Khủng bố và mạng xã hội

Ít nhất 49 người bị giết, hàng chục người khác bị thương khi một tên khủng bố nổ súng trong giờ cầu nguyện ngày thứ Sáu tại hai nhà thờ Hồi giáo Al Noor và Linwood ở thành phố Christchurch của New Zealand hôm 15-3.

Vụ thảm sát ở New Zealand có một yếu tố mới, làm đau đầu các chính quyền: vai trò của các mạng truyền thông xã hội. Có tờ báo đã giật tít: “Có phải truyền thông xã hội là tòng phạm một cách vô tình?”.

Nghi phạm, một thanh niên da trắng 28 tuổi được cho là theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng (white supremacist), không chỉ truyền hình trực tiếp (livestream) lên các trang mạng Facebook, Twitter cảnh bắn giết man rợ, mà còn sử dụng các mạng xã hội này để quảng bá quan điểm và kế hoạch sát nhân của mình.

Các mạng xã hội đã cố gắng gỡ bỏ nhanh chóng đoạn video livestream của anh ta, tuyên bố lên án hành vi khủng bố nhưng thực tế các đoạn video đẫm máu vẫn tồn tại vài tiếng đồng hồ sau vụ thảm sát.

Trước khi tiến hành thảm sát hôm 15-3, tên sát nhân máu lạnh còn đăng lên mạng Twitter một bản tuyên ngôn dài 74 trang đầy những lời lẽ hận thù và kích động bạo lực.

Chính vì mạng xã hội được hung thủ tận dụng trước và trong cuộc thảm sát mà David Ibsen, Giám đốc điều hành của Dự án Chống chủ nghĩa cực đoan toàn cầu, nhận xét: “Một lần nữa, [tội ác] được gây ra do một kẻ cực đoan được trợ giúp, khuyến khích và thúc đẩy hành động bởi nội dung trên mạng xã hội. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề về tình trạng cực đoan hóa trực tuyến (online radicalization)”.

Ngay sau vụ khủng bố, bà Mia Garlick, phụ trách Facebook New Zealand, ra thông cáo cho biết, “Các tập thể nhân viên Facebook đã làm việc ngày đêm để xử lý các báo cáo, chủ động xác định và ngăn chặn các nội dung vi phạm tiêu chuẩn của Facebook, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật. Chúng tôi đã lưu trữ mọi video tìm thấy được vào cơ sở dữ liệu nội bộ, cho phép chúng tôi phát hiện và xóa bỏ mọi bản sao của chúng khi có người đăng lên lại”.

YouTube (thuộc Google) nói rằng, “những nội dung gây sốc, bạo lực không có chỗ đứng trên mạng của chúng tôi; chúng tôi sử dụng công nghệ và nhân lực để nhanh chóng xem xét và loại bỏ mọi nội dung vi phạm như vậy trên YouTube”. Twitter cũng tuyên bố tương tự.

Song phản ứng kể trên của các mạng xã hội bị dư luận đánh giá chỉ là biện pháp tình thế, “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhiều ý kiến đòi hỏi các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, YouTube có những giải pháp công nghệ và nhân lực để phát hiện và xử lý nhanh những phát ngôn, tuyên bố mang nội dung cực đoan, cổ xúy hận thù... trước khi chúng được đăng tải trên mạng và biến thành hành động khủng bố.

Nói dễ, làm khó. Những mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, YouTube sở dĩ phát triển nhanh như vũ bão một phần nhờ tính chất mở của chúng. Cơ chế “tiền kiểm” của báo chí đã bị thay bằng “hậu kiểm” ở mạng xã hội. Với hàng tỉ người dùng khắp thế giới, mỗi phút mỗi giây tung lên mạng hàng triệu hình ảnh, phát ngôn đủ loại, việc “hậu kiểm” để phát hiện và xóa bỏ những nội dung độc hại, tin giả (fake news) là hết sức khó khăn nếu không nói là bất khả thi.

Các công ty mạng xã hội thường biện minh rằng, họ chỉ là nền tảng chuyển tải nội dung của người dùng, bản thân họ không phải là người tạo ra hoặc kiểm duyệt nội dung như một cơ quan báo chí, song từ năm ngoái, công luận và chính quyền nhiều nước đều lên tiếng đòi hỏi các mạng xã hội phải thể hiện trách nhiệm.

Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) đã giúp làm giảm gánh nặng của mạng xã hội. Trong quí 4-2018, khoảng 70% số video-clip bị xóa khỏi trang YouTube là do hệ thống AI phát hiện nội dung xấu, trong đó nhiều clip mới chỉ có khoảng 10 lượt xem. Giám đốc kỹ thuật của Facebook thì tự hào rằng hệ thống AI của mạng này thông minh đến mức có thể phân biệt hình ảnh cải bó xôi với cần sa với độ chính xác lên tới 90%.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc vận dụng AI vào việc soát xét và loại bỏ các nội dung độc hại trên mạng xã hội mới chỉ là bước đầu và còn phải đi một quãng đường rất xa nữa. “Mặc dù Mark Zuckerberg cam kết AI sẽ cứu chúng ta, những hệ thống này vẫn chưa đủ tốt để xử lý một khối lượng vô cùng lớn những nội dung đăng lên mạng xã hội từng ngày, từng giờ”, theo Giáo sư Hany Farid, chuyên gia về điều tra kỹ thuật số ở Đại học UC Berkeley, Mỹ.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286455/khung-bo-va-mang-xa-hoi-.html