡ nào? Ai biết được đá bị bào mòn bao nhiêu? Ai biết được đá nhẫn nại thế nào? Chỉ biết bây giờ đá đẹp như đóa hoa bung nở trong tiết trời ấm áp của mùa xuân.
Tôi tung một vài hòn sỏi lên, sắc vân vàng trắng óng ánh trong ánh nắng chiếu xiên xiên xuống bãi. Cảm giác man mát, nằng nặng lan tỏa trong lòng bàn tay. Nhìn đám mây trắng đang bồng bềnh phía xa, tôi tự hỏi: Con người, làm được như đá không? Tự mình đi qua khó khăn, gian khổ để rèn giũa, để hoàn thiện bản thân hơn? Có ai dám quăng mình vào trong giông bão cuộc đời để tích góp thêm một chút kiên cường? Có ai dám mặc cho những va chạm của đời gọt giũa để trở nên vẹn tròn hơn? Con người cũng như đá, phải trải qua những biến cố của thời gian và cuộc sống, mới có thể hoàn thiện mình, mới hiểu mình là ai giữa chốn nhân gian này. Để rồi, từ sự thấu hiểu giá trị con người mình mà sống có ý nghĩa hơn, mà buông bỏ hết mọi tham - sân - si trần tục. Cây lá đung đưa trong gió, thầm thì hỏi tôi: Đá dám, sao người thì không?
Dòng sông vẫn rì rào chảy xung quanh. Khi vòng qua khúc giữa, sông nghiêng mình như trao một nét cười nhẹ tạm biệt bãi đá nơi tôi đang ngồi. Bãi đá sáng lên giữa những màu xanh bất tận của sóng, của lá trong cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại. Không biết lần chia tay này hòn sỏi nào sẽ đi cùng dòng sông? Hòn sỏi nào tiếp tục hành trình phiêu lưu vô định của mình? Hòn đá nào ở lại để chờ mùa nước lên đang đến? Để rồi có gặp lại đâu đó thì cũng không còn nhận ra nhau giữa bao nhiêu dâu bể. Đến lúc ấy không biết đã tròn một đời đá hay chưa? Chỉ biết những hòn sỏi vẫn mãi hát khúc ca của mình giữa dòng sông, vẫn tiếp tục làm đẹp mình giữa những biến động của thời gian.
Tản văn của Trần Thị Hồng Anh
Đã bao giờ bạn ngồi giữa một dòng sông đang cuộn chảy để ngắm cho thỏa thích những hòn sỏi tròn nhẵn xung quanh? Đã bao giờ bạn mặc lòng mình trôi theo nước, đá và mây ngàn gió núi mà nghe lời thầm thì của chúng? Và rồi một lần tự hỏi, không biết những hòn sỏi đã đi qua bao nhiêu chặng đường và thời gian của cõi đời để có hình hài như tôi đang nhìn thấy hôm nay? Cơ duyên nào đem chúng đến với vùng đất heo hút, vắng lặng này để gặp tôi trong một buổi chiều có nhiều nắng gió đến vậy?
Trên bãi đá sỏi giữa tiếng nước reo, giữa bạt ngàn những đồi keo hoa vàng, tôi cầm lên một viên sỏi gần bằng nắm tay, ngắm nghía các vòng vân màu vàng nhạt mà hình dung về hành trình của nó. Nó từ đâu đến? Từ những ngọn núi cao quanh năm mây phủ hay từ một triền đồi nào đó trong mùa mưa tháng tám khi giông bão về? Từ một khúc sông đầy thác ghềnh của thượng nguồn xa xôi hay là một dòng suối nhỏ chảy ngoài bìa rừng? Không biết, chỉ thấy chúng có vẻ mịn láng chứ không xù xì xấu xí như những hòn sỏi mà tôi đã nhìn thấy ở quãng sông phía dưới thị xã sầm uất kia.
Ánh nắng của mùa đông làm cho những hòn sỏi lấp lánh như thủy tinh. Tôi thơ thẩn nhặt lên tay mình một vốc sỏi lớn bằng đầu ngón tay cái, tự nhiên chùng lại trong phút chốc. Ngày trước, để kiếm được một vốc sỏi như thế này, đám trẻ phải bới tung cả đống cát sỏi nhà hàng xóm mới lựa được. Những hòn sỏi thuở ấy đâu có tròn trịa đều đặn như vốc sỏi trên tay tôi. Ấy vậy mà, chúng tôi chơi chuyền, chơi ô ăn quan say mê, không nhớ giờ về nhà. Cũng lạ thật, không biết ai nghĩ ra mà mỗi hòn sỏi của mỗi trò chơi có các kích cỡ, hình dáng thậm chí màu sắc khác nhau. Này nhé, hòn dẹt, mỏng thì chơi nhảy lò cò. Hòn tròn to bằng quả chanh thì chơi chuyền, đánh chắt. Hòn nhỏ thì rải ô ăn quan, chơi cờ gánh cùng với mấy thanh tre. Có thể nói gia tài của chúng tôi khi ấy chủ yếu là sỏi đá được cất trong túi áo, túi quần. Còn giữ nhiều đến mức quần tụt xuống, vừa chạy vừa giữ cạp quần mà vẫn không nỡ lấy hết ra ngoài. Nhiều hôm mẹ vừa giặt đồ vừa gọi từng đứa ra chỉ vào chậu nước đầy cát mà dọa rằng sẽ cho mỗi đứa dăm roi nếu còn bỏ sỏi đá vào áo quần nữa. Nhưng rồi có ai nhớ đâu! Các trò chơi với sỏi đá cứ vậy mà đi theo chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ êm đềm bên gia đình.
