Khúc tráng thơ lãng mạn

Nhắc đến nhà thơ Hữu Loan (1916-2010), bạn yêu thơ đều nhớ đến tác phẩm 'Màu tím hoa sim' từng rung động bao lứa đôi trai gái đang yêu. Thơ nổi tiếng và bản nhạc cũng từng nổi tiếng. Riêng tôi còn nhớ thêm một bài thơ khác của Hữu Loan là bài 'Đèo Cả'.

Tập thơ "Màu tím hoa sim" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1990.

Tập thơ "Màu tím hoa sim" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1990.

Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia phục vụ trong quân đội, phụ trách Báo Chiến sĩ của Sư đoàn 304 ở Liên khu IV. Năm 1946, ông có mặt ở miền Trung. Quang cảnh hùng vĩ của Đèo Cả hiện lên trong thơ ông:"Đèo Cả/ Đèo Cả/ Núi cao ngất/ Mây trời ai lao/ Sầu đại dương/ Dặm về heo hút/ Đá bia mùi sương/ Bên quán "Hồng quân"/ Người, ngựa mỏi"...

Ở đây có chất ngang tàng, hùng tráng, thơ của tâm hồn trẻ trung, đầy khí khái, mơ mộng mà tràn đầy nhiệt tình cách mạng: "Nhớ lần thăm Đèo Cả/ Hậu phương từ rất xa/ Ăn với nhau bữa/ heo rừng/ công thui/ chấm muối/ trên sạp cây rừng/ ngủ chung/ nửa tối/ Biệt nhau/ đèo heo/ cánh gà/ Râu ngược/ chào nhau/ bên dốc núi".

Chuyến đi Đèo Cả năm ấy là lúc Nam Bộ đã kháng chiến. Giặc Pháp rập rình ở bên kia Khánh Hòa. Mà Đèo Cả thì Vệ quốc quân và dân quân phải trấn giữ, hoang vu lắm, sốt rét đến kinh khủng. Bởi thế, sự sâu sắc đã có từ trong máu thịt thì lời thơ sẽ có những khoảnh khắc hiện ra: "Giặc từ Vũng Rô/ bắn tới/ Giặc từ trong/ tràn ra/ Nhưng Đèo Cả/ vẫn vững vàng/ Đèo Cả Nam/ máu giặc/ mấy lần/ nắng khô".

Nhưng tất cả những gập ghềnh, gian nan đó đã được dồn cho khí thế mới của những phút sảng khoái từ niềm vui chiến thắng: "Sau mỗi lần thắng/ Những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu/ suối mang bóng người/ soi/ những/ về đâu?".

Thơ của nhà thơ Hữu Loan để lại cho hậu thế không nhiều, nhưng có phong cách riêng (thường là thể thơ bậc thang). Một số bài được lưu truyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp như "Màu tím hoa sim", "Những làng đi qua", "Hoa lúa", "Quách Xuân Kỳ"... trong đó "Đèo Cả" là bài thơ đầu tay nổi tiếng của ông được viết vào năm 1946.

Là người yêu thơ Hữu Loan, tôi may mắn còn lưu giữ được tập thơ "Màu tím hoa sim", là tập thơ duy nhất của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1990. Tập thơ chỉ vỏn vẹn 10 bài, được Hữu Loan sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1957 nhưng cũng đủ làm nên tên tuổi của một trong những nhà thơ tiên phong xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với các bài thơ: "Tình sông núi", "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh, "Tây Tiến" của Quang Dũng thì "Đèo Cả" của Hữu Loan làm hoàn chỉnh bức tứ bình, khúc tráng thơ lãng mạn của thời kỳ đầu kháng chiến (1945-1954).

LÊ AN KHÁNH (Theo qdnd.vn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khuc-trang-tho-lang-man/d20220503182817579.htm