Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 31/7
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 31/7/2024.
Giao tranh ác liệt gần Pokrovsk, Nga quyết phá tuyến đường tiếp tế của Ukraine: Ukraine ngày 29/7 cho biết, quân đội Nga đang tiến hành những cuộc tấn công dữ dội nhất gần thành phố chiến lược Pokrovsk ở phía Đông của nước này nhằm phá vỡ tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine.
Trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, tại mặt trận Pokrovsk đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất so với các nơi khác trên toàn khu vực miền Đông. Ukraine đã đẩy lùi 52 cuộc tấn công của Nga trong 24 giờ qua.
Nga điều số quân lớn chưa từng thấy, đánh bật Ukraine khỏi 2 làng ở Donetsk: Các lực lượng của Nga đã kiểm soát 2 ngôi làng trên tiền tuyến ở khu vực Donetsk - một trung sĩ quân đội Ukraine thông báo ngày 29/7 sau khi các cuộc tấn công dồn dập của Moscow áp đảo các phòng tuyến của Kiev.
"Họ tấn công không ngừng" để giành được Vovche và Prohres”, Oleh Chaus - Trung sĩ trưởng Lữ đoàn Cơ giới 47 của Ukraine nói.
"Họ đã điều động số lượng lớn binh lính mà trước đây chưa từng được sử dụng".
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định trong những ngày gần đây rằng quân đội nước này đã kiểm soát được một số ngôi làng nhưng Bộ Tổng tham mưu Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức.
Xuất hiện UAV sát thủ mới của Nga tại vùng chiến sự: Nga được cho là đang triển khai một loại máy bay không người lái mới tại Ukraine. Đây là loại máy bay tầm xa đa chức năng có thể thực hiện cả nhiệm vụ tấn công và giám sát.
Máy bay không người lái này được biết đến với tên gọi Gerbera do Nga sản xuất. Đây được coi là sự bổ sung cho máy bay không người lái tấn công một chiều tầm xa Geran mà Nga đang sử dụng rộng rãi. Ukraine đã công bố hình ảnh bắn hạ UAV mới của Nga tại khu vực Kiev vào ngày 24/7. Theo trang web Ukraine Defense Express, chiếc máy bay này không mang theo đầu đạn, cho thấy nó có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ tấn công.
Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới 200 triệu USD cho Ukraine: Mặc dù gặp một số trở ngại nội bộ, Mỹ vẫn xoay sở được để tiếp tục rót viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc đối đầu vũ trang với Nga.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hôm 29/7 công bố, quân đội nước này sẽ mau chóng viện trợ cho Ukraine hệ thống phòng không và các vũ khí khác có tổng giá trị lên tới 200 triệu USD. Họ cũng đã cam kết viện trợ dài hạn 1,5 tỷ USD cho quân đội Ukraine.
Ukraine và phương Tây nhận ra thực tế nghiệt ngã trong cuộc xung đột với Nga: Ukraine và các nước phương Tây hiểu rõ, Kiev sẽ không thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc xung đột với Nga bằng sức mạnh quân sự song không tuyên bố công khai về điều này, nhà bình luận Gideon Rachman của Financial Times nhận định.
Theo nhà bình luận này, cả Ukraine và phương Tây đều hiểu rõ các lực lượng của Kiev không thể giành lại tất cả lãnh thổ, nhưng không thừa nhận công khai. Ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình đã nhận được sự ủng hộ nhất định ở Ukraine mặc dù đây vẫn không phải lập trường chiếm đa số.
Bệ phóng M270 Ukraine trúng tên lửa Iskander của Nga: Hình ảnh do máy bay không người lái ghi lại cho thấy bệ phóng MLRS M270A1 do Mỹ cung cấp cho Ukraine trúng tên lửa Iskander của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/7 công bố đoạn video cho thấy một bệ phóng MLRS М270А1 do Mỹ cung cấp cho Ukraine bị phá hủy trong cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo của Nga.
UAV trinh sát của Nga phát hiện vị trí bệ phóng М270А1 gần làng Novotroitskoye ở vùng Kherson.
Thủ tướng Slovakia dọa ngừng cung cấp nhiên liệu diesel cho Ukraine: Thủ tướng Slovakia Robert Fico trong cuộc gặp với đại sứ Ukraine tại Slovakia, Myroslav Kastran đã đe dọa sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu diesel cho Ukraine nếu Kiev không nối lại hoạt động vận chuyển dầu của công ty Lukoil Nga.
Thủ tướng Slovakia Fico tuyên bố ông đã thảo luận vấn đề xuất khẩu Lukoil với Đại sứ Ukraine. Tại cuộc họp, thủ tướng Fico nhấn mạnh nếu việc vận chuyển dầu của Nga qua Ukraine không sớm được nối lại, công ty lọc dầu Slovakia sẽ không nối lại việc cung cấp nhiên liệu diesel cho Ukraine. Theo báo cáo, nguồn nhiên liệu này mới chỉ đáp ứng được một phần mười nhu cầu tiêu thụ hiện tại của Ukraine.
Rạn nứt ngoại giao giữa Ba Lan và Hungary vì quan điểm đối với Nga: Trong bối cảnh Ba Lan và Hungary có nhiều quan điểm khác nhau đối với cuộc xung đột hiện nay và các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Thứ trưởng ngoại giao Ba Lan tuyên bố Hungary nên rời khỏi Liên minh châu Âu nếu chính phủ nước này không hài lòng với cách đối xử từ EU.
Trong một tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan đã khiến cho mối quan hệ giữa Ba Lan và Hungary thêm rạn nứt. Ông cũng bày tỏ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nên tìm kiếm một liên minh chính trị với Nga và các đồng minh sau khi cáo buộc chính phủ ở Budapest thúc đẩy các chính sách "chống châu Âu, chống Ukraine và chống Ba Lan”.