Khủng hoảng an ninh biên giới liên Triều: Vượt DMZ như chốn không người
Các vụ vượt biên thành công gần đây của người đào tẩu Triều Tiên làm dấy lên lo ngại về bất cập trong các biện pháp an ninh ở Hàn Quốc ở khu vực biên giới.
Rõ ràng, những lỗ hổng này dễ dàng bị phát hiện, nhưng người Hàn Quốc vẫn luôn lơ là.
Đi lại giữa DMZ như chốn không người
Một buổi sáng cách đây 9 năm tại một chốt gác ở biên giới, lính biên phòng Hàn Quốc bất ngờ nghe thấy tiếng gõ cửa kỳ lạ. Họ lập tức chạy ra ngoài và kinh ngạc khi phát hiện người gõ cửa là một công dân Triều Tiên.
Người này sau đó được xác định là một binh sỹ 22 tuổi. Anh ta trèo qua hàng rào dây thép gai ở phía bắc của Khu Phi quân sự (DMZ) vào lúc 8 giờ tối. Người lính cao 1m60 và nặng 50 kg vượt qua hàng rào biên giới của Hàn Quốc trong hai giờ sau đó mà không hề bị phát hiện.
Hai ngày sau khi xảy ra vụ việc, đội điều tra đặc biệt của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc thừa nhận các binh sỹ làm nhiệm vụ khi đó không hề biết tới sự xuất hiện của người đào tẩu cho tới khi anh ta gõ cửa.
Kết luận này khiến dư luận Hàn Quốc giận dữ và chỉ trích gay gắt giới chức quân sự.
Nhiều người thắc mắc quân đội đang làm gì khi một người đào tẩu Triều Tiên đi lại như chốn không người tại khu vực được vũ khí hóa bậc nhất thế giới.
Theo gót hàng loạt các vụ đào tẩu khác trong năm đó, vụ việc làm bộc lộ tình trạng quản lý biên giới lỏng lẻo của quân đội Hàn Quốc ở biên giới với Triều Tiên.
Trước sức ép gay gắt từ dư luận, giới chức quân sự Hàn Quốc cam kết sẽ sát sao mọi động thái trên biên giới với Triều Tiên và tăng cường an ninh ở khu vực này.
Thi thoảng vài năm sau đó, một vài sự vụ đào tẩu lại nổi lên. Đơn cử như vụ binh sỹ Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc tháng 6/2015 sau khi băng qua đường biên giới giữa hai nước. Người này bị bắt giữ khi tới gần một chốt lính canh ở đông bắc Hwacheon.
Quân đội Hàn Quốc như trước, đưa ra cam kết siết chặt an ninh. Nhưng một số người đào tẩu vẫn dễ dàng xuyên thủng hàng phòng thủ của Hàn Quốc ở khu vực được cho là biên giới kiên cố nhất thế giới.
Nay lỏng bu lông, mai quên kiểm tra cống
Tháng 7/2020, một tướng Thủy quân lục chiến hai sao của Hàn Quốc bị sa thải sau khi để lọt một người vượt biên sang Triều Tiên.
Người vượt biên được xác định là nam thanh niên 24 tuổi, họ Kim, từng đào tẩu sang Hàn Quốc cách đây ba năm và sống tại Gimpo, tỉnh Gyeonggi.
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, thiết bị giám sát quân sự ghi lại được hình ảnh Kim 7 lần (5 lần qua camera giám sát, 2 lần qua thiết bị cảm ứng nhiệt) trên đường vượt biên, song lực lượng phụ trách khu vực biên giới lại không nhận ra anh ta tìm cách trốn sang Triều Tiên.
Kim bơi qua biên giới từ đảo Gwanghwa ở Incheon, Hàn Quốc, qua đường ống cống dưới hàng rào dây thép gai để tránh giám sát của lính biên phòng Hàn Quốc. Kim bắt đầu bơi lúc 2h46 sáng ngày 18/7 và đến lãnh thổ lãnh thổ Triều Tiên hơn một tiếng sau.
“Các hàng rào được thiết lập bên trong đường hầm thoát nước ở trong tình trạng tồi tệ, cho phép người vượt biên thoát đi dễ dàng. Chỉ mất khoảng 10 phút để Kim đi qua kênh và đến con sông ngăn cách hai miền Triều Tiên”, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho hay.
Sau vụ việc, giới chức quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ kiểm tra tất cả cống thoát nước ở biên giới, đồng thời tiến hành các cuộc thanh tra đánh giá các đơn vị dọc DMZ để xác định mức độ sẵn sàng.
Nhưng chỉ 7 tháng sau, một người nhái Triều Tiên lại xâm nhập thành công vào Hàn Quốc nhờ bò qua một kênh thoát nước ở biên giới.
