Khủng bố IS gieo rắc kinh hoàng, chiếm giữ một nửa lãnh thổ của hai quốc gia như thế nào?

Tận dụng sự hỗn loạn của nội chiến Syria và sự yếu kém của quân đội Iraq, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bành trướng mạnh mẽ. Trong vài năm, nhóm cực đoan này đã kiểm soát gần một nửa lãnh thổ hai quốc gia, trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu.

Thành viên IS ở Syria năm 2014. Ảnh: Reuters

Tháng 12/2024, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất ngờ bị liên minh các lực lượng đối lập lật đổ. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lớn trên chính trường Syria, đồng thời gợi nhớ những năm tháng nội chiến liên miên dưới thời ông Assad. Một trong những giai đoạn gây bàng hoàng nhất là cuộc chiến với IS, tổ chức khủng bố từng khai thác sự hỗn loạn để kiểm soát gần nửa lãnh thổ Syria và Iraq trong thời gian ngắn. Bằng cách nào một nhóm vũ trang cực đoan có thể làm được điều đó? Iraq, Syria, Anh, Mỹ và liên quân đối phó với IS ra sao? Mời độc giả cùng đi tìm câu trả lời trong loạt bài này.

Cuối tháng 7/2014, IS thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào làng Milibiyya, cách thành phố Hasakah (Syria) khoảng 10km về phía đông nam.

Đối mặt với 400-500 binh sĩ từ Sư đoàn 17 của chính phủ Syria và lực lượng dân quân Quốc phòng (NDF), IS chỉ huy động 123 thành viên, bao gồm 121 tay súng, một kẻ đánh bom tự sát, và một quay phim để ghi lại chiến dịch. Mục tiêu của nhóm cực đoan này là kho vũ khí hạng nặng tại làng, bao gồm cả tên lửa GRAD và khoảng 60 khẩu pháo hạng nặng. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3h sáng đến 11h cùng ngày.

Theo trang Combating Terrorism Center, IS áp dụng chiến thuật bao vây 3 phía: nam, tây và bắc. Đồng thời, IS để lại lối thoát duy nhất ở hướng đông mà không bố trí quân mai phục. Dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh đến từ khu vực Kavkaz, đứng đầu là Abu Umar al-Shishani người Gruzia, các tay súng IS được phân công nhiệm vụ rõ ràng: Abu Hala chỉ huy pháo binh hạng nặng từ phía tây, trong khi Abu Mujahid dẫn đầu đội bắn tỉa ở phía bắc, mai phục tại khu vực "nhà máy bông" địa phương. Abu Shishani dẫn đầu một nhóm tay súng thánh chiến tấn công từ phía nam.

Khi bị áp đảo từ 3 phía, lực lượng chính phủ Syria buộc phải rút chạy qua lối thoát duy nhất ở phía đông. Tuy nhiên, IS đã đặt sẵn một xe bom tại đây, kích nổ và gây tổn thất lớn, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của lực lượng chính phủ trong trận này.

Cuộc tấn công không chỉ phơi bày điểm yếu trong phòng thủ của lực lượng chính phủ Syria mà còn thể hiện mức độ nguy hiểm và đầy tính toán của IS trên chiến trường. Trong quá trình trỗi dậy và bành trướng ở Syria và Iraq, IS có 3 trận đánh đáng chú ý.

Fallujah 2014: “Ngòi nổ” của bóng đen khủng bố

Các tay súng thánh chiến IS ăn mừng trên một chiếc xe quân sự Iraq chiếm giữ được ở thành phố Fallujah vào tháng 3/2014. Ảnh: Reuters

Cuối năm 2013, Fallujah – thành phố chiến lược ở miền tây Iraq – bị cuốn vào vòng xoáy chết chóc. Đây là địa điểm đánh dấu bước đi đầu tiên trong tham vọng trỗi dậy và bành trướng của IS.

Theo Reuters, căng thẳng xảy ra khi cảnh sát Iraq giải tán một trại biểu tình của người Hồi giáo dòng Sunni và gây thương vong. Hành động này đã châm ngòi một thùng thuốc nổ đang chờ bùng phát.

