Khúc quân hành trên 'trận tuyến' kinh tế

'Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo' là nhận định chất chứa tình cảm ngưỡng mộ, kính trọng của mọi người đối với những cựu chiến binh, Bộ đội Cụ Hồ năm xưa cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho độc lập, hòa bình của dân tộc, trở về quê hương lại tiên phong, gương mẫu trên mặt trận chống đói nghèo. Vững vàng trên trận tuyến kinh tế, khúc quân hành của những cựu chiến binh vẫn vang lên rộn rã, minh chứng cho bản lĩnh 'Bộ đội Cụ Hồ' khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

CCB Nguyễn Văn Khải kiểm tra chất lượng sản phẩm.

CCB Nguyễn Văn Khải kiểm tra chất lượng sản phẩm.

“Trận tuyến” đời thường

“Đói nghèo bủa vây, con cái lúc đó còn nhỏ nheo nhóc, hai vợ chồng xoay đủ nghề mà vẫn hụt trước thiếu sau. Chính trong hoàn cảnh đó, tôi tự nhủ không thể để cuộc sống cứ mãi như vậy được, mình có sức khỏe phải thoát nghèo”. Câu chuyện của tôi với CCB Nguyễn Văn Tỏ khu Thống Nhất, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê bắt đầu từ những ngày tháng vất vả như thế của hai vợ chồng ông. Năm 1970, ông tham gia lực lượng TNXP làm cầu đường khắp miền Bắc. Rời lực lượng TNXP, năm 1978 ông nhập ngũ biên chế tại Trung đoàn 752, Sư đoàn 355 đóng quân tại Lào Cai. 5 năm trong quân ngũ, từ thợ sửa chữa ô tô rồi lái xe đến năm 1983 ông ra quân về công tác tại Xí nghiệp ô tô Vĩnh Phú.

Thời điểm này ông đã lập gia đình và có con. Vợ dại, con thơ chỉ trông chờ vào vài sào ruộng với đồng lương ít ỏi nên ông quyết định nghỉ việc về quê. Gần vợ, gần con, nhưng bài toán kinh tế lại đè nặng lên vai. Có nghề sửa chữa xe ô tô nhưng lại không phù hợp ở vùng nông thôn, ông lại xoay qua làm mộc, rồi trồng chè. Nhưng làm mãi cũng chẳng đủ ăn. Năm 1989, hai vợ chồng nhận thầu đất của HTX để trồng sắn.

“Hồi đó có sức khỏe, nên hai vợ chồng tôi ham lắm vừa trồng vừa vỡ đất hoang. Cứ dấu chân mình đến đâu đất vỡ đến đó. Trồng sắn, nuôi gà, nuôi trâu, nuôi bò. Ngày làm không biết mệt. Giờ nghĩ lại mới thấy, hoàn cảnh tạo cho mình sức mạnh ý chí không có gì ngăn được”.

Tiếp lời chồng, vợ ông Tỏ nhớ lại: “Những năm tháng ấy, nhà có năm người, hai vợ chồng với ba đứa con, nhưng chẳng năm nào ngày Tết sum họp đầy đủ gia đình vì chia nhau nửa ở nhà, nửa trong trang trại. Đổi lại những tháng ngày gian khó đó là hơn 600 gốc bưởi, 2.000 gốc chuối tiêu hồng, rồi vải, nhãn, ổi, mùa nào thức ấy xanh tươi, trĩu quả, trong chuồng thì thường xuyên duy trì hơn 100 con lợn, 100 gà chọi, rồi trâu, bò...”.

Đất vỡ hoang khi xưa không phụ công người đã cho ra trái ngọt. Từ năm 2016, sau khi chuyển đổi cây trồng đến nay đời sống gia đình ông từng ngày một khấm khá. Đến nay ba người con trưởng thành, được ông bà dựng vợ gà chồng, cuộc sống ổn định con cái chăm ngoan học giỏi. Người con út sau những ngày tháng được bố mẹ nuôi dưỡng, gắn bó với từng gốc bưởi được cha vun, từng đàn gà, đàn lợn mẹ chăm giờ cũng theo chân hai vợ chồng ông làm trang trại.

