Khủng hoảng băng vệ sinh ở Thượng Hải
Không kịp mua băng vệ sinh dự trữ trước phong tỏa, Tina đã phải dùng giấy vệ sinh thay thế trong những ngày đèn đỏ.
Với