Tận dụng mâu thuẫn đó, IS tổ chức tấn công vào thành phố Fallujah. Từng đoàn xe trang bị súng máy lao tới các chốt kiểm soát của quân đội và cảnh sát, mở ra cuộc tấn công mà ít ai ngờ tới.

Chỉ trong vài ngày, Fallujah trở thành chiến trường đầy hỗn loạn. Ngày 2/1/2014, IS tiến sâu vào thành phố cùng với thị trấn Ramadi gần đó. Những video từ hiện trường cho thấy sự kháng cự yếu ớt của lực lượng cảnh sát và quân đội Iraq.

Các trụ sở cảnh sát bị san phẳng, vũ khí và đạn dược rơi vào tay IS, trong khi hàng trăm tù nhân được thả ra. Thành phố rơi vào trạng thái hỗn loạn, và cờ IS sau đó được giương khắp các tòa nhà ở Fallujah.

Đến ngày 4/1, Fallujah hoàn toàn thất thủ, đánh dấu bước ngoặt lớn. Đây không chỉ là một chiến thắng của IS, mà còn là biểu tượng cho sự sụp đổ của quyền lực nhà nước tại Iraq.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki khi đó tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả các thành viên nhóm khủng bố nhưng thực tế, những người Hồi giáo Sunni (chiếm đa số ở thành phố Fallujah) không hợp tác với quân đội.

Theo Radio Free Europe, quân đội Iraq pháo kích dữ dội từ xa, nhưng không thể làm lung lay các vị trí của IS. Các nỗ lực đó gây ra thương vong cho dân thường và biến phần lớn thành phố trở thành đống đổ nát. Khi thấy không hiệu quả, quân đội Iraq đã rút lui.

Mosul thất thủ: Cuộc chiến trong bóng tối

Hình ảnh "đao phủ" của IS từng là nỗi ám ảnh với nhiều người. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 5/2014, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ 7 thành viên của IS tại Mosul (thành phố ở phía bắc Iraq, thủ phủ tỉnh Nineveh) và phát hiện tổ chức cực đoan này đang lên kế hoạch tấn công Mosul vào đầu tháng 6. Là chỉ huy tác chiến ở tỉnh Nineveh, Trung tướng Mahdi Gharawi khi đó yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki gửi thêm quân tiếp viện.

Với tình trạng quân đội Iraq bị quá tải, các sĩ quan cấp cao bác bỏ yêu cầu này. Một số nhà ngoại giao tại Baghdad cũng chia sẻ thông tin tình báo về khả năng xảy ra tấn công ở Mosul, nhưng họ nhận được phản hồi rằng Lực lượng Đặc nhiệm Iraq đã có mặt tại thành phố và có thể xử lý mọi tình huống.

Ngày 4/6, lực lượng an ninh dưới quyền ông Gharawi tại Mosul đã truy đuổi và dồn ép một thủ lĩnh quân sự của IS. Kẻ này tự sát bằng thuốc nổ thay vì đầu hàng. Trung tướng Gharawi hy vọng, cái chết này có thể ngăn chặn được cuộc tấn công của IS. Nhưng ông đã nhầm.

Trước bình minh ngày 6/6/2014, các tay súng IS tiến hành một cuộc tấn công đầy liều lĩnh vào Mosul. Ban đầu, IS chỉ đặt mục tiêu chiếm giữ một khu phố trong vài giờ, nhưng sự yếu kém bất ngờ của lực lượng phòng thủ Iraq đã mở ra một cơ hội lớn hơn nhiều.

Hàng trăm tay súng IS xâm nhập thành phố, và trong những ngày sau đó, con số này tăng lên hơn 2.000, với sự hỗ trợ từ các gián điệp nằm vùng trong thành phố và sự ủng hộ của nhiều người Hồi giáo Sunni bất mãn.

Theo Reuters, Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đáng lẽ phải được bảo vệ bởi 25.000 lính và cảnh sát. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 10.000 người.

