'Khúc thụy du' – tình khúc buồn từ ý thơ
Những cơn mưa rải rác trong ngày như càng nhuốm lên bức tranh cuối thu của mảnh đất xứ Thanh cái cảm giác man mác buồn, man mác nhớ thương. Lòng người theo chiếc lá già khẽ buông mình hoang hoải theo từng cơn gió se se lạnh bỗng chốc từ nơi nào xa xăm ùa về. Ngẩn ngơ đứng nhìn màn mưa giăng giăng như tơ trời bên ngoài ô cửa sổ, lặng thinh trước dòng tin được đăng tải đồng loạt trên các trang báo điện tử, mạng xã hội: Du Tử Lê – nhà thơ của 'Khúc thụy du' đột ngột qua đời tại Mỹ, hưởng thọ 77 tuổi. Đối với ông, tôi là một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng với tôi và nhiều độc giả yêu thơ trên toàn thế giới, cái tên Du Tử Lê đã trở nên quen thuộc từ lâu. Như một cách bày tỏ nỗi lòng yêu mến, niềm tiếc thương trước người đã khuất, tôi để tâm trí mình chìm đắm trong giai điệu, ca từ buồn da diết của bài hát 'Khúc thụy du'. Đây là khúc tình ca nổi tiếng, có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc từ những ý thơ của Du Tử Lê trong tác phẩm cùng tên.
Không gian trang trọng, ấm áp trong đêm nhạc tưởng niệm nhà thơ Du Tử Lê được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Du Tử Lê (tên thật là Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng (Hà Nam). Sinh thời, ông được bạn đọc trong nước và quốc tế biết đến là tác giả của nhiều tập thơ, văn xuôi tiêu biểu như: “Thơ Du Tử Lê”, “Tình khúc tháng 11”, “Tay gõ cửa đời”, “Đời mãi ở phương Đông”... Có một điều rất thú vị, được coi như một duyên nghiệp trong suốt hành trình sáng tác thơ của nhà thơ Du Tử Lê khi thơ ông được các nhạc sĩ lựa chọn phổ nhạc khá nhiều, ước chừng không dưới 300 bài, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Dòng suối trăm năm”, “Chẳng lớn lao nào hơn cô đơn”, “Giữ đời cho nhau”, “Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau”, “Gót xưa đường về”, “Hạt mưa bay cuối đời”, “Khúc thụy du”... Thậm chí, có những bài thơ được phổ nhạc tới 2 lần bởi 2 người nhạc sĩ khác nhau.
“Khúc thụy du” - tác phẩm có sức gợi ngay từ nhan đề. Cái nhan đề ấy không chỉ đẹp về mặt ngôn ngữ mà nó có sức mê hoặc, dẫn dụ đặc biệt. Nhà thơ Du Tử Lê từng tâm sự: “Thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên trường dược... Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ”. Khi phổ nhạc, nhạc sĩ Anh Bằng đã giữ nguyên tựa đề ấy đưa vào nhạc phẩm. Nhạc phẩm “Khúc thụy du” của nhạc sĩ Anh Bằng dần cuốn người nghe vào những nét đẹp hàm chứa trong ca từ, giai điệu bài hát: “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi/ Thụy ơi và tình ơi”. Ngay từ những thanh âm mộc mạc, chậm rãi đầu tiên cất lên cùng những ca từ lay động, “Khúc thụy du” đã tự giới thiệu mình như một câu chuyện tình buồn. Tác giả không cố gắng che chắn hay giấu nó đi. Nỗi buồn được bộc lộ một cách thẳng thắn, tự nhiên như nó đã chất chứa trong tâm hồn tự rất lâu rồi. “Cuộc đời” được đặt bên cạnh các cụm từ “không còn nữa”, “về bên kia thế giới”, “trống vắng” đã cho thấy những khoảng trống vô hình, khó lấp đầy trong tâm tưởng. Lời mở đầu bài hát giống như một tiếng than khe khẽ, lời tâm sự cùng Thụy và tình yêu.
Mạch cảm xúc phát triển rất tự nhiên. Sau khi đã bày tỏ đôi chút nỗi niềm hoang mang, trống vắng, nhân vật giờ đây bắt đầu trút cạn lòng mình thông qua những liên tưởng, so sánh: “Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vũng nước cuộc đời/ Trong vũng nước cuộc đời/ Thụy ơi và tình ơi”. Những ai quan tâm và yêu mến “Khúc thụy du” hẳn đều biết rằng đây là ca khúc mà nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Du Tử Lê mặc dù trước đó hai người không hề biết nhau. Chính nhà thơ Du Tử Lê đã từng có những chia sẻ xung quanh ca khúc này: “Một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán cà phê “Tay trái” (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview). Ông nói ông mới phổ nhạc bài “Khúc thụy du”. Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát”. Và điều quan trọng hơn, nhà thơ Du Tử Lê cho biết: “Khi ca khúc “Khúc thụy du” ra đời dạng casette với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy một câu thơ nào nói cụ thể về chiến tranh, chết chóc... Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt”.