"Tôi nghĩ khá nhiều người bị sốc khi nghe về những gì đã xảy ra khi mà các thiết bị ở biên giới không thể hoạt động. Điều này đồng nghĩa có những người dễ dàng vượt qua biên giới bảo vệ người dân Hàn Quốc trước sự khiêu khích từ Triều Tiên", Song Young-chae, thành viên của một tổ chức nhân quyền cho biết.
Bị ru ngủ trong cảm giác an toàn
Trong vụ đào tẩu mới nhất, người nhái Triều Tiên bơi suốt 6 tiếng trên biển vào ban đêm, sau đó lên bờ và đi sâu vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc không hề hay biết vụ việc mặc dù người đàn ông xuất hiện tới 10 lần trên camera giám sát và hệ thống báo động nhiều lần phát tín hiệu.
Video: Người nhái Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc
Ngay cả khi bị các thiết bị an ninh phát hiện, người đàn ông vẫn tiếp tục đi lại trên phần lãnh thổ của Hàn Quốc trong suốt ba giờ.
Anh ta di chuyển dọc theo một con đường dài hơn năm km mà không bị phát giác. Tới khoảng 4h16, lính biên phòng Hàn Quốc mới phát hiện người lạ qua camera. Sau cuộc truy lùng kéo dài 3 giờ, quân đội Hàn Quốc tìm thấy người đàn ông trong tình trạng gà gật vì mệt mỏi. Khẩu trang của anh ta được treo trên cây.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 23/2, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook thừa nhận các hệ thống giám sát trong khu vực gặp trục trặc và đã lỗi thời.
Vụ việc trên diễn ra khoảng ba tháng sau vụ công dân Triều Tiên nhảy qua hàng rào cao hơn ba mét dựng ở biên giới Hàn-Triều để đào tẩu. Người đàn ông khoảng 20 tuổi, có vóc dáng khá nhỏ con, tự nhận mình là một cựu vận động viên thể dục.
Quân đội Hàn Quốc sau đó nói các cảm biến được lắp đặt trên hàng rào từ năm 2015 với nhiệm vụ kích hoạt báo động đã không thể hoạt động do lỏng bu lông.
Vào tháng 5, quân đội Hàn Quốc không thể bắn trả ngay lập tức khi boongke của họ trúng một số phát đạn vô tình bắn ra từ một vị trí của Triều Tiên. Cuộc điều tra xác nhận các vũ khí lớn trong boongke khi đó không hoạt động. Điều này buộc quân đội phải dùng tạm vũ khí nhỏ để bắn trả cảnh cáo.
Theo thống kê, khoảng hơn 1.000 người Triều Tiên vượt biên sang Hàn Quốc mỗi năm. Phần lớn trong số này thường chọn cách đi qua biên giới Trung Quốc và đến một quốc gia thứ ba trước khi tới Hàn Quốc.
Những năm trước đây, rất hiếm người chọn vượt qua biên giới với Hàn Quốc. Bởi Khu phi quân sự dài 250 km và rộng bốn km phân chia hai miền Triều Tiên được vũ trang cẩn mật nhất thế giới với 10.000 vũ khí hạng nặng. Khoảng 4 triệu quả mìn nằm rải rác trong những khu đất hoang trong khi cảm biến lắp khắp nơi.
Nhưng thời gian gần đây, tần suất các vụ đào tẩu qua DMZ trở nên dày hơn bất chấp những lời hứa hẹn tăng cường an ninh biên giới của quan chức quân đội Hàn Quốc. Nhiều người Hàn nói đã mệt mỏi với kiểu chữa cháy tạm thời, hổng đâu vá tạm đó của lực lượng biên phòng.
Trong các phiên điều trần trước Quốc hội, các nghị sỹ cũng thường xuyên mang vấn đề này ra chất vấn. Một chính trị gia bày tỏ lo ngại chính các lính canh sẽ bị đe dọa tính mạng nếu người đào tẩu Triều Tiên nào đó mang theo súng và nã đạn vào họ.
Theo WSJ, quân số giảm do tỷ lệ sinh thấp và thời gian nghĩa vụ ngắn hơn đang gia tăng áp lực lên Hàn Quốc trong việc giám sát an ninh biên giới. Dự kiến tới cuối năm 2022, quân số thường trực của nước này xuống còn 522.000 so với mốc 633.000 hồi năm 2014.
Kim Young Jun, giáo sư ở Đại học Quốc phòng Hàn Quốc thậm chí còn gợi ý chính quyền cân nhắc thuê công ty tư nhân để giám sát biên giới thay quân đội.
Daniel Pinkston, giáo sư quan hệ quốc tế tại của Đại học Troy, người từng phục vụ trong Không quân Mỹ cho rằng các vụ việc phô bày "lỗ hổng" về an ninh biên giới lẽ ra không được phép xảy ra.
"Tôi nghĩ rằng có thể Hàn Quốc đang thiếu chú ý tới các chi tiết nhỏ trong nhận thức về mối đe dọa tới từ Triều Tiên. Có thể họ đang bị ru ngủ trong cảm giác an toàn giả tạo", ông nói.