Ông tâm sự: “Với tôi đến giờ hạnh phúc nhất là con cái trưởng thành. Mình không có tiền vàng cho con, nhưng cho con hiểu được giá trị của lao động, trân trọng những giọt mồ hôi của cha của mẹ. Giờ hai vợ chồng chủ yếu đứng sau chỉ bảo, còn các con lại tiếp tục vun trồng cho tương lai”.

Trang trại của gia đình CCB Nguyễn Văn Tỏ hiện có hơn 2.000 gốc chuối tiêu hồng chuẩn bị cho thu hoạch.

Trang trại của gia đình CCB Nguyễn Văn Tỏ hiện có hơn 2.000 gốc chuối tiêu hồng chuẩn bị cho thu hoạch.

Điểm tựa cho hội viên

20 năm ngồi sau vô lăng dọc ngang trên những cung đường, người CCB Sư đoàn 355 trở về địa phương. Loay hoay với cuộc sống mưu sinh, anh lại lựa chọn trở thành lái xe cho một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Đó cũng là cơ may để CCB Nguyễn Văn Khải ở khu 5, xã Phú Nham, huyện Phù Ninh tìm hướng vươn lên làm giàu. Năm 2019, sau khi bàn bạc với vợ anh nghỉ việc mở xưởng may bao bì. “Bây giờ nghĩ lại quyết định khi đó thấy mình cũng liều lĩnh. Kỹ thuật may chưa biết, vốn nhỏ, thị trường còn khá mới mẻ. Nhưng có lẽ bản lĩnh người lính được rèn luyện trong quân ngũ khiến tôi luôn muốn vượt qua khó khăn thách thức. Đi học nghề, rồi vay vốn để xây nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị đến kết nối để có những đơn hàng đầu tiên là những thử thách đầu tiên tôi phải vượt qua. Xưởng đi vào ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, rồi suy thoái kinh tế. Cứ đợt sóng khó khăn này qua thì đợt khác ập đến, nhưng rồi cũng vượt qua hết” - anh tâm sự.

Chậm rãi chia sẻ về quãng thời gian bốn năm kể từ khi mở xưởng đến nay, ngoài những khó khăn đó anh luôn nhận được sự quan tâm từ phía Hội CCB, sự tạo điều kiện về vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như cấp ủy chính quyền địa phương. Đơn hàng dần ổn định. Tiếng máy may ngày ngày đều đặn vang lên cùng những kiện hàng xuất đi mỗi tuần. Hai xưởng may bao bì của gia đình anh hiện đang tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Những tấm gương như CCB Nguyễn Văn Tỏ, Nguyễn Văn Khải là minh chứng cho tinh thần, ý chí, nghị lực của những người một thời xông pha trận mạc, không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế với nhiều nội dung và phong trào cụ thể, thiết thực đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau bằng những việc làm cụ thể như: Giúp nhau về vốn, cây con giống, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp về ngày công lao động...

Hội CCB các cấp có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực và đột phá trong chỉ đạo giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại, HTX tiêu biểu được nhân rộng, lan tỏa. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan chức năng, bảo đảm đúng chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, Hội đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng CSXH huy động các nguồn vốn tạo điều kiện cho hộ hội viên vay vốn. Sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, giúp hội viên có vốn đầu tư 44 dự án phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập cho hội viên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Lựa chọn trở về quê hương để gây dựng cuộc sống, nhiều CCB đã vươn lên khẳng định bằng chính đôi tay, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, hăng say chiến đấu trên mặt trận mới, từng bước xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, góp phần tô điểm thêm những trang sử hào hùng trên quê hương Đất Tổ.

Hà An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/khuc-quan-hanh-tren-tran-tuyen-kinh-te/204943.htm