Tuyến phòng thủ đầu tiên, Lữ đoàn 6 thuộc Sư đoàn 3 Quân đội Iraq, chỉ có 500 binh sĩ thực sự sẵn sàng chiến đấu. Lữ đoàn này gần như không có xe tăng hay pháo binh do các đơn vị trọng yếu đã được điều đến tỉnh Anbar, nơi chiến sự diễn ra ác liệt.

Thêm vào đó, hiện tượng "binh sĩ ma" – những người nhận lương nhưng không tham gia quân ngũ – đã làm suy yếu lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq.

IS nhanh chóng chiếm lĩnh các phương tiện quân sự và vũ khí, đồng thời áp dụng các chiến thuật bạo lực để phá hoại tinh thần quân đội. Nhiều bài viết cho thấy IS treo cổ binh sĩ, thiêu sống họ ngay trên mui xe Humvee, và xử tử công khai để gieo rắc sợ hãi.

Ngày 8/6/2014, các tay súng IS tăng cường tấn công vào Mosul. Hơn 100 phương tiện chở ít nhất 400 tay súng từ Syria vượt biên vào Mosul. Các khu phố nhanh chóng rơi vào tay IS khi các gián điệp trong thành phố được lệnh hoạt động và có sự hỗ trợ của người Hồi giáo Sunni. Các khu vực chiến lược như Khách sạn Mosul bị chiếm đóng và sử dụng làm cứ điểm.

Tại phía tây Mosul, Đại tá Dhiyab Ahmed al-Assi al-Obeidi và 40 người lính còn lại của tiểu đoàn số 4 chiến đấu trong vô vọng. Một vụ đánh bom liều chết bằng xe bồn đã xóa sổ tuyến phòng thủ cuối cùng. Lửa và mảnh bom bắn tung tóe khắp nơi, biến cả khu vực thành đống tro tàn. "Âm thanh vụ nổ chấn động cả Mosul", ông Obeidi, người bị thương nặng ở chân sau vụ nổ, nói.

Trong khi đó, các chỉ huy quân đội Iraq như Aboud Qanbar và Ali Ghaidan, rút lui về phía đông sông Tigris, mang theo lực lượng phòng vệ của họ và bỏ mặc thành phố Mosul.

Theo Reuters, hành động này gây ra làn sóng tháo chạy hàng loạt trong hàng ngũ binh sĩ Iraq. Tướng Mahdi Gharawi, bị bao vây trong một căn cứ ở phía tây, cố gắng liên lạc nhưng không nhận được chỉ thị rõ ràng. Khi quyết định phá vây để tìm đến nơi an toàn ở phía đông Mosul, ông Gharawi và nhóm lính đi cùng phải hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội. Ba binh sĩ trong nhóm đi cùng ông bị bắn chết. Chỉ có ông Gharawi và một vài binh sĩ sống sót đi về phía đông Mosul.

Việc Mosul thất thủ năm 2014 không chỉ phơi bày sự yếu kém của quân đội Iraq mà còn cho thấy những chia rẽ chính trị và sai lầm trong kiểm soát chiến sự.

Trận Raqqa (2014): Điểm yếu chí mạng

IS phô trương lực lượng trên đường phố ở thành phố Raqqa, tỉnh Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters

Theo The Washington Institute, IS thường khai thác triệt để những điểm yếu của đối thủ. Tại tỉnh Raqqa (Syria), vị trí của lực lượng chính phủ Syria luôn trong tình trạng dễ tổn thương từ trước cả khi IS phát động các cuộc tấn công lớn.

Ba vị trí trọng yếu của chính quyền trong tỉnh gồm trụ sở Sư đoàn 17 gần thành phố Raqqa (tỉnh Raqqa), căn cứ Lữ đoàn 93 tại thị trấn Ayn Essa, và sân bay quân sự Al-Tabqa. Tất cả đều nằm rời rạc, cách xa nhau, và gần như bị cô lập, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không. Những địa điểm này từ lâu đã bị các lực lượng nổi dậy khác tấn công lẻ tẻ.

Cuộc tấn công khốc liệt của IS bắt đầu vào tháng 7/2014, nhắm vào trụ sở Sư đoàn 17. Sau nhiều tuần giao tranh dữ dội, IS chiếm được căn cứ này vào ngày 25/7. Tiếp đó, nhóm chuyển hướng tấn công căn cứ Lữ đoàn 93, nơi thất thủ vào ngày 7/8. Cuối cùng, IS tập trung lực lượng để chiếm sân bay quân sự Al-Tabqa, bắt đầu từ ngày 19/8.

Theo The Washington Institute, trận chiến tại Al-Tabqa là một màn trình diễn điển hình cho chiến thuật của IS, kết hợp pháo kích liên tục, tấn công tự sát bằng xe bom và ép lực lượng phòng thủ của chính phủ Syria phải rút lui bằng trực thăng.

Sau bốn đợt tấn công khốc liệt, sân bay này chính thức rơi vào tay IS vào ngày 24/8, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của lực lượng chính phủ tại tỉnh Raqqa. IS sau đó chọn Raqqa là "thủ phủ" của tổ chức khủng bố này.

Trong suốt chiến dịch, chính quyền Syria chỉ thực hiện một số động thái hạn chế, như tiếp tế qua đường không và thực hiện các cuộc không kích hỗ trợ. Các lực lượng địa phương cũng cố gắng phối hợp để ứng cứu lẫn nhau, nhưng kết quả không đáng kể. Chỉ trong vòng 2 tháng, IS đã triệt hạ hoàn toàn các vị trí quân sự của chính quyền Syria tại Raqqa, khiến nơi này trở thành một trong những thất bại nặng nề nhất của chính phủ Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu.

Sau khi chiếm được Fallujah, Mosul và Raqqa, IS nhanh chóng củng cố quyền kiểm soát bằng cách thiết lập hệ thống cai trị theo luật Sharia hà khắc, khai thác tài nguyên như dầu mỏ để tài trợ cho hoạt động, và thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm tuyển mộ chiến binh quốc tế.

IS cũng áp đặt bạo lực cực đoan, bao gồm hành quyết công khai và khủng bố, để tạo nỗi sợ hãi và trấn áp dân cư. Đồng thời, nhóm cực đoan này cũng mở rộng lãnh thổ dọc biên giới Syria-Iraq, kiểm soát các điểm chiến lược, duy trì nguồn lực và bảo vệ vị trí của mình trước các lực lượng đối địch.

Theo RAND Corporation, ở thời kỳ đỉnh cao vào cuối năm 2014, IS đã nắm giữ hơn 100.000 km2 lãnh thổ với dân số gần 12 triệu người, chủ yếu ở Iraq và Syria.

Vì sao IS kiểm soát gần nửa lãnh thổ Syria và Iraq trong thời gian ngắn?

Theo giới chuyên gia, có 3 lý do trả lời cho câu hỏi trên.

Thứ nhất, IS biết lợi dụng truyền thông khi sử dụng các video hành quyết để vừa gieo rắc nỗi sợ vừa thu hút hàng nghìn thành viên trên thế giới.

Thứ hai là nguồn lực tài chính dồi dào. Một bài viết từ Financial Times năm 2015 cho biết IS thu lợi hàng triệu USD mỗi ngày từ buôn lậu dầu mỏ, tống tiền và chiếm đoạt ngân hàng.

Thứ 3 là chiến thuật quân sự. Với sự kết hợp giữa các chiến thuật du kích và mô hình như quân đội chính quy, IS dễ dàng áp đảo lực lượng quân đội địa phương vốn bị chia rẽ và trang bị kém, thiếu tinh thần chiến đấu.

----------------------------

Đằng sau những thành phố đổ nát và những trận thắng trước IS ở Syria và Iraq là những câu chuyện ít người biết. Mosul, Raqqa, Deir ez-Zor – cái giá thực sự của từng tấc đất được giành lại từ IS là gì? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ tới, đăng sáng 18/12.

Nguyễn Thái - (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khung-bo-is-gieo-rac-kinh-hoang-chiem-giu-mot-nua-lanh-tho-iraq-va-syria-nhu-the-nao-204241712050006556.htm