Khủng bố IS và al-Qaeda sử dụng AI để tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan

Các nhóm như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda đang kêu gọi các tín đồ sử dụng công cụ AI để truyền bá thông điệp cực đoan, tuyển mộ thêm người và tránh kiểm duyệt.

Sự gia tăng của những kẻ cực đoan sử dụng AI

Trong năm qua, các nhà quan sát từ nhiều tổ chức giám sát cực đoan đã báo cáo về cách IS và các nhóm cực đoan khác khuyến khích người theo dõi sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới.

Vào tháng 2, một nhóm liên kết với al-Qaeda đã thông báo sẽ bắt đầu tổ chức các hội thảo AI trực tuyến. Sau đó, nhóm này đã phát hành một hướng dẫn về cách sử dụng chatbot AI.

Tháng 3, sau khi một nhánh của IS thực hiện vụ tấn công khủng bố tại nhà hát ở Moscow khiến hơn 135 người thiệt mạng, một trong những tín đồ của nhóm này đã tạo ra một bản tin giả về sự kiện và đăng tải nó 4 ngày sau vụ tấn công.

Đầu tháng này, các sĩ quan từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã bắt giữ 9 thanh niên vì chia sẻ tài liệu tuyên truyền ca ngợi nhóm IS. Trong đó, một đối tượng được mô tả là tập trung vào "nội dung đa phương tiện cực đoan, sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa chuyên dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo".

Moustafa Ayad, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á tại Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) có trụ sở tại London, nơi điều tra chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, cho biết: "Cả al-Qaeda và IS đều đang sử dụng AI như một công cụ bổ sung cho hoạt động tuyên truyền chính thức".

Ông nói thêm rằng cách hiển thị của những nội dung tuyên truyền này có thể không được những người kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến phát hiện.

 Các nhóm cực đoan đang tăng cường khai thác các công nghệ mới nổi cho mục đích xấu. Ảnh: Tim Goode

Các nhóm cực đoan đang tăng cường khai thác các công nghệ mới nổi cho mục đích xấu. Ảnh: Tim Goode

Những kẻ cực đoan thuộc nhóm áp dụng sớm công nghệ AI

Khi nhóm IS cực đoan lần đầu nổi lên vào khoảng năm 2014, họ đã thực hiện các video tuyên truyền với giá trị sản xuất khá cao để đe dọa kẻ thù và tuyển mộ những người theo dõi trở thành thành viên của nhóm.

Ayad lưu ý: "Các nhóm khủng bố và những người ủng hộ chúng tiếp tục là những người áp dụng công nghệ sớm để phục vụ cho lợi ích của chúng".

Các nhóm giám sát đã liệt kê nhiều cách sử dụng AI khác nhau của các nhóm cực đoan. Bên cạnh tuyên truyền, họ cũng có thể sử dụng chatbot từ các mô hình ngôn ngữ lớn, như ChatGPT, để trò chuyện với những tân binh tiềm năng.

Ngoài ra, người ta còn lo ngại rằng những kẻ cực đoan có thể sử dụng các công cụ AI để thực hiện các cuộc tấn công kỹ thuật số hoặc trên mạng hoặc giúp chúng lên kế hoạch tấn công khủng bố ngoài đời thực.

Ayad của ISD cho biết: "Tôi không biết liệu ở giai đoạn này, việc các tổ chức khủng bố nước ngoài và những người ủng hộ chúng sử dụng AI có nguy hiểm hơn những chiến dịch tuyên truyền liên quan đến việc giết hại dân thường một cách bừa bãi và tấn công vào lực lượng an ninh hay không".

"Ngay bây giờ, mối đe dọa lớn hơn là những nhóm này thực sự tiến hành các cuộc tấn công, tuyên truyền hoặc tuyển mộ thành viên mới trong bối cảnh địa chính trị, cụ thể là cuộc chiến ở Gaza", ông tiếp tục. "Họ đang sử dụng cái chết của thường dân và hành động của Israel như một công cụ để tuyển mộ và xây dựng các chiến dịch".

Ngọc Ánh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-bo-is-va-al-qaeda-su-dung-ai-de-tuyen-truyen-chu-nghia-cuc-doan-post303035.html