Một trong những câu thơ liên quan tới tình yêu được nhạc sĩ Anh Bằng sử dụng để viết nên nhạc phẩm “Khúc thụy du” chính là hình ảnh ẩn dụ: “Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm”. Có lẽ, đây được xem như hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất, ám ảnh nhất cả trong tác phẩm thơ lẫn nhạc phẩm. Sự chênh vênh, vô định của “vũng nước cuộc đời” đã vô tình đưa đẩy loài chim bói cá rực rỡ sắc màu phải dùng đôi chân nhỏ bé gồng mình bám trụ trên những chiếc cọc nhọn khô cứng, hàng giờ giương cặp mắt tinh nhanh soi vào tận lòng nước để tìm cho được con mồi. Loài chim bói cá ấy cũng như “tôi” và tất cả loài người chúng ta, mải mê kiếm tìm, gắng sức bon chen trong “vũng nước cuộc đời” để tìm lại giá trị chân thật, bản ngã mà chính mình sau nhiều lần va đập, vấp ngã đã vô tình “đánh mất”. Một lần nữa, câu hát “Thụy ơi và tình ơi” lại vang lên tha thiết, khiến cho nỗi buồn vốn đã hằn sâu càng thêm khắc khoải.
Bởi mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng cố chấp, chăm chăm nhìn “vũng nước cuộc đời” theo cách riêng của mình nên hàng trăm lí do và hàng ngàn câu hỏi về nhau cứ theo đó mà chất chứa. Nhiều khi, những câu hỏi tưởng chừng ngây ngô, vô thưởng vô phạt nhưng chẳng ai đủ bao dung, đủ sâu sắc để trả lời tất cả, nhất lại là khi phải đối diện với tình yêu: “Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau?/ Vì sao môi anh nóng?/ Vì sao tay anh lạnh?/ Vì sao thân anh run?/ Vì sao chân không vững?/ Vì sao và vì sao?”. Đoạn câu hỏi này còn tiếp tục trở lại trong những câu hát về sau, chứng tỏ sự day dứt không yên của nhân vật “anh” khi không thể cho nhân vật “em” câu trả lời thỏa đáng nhất. Để rồi, chính những câu hỏi chất chứa, dồn nén bấy lâu không có lời giải đáp ấy là một phần nguyên nhân khép lại chuyện tình buồn: “Hãy nói về cuộc đời/ Tình yêu như lưỡi dao/ Tình yêu như mũi nhọn/ Êm ái và ngọt ngào/ Cắt đứt cuộc tình đầu/ Thụy bây giờ về đâu?”. “Thụy bây giờ về đâu?” vừa là câu kết nhưng đồng thời lại cũng mở ra những chiêm nghiệm, so sánh, liên tưởng mới về cuộc tình đã qua: “Thụy bây giờ về đâu?/ Anh là chim bói cá/ Em là bóng trăng ngà/ Chỉ cách một mặt hồ/ Mà muôn trùng chia xa”. Tất cả sự vật hiện diện trong những câu hát này, kể cả anh và em đều chỉ như ảo ảnh mơ hồ, hữu hạn, dễ bị tổn thương. Có thể mãi về sau, những khoảnh khắc đẹp đẽ, hạnh phúc trong giấc mộng tình yêu sẽ khắc sâu vào tâm trí của anh và em tựa như cái cách mà mặt hồ ôm ấp, nâng niu bóng trăng vàng dịu ngọt. Nhưng chẳng bao giờ anh và em được trọn vẹn có nhau. Trăng mọc rồi lại lặn, mặt hồ khi thì êm ả soi bóng trăng khi thì gợn sóng xô bóng trăng tan. Ý thức được sự chia xa ấy là vĩnh viễn nên câu hỏi: “Thụy bây giờ về đâu?/ Bây giờ về đâu?” cứ thế trở đi trở lại trong dằn vặt và nhức nhối đau.
Tuy chỉ giữ lại một vài câu thơ trong nguyên tác “Khúc thụy du” nhưng nhạc phẩm của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn cho người nghe cảm nhận được một cách sâu sắc hồn thơ Du Tử Lê hiện hữu. Sự đồng cảm, thăng hoa trong cảm xúc giữa người làm thơ và người sáng tác nhạc vốn là những rung động vô hình mà kết nối bền chặt, tương thông chẳng dễ để chúng ta có thể cắt nghĩa cho rõ ràng. Duy có một điều không thể phủ nhận được, rất nhiều tác phẩm thơ do nhà thơ Du Tử Lê sáng tác đã gần như trọn vẹn hình hài, cảm xúc của một khúc ca – khúc ca về cuộc đời, nỗi lòng người viết. Và có lẽ, đó chính là lý do để tác phẩm “Khúc thụy du” từ khi là một bài thơ ghi lại sự thật trần trụi, tàn khốc của chiến tranh cùng những trăn trở, hoài nghi, đau thương và khát vọng về hòa bình, hạnh phúc trong nỗi lòng người thi sĩ đến nhạc phẩm buồn về tình yêu đôi lứa đều được công chúng đón nhận một cách nồng hậu, tạo nên sức sống bền bỉ cùng năm tháng.