Đá ở đây có rất nhiều cỡ, nhưng không quá to, chỉ độ bằng cái nồi cơm điện ba cân trở lại. Đa số là màu trắng, vàng mơ hay màu kem, rất ít màu xám hay đen như khi bị lẫn trong cát hay ở dưới bóng cây ven bờ. Tôi chọn hai hòn đá to hơn cái bát ăn cơm, có màu trắng ngà dự định mang về để chận lên vại cà, vại dưa muối bên bếp. Ngày còn ở nhà, mẹ thường sai tôi mang hòn đá trong vại cà rửa sạch rồi mang ra phơi nắng, chờ muối mẻ tiếp theo. Cà mẹ muối thường chắc, giòn, không bị úng vì được làm cẩn thận rồi nén chặt, chỉ cần muối mặn thêm chút là để dành ăn đến tận mùa mới. Những năm tháng xa nhà, rồi theo chồng xa xứ, tôi cứ nhớ mãi vị cà mẹ muối ngày xưa.
Dòng sông miên man chảy về xuôi. Sóng nước chạm vào bờ đá tung lên như các bông hoa màu trắng bạc xòe nở, cuốn một vài viên sỏi lăn theo dòng trôi. Nhìn theo những viên sỏi, tôi chợt hiểu vì sao đá lại tròn, vì sao đá nhẵn thín? Một đời đá đi theo con nước đầy vơi, ai dám bảo đá không chênh vênh? Ai dám bảo đá có một đời bình yên? Đá đã tự trau mình dưới dòng nước để tròn xinh đến vậy, ai biết được đá đau cỡ nào? Ai biết được đá bị bào mòn bao nhiêu? Ai biết được đá nhẫn nại thế nào? Chỉ biết bây giờ đá đẹp như đóa hoa bung nở trong tiết trời ấm áp của mùa xuân.
Tôi tung một vài hòn sỏi lên, sắc vân vàng trắng óng ánh trong ánh nắng chiếu xiên xiên xuống bãi. Cảm giác man mát, nằng nặng lan tỏa trong lòng bàn tay. Nhìn đám mây trắng đang bồng bềnh phía xa, tôi tự hỏi: Con người, làm được như đá không? Tự mình đi qua khó khăn, gian khổ để rèn giũa, để hoàn thiện bản thân hơn? Có ai dám quăng mình vào trong giông bão cuộc đời để tích góp thêm một chút kiên cường? Có ai dám mặc cho những va chạm của đời gọt giũa để trở nên vẹn tròn hơn? Con người cũng như đá, phải trải qua những biến cố của thời gian và cuộc sống, mới có thể hoàn thiện mình, mới hiểu mình là ai giữa chốn nhân gian này. Để rồi, từ sự thấu hiểu giá trị con người mình mà sống có ý nghĩa hơn, mà buông bỏ hết mọi tham - sân - si trần tục. Cây lá đung đưa trong gió, thầm thì hỏi tôi: Đá dám, sao người thì không?
Dòng sông vẫn rì rào chảy xung quanh. Khi vòng qua khúc giữa, sông nghiêng mình như trao một nét cười nhẹ tạm biệt bãi đá nơi tôi đang ngồi. Bãi đá sáng lên giữa những màu xanh bất tận của sóng, của lá trong cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại. Không biết lần chia tay này hòn sỏi nào sẽ đi cùng dòng sông? Hòn sỏi nào tiếp tục hành trình phiêu lưu vô định của mình? Hòn đá nào ở lại để chờ mùa nước lên đang đến? Để rồi có gặp lại đâu đó thì cũng không còn nhận ra nhau giữa bao nhiêu dâu bể. Đến lúc ấy không biết đã tròn một đời đá hay chưa? Chỉ biết những hòn sỏi vẫn mãi hát khúc ca của mình giữa dòng sông, vẫn tiếp tục làm đẹp mình giữa những biến động của thời gian.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/khuc-hat-cua-nhung-hon-soi/26825.htm