Khúc 'song tấu vượt khó'

Năm 2020 khép lại với từ khóa đáng nhớ mang tên: 'Năm khó'. Khó từ hạn, mặn ngay đầu năm, khó do tác động của đại dịch Covid-19, khó do mưa bão dồn dập, khó do bệnh vi bào tử trùng, phân trắng trên tôm… Nhưng trong thế 'tứ bề đều khó' ấy, con tôm và cây lúa vẫn tìm thấy cơ hội cho riêng mình để cùng viết lên khúc 'song tấu vượt khó' bằng một 'giai điệu' tăng trưởng thật sự ấn tượng.

Lực đẩy từ xuất khẩu

Nhờ tập trung nâng cao chất lượng đã giúp lúa gạo không chỉ tiêu thụ tốt mà còn có giá cao. Ảnh: TÍCH CHU

Nhờ tập trung nâng cao chất lượng đã giúp lúa gạo không chỉ tiêu thụ tốt mà còn có giá cao. Ảnh: TÍCH CHU

Đợt hạn, mặn đầu năm 2020 không chỉ kéo dài mà còn xâm nhập sâu vào nội đồng 40 - 55km, tức tăng khoảng 10 - 15km so với đợt hạn, mặn năm 2016. Tuy nhiên, nhờ được dự báo từ sớm, nên cả ngành chức năng lẫn nông dân đều có sự chủ động trong ứng phó, giúp giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Nếu như đợt hạn, mặn năm 2016, toàn tỉnh có đến 31.700ha lúa bị thiệt hại, thì ở đợt hạn, mặn năm 2020 này con số thiệt hại chỉ có vài ngàn hécta. Không những diện tích thiệt hại thấp, mà năng suất lúa còn lại trong vụ này cũng đạt khá cao, để khi kết thúc năm lương thực 2020, sản lượng lúa toàn tỉnh vẫn đạt trên 2 triệu tấn. Sản lượng trên tuy có giảm 3,56% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Đợt hạn, mặn trên không chỉ gây khó khăn cho ngành lúa gạo Việt Nam, mà một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn khác cũng bị thiệt hại, sản lượng sụt giảm khá nhiều. Cùng với đó là dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tiếp theo là hàng loạt cơn bão, áp thấp nhiệt đới, càng khiến cho một số nước lo ngại mất an ninh lương thực trong bối cảnh chuỗi giá trị cung ứng gạo có khả năng bị đứt gãy, nên họ tăng cường nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cung giảm, cầu tăng đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng lên và vượt qua cả giá gạo của Thái Lan trong một số thời điểm.

Trong xu thế chung đó, xuất khẩu gạo của tỉnh năm 2020 cũng nhanh tay nắm bắt cơ hội, đưa giá trị xuất khẩu gạo của tỉnh lên mức 161 triệu USD, tăng đến 80,19% so với cùng kỳ. Giá lúa trong nước theo đó cũng được dịp tăng mạnh trong suốt cả năm, với mức tăng bình quân khoảng 200 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nên nhìn chung hiệu quả sản xuất lúa năm 2020 là khá cao. Đây cũng là điều chúng ta mong đợi bởi nó giúp cho người nông dân xóa bỏ tâm lý chạy theo sản lượng mà tập trung nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng để đạt giá trị và hiệu quả cao.

Điểm nhấn ngành tôm

Cùng với sự phát triển của nghề nuôi, sự phát triển của doanh nghiệp với trình độ chế biến sâu thuộc top đầu thế giới sẽ giúp ngành tôm bứt phá mạnh mẽ thời hậu Covid-19. Ảnh: TÍCH CHU

Cùng với sự phát triển của nghề nuôi, sự phát triển của doanh nghiệp với trình độ chế biến sâu thuộc top đầu thế giới sẽ giúp ngành tôm bứt phá mạnh mẽ thời hậu Covid-19. Ảnh: TÍCH CHU

Trong bối cảnh khó khăn chung, dù có những thời điểm tiến độ thả giống tôm nuôi diễn ra khá chậm nhưng đó cũng là “bước lùi chiến thuật” rất hiệu quả được đúc kết từ những năm trước. Và tất cả đã được minh chứng qua những con số không thể ấn tượng hơn, cụ thể như: diện tích thả nuôi tôm nước lợ được 51.431ha, đạt 102% kế hoạch, trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 72% diện tích và đặc biệt là diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh năm nay chiếm đến 94,3% diện tích thả nuôi. Diện tích trên cùng với việc khống chế tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi ở mức dưới 10% và năng suất bình quân của tôm thẻ đạt 4,7 tấn/ha, tôm sú 1,7 tấn/ha đã góp phần đưa sản lượng tôm nuôi ở Sóc Trăng ước đạt gần 188.000 tấn, vượt 12,5% kế hoạch và tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Sản lượng tôm cao nhưng nhờ thu hoạch rải đều trong năm, nên dù có những thời điểm giá tôm xuống thấp, tình hình tiêu thụ vẫn khá thuận lợi. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh cũng rất nhạy bén, linh hoạt với biến động thị trường nên đã nhanh chóng giảm hàng tồn kho và chuyển phần lớn sản phẩm sang kênh tiêu thụ là các siêu thị bán lẻ để tránh tác động từ dịch Covid-19. Những kinh nghiệm, sự nhạy bén của nhà quản lý, nông dân và doanh nghiệp ngành tôm trong xử lý những tình huống khó đã góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong năm 2020 ước đạt 823 triệu USD, tăng 24,87% so với cùng kỳ.

Kết quả trên theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta là không quá bất ngờ, bởi trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp chế biến tôm ở Sóc Trăng không ngừng tăng lên và đều là doanh nghiệp lớn, có trình độ chế biến sâu và con số này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong năm 2021 nên hứa hẹn trong tương lai không xa, cho dù không là thủ phủ tôm, nhưng Sóc Trăng nhiều khả năng sẽ là trọng điểm tôm của cả nước, đặc biệt là về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ông Lực phân tích: “Dịch covid-19 trong nguy cũng có cơ và cơ hội về khách quan mà nói là do các cường quốc tôm gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng nuôi tôm. Còn về chủ quan là nhờ Chính phủ có tầm nhìn và sách lược phòng, chống Covid-19 hiệu quả; người nông dân cần mẫn chăm sóc tôm nuôi; các doanh nghiệp linh hoạt, nhạy bén chuyển hướng thị trường… nên ngành tôm chúng ta yên ổn phát triển và có sự tăng trưởng cả về sản lượng tôm nuôi lẫn giá trị xuất khẩu.

Cơ hội vàng cho tôm, lúa

Cơ hội vàng đang mở ra phía trước cho cả ngành lúa gạo và ngành tôm với sự hội tụ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Ảnh: TÍCH CHU

Cơ hội vàng đang mở ra phía trước cho cả ngành lúa gạo và ngành tôm với sự hội tụ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Ảnh: TÍCH CHU

Bước vào thập kỷ mới tuy ngành tôm vẫn còn không ít khó khăn, bất lợi nhưng theo ông Lực, nếu nhìn trên diện rộng, ngành tôm Việt Nam đang bước vào giai đoạn “Thiên thời, dịa lợi, nhân hòa”. Ông Lực lý giải: “Thiên thời là từ Covid-19 cho ngành tôm cơ hội bứt phá vì các đối thủ lớn đang khó khăn. Địa lợi là các mắt xích chuỗi giá trị con tôm đang chung tay chia sẻ tốt nhất so trước đây và trên đà tiến triển tốt hơn trong thời gian tới. Nhân hòa là Chính phủ, lãnh đạo ngành ngày càng quan tâm hơn con tôm, có sự đầu tư và hỗ trợ kịp thời, tốt hơn”.

Ngoài ra, xu thế chuyển đổi nghề nuôi tôm theo công nghệ cao đáp ứng chuẩn mực chất lượng của thị trường (ASC, BAP…) cũng sẽ giúp con tôm Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung đủ điều kiện góp mặt trên kệ các hệ thống phân phối cao cấp, giúp tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá cả mua bán và cơ hội nâng tầm tôm Việt.

Không chỉ dành cho con tôm mà cơ hội còn mở ra cho cây lúa, hạt gạo, nhất là các giống lúa thơm chất lượng cao, lúa đặc sản… khi liên tiếp 4 năm qua, Việt Nam luôn có tên trong top 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Hiệu ứng đó đã giúp người tiêu dùng thế giới biết đến gạo Việt Nam ngày càng nhiều hơn và nó cũng phần nào lý giải vì sao có nhiều thời điểm trong năm, giá gạo xuất khẩu cùng loại của Việt Nam lại cao hơn so với gạo Thái Lan. Diện tích sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đã chiếm trên 80% diện tích gieo trồng; hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước đã có hiệu lực chính là chìa khóa, là cơ hội vàng để khẳng định vị thế thương hiệu gạo Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Cơ hội đang rộng mở và chúng ta có quyền hy vọng tất cả sẽ được nắm bắt, tận dụng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để mùa xuân vẫn còn mãi trên nụ cười tôm, lúa.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/khuc-song-tau-vuot-kho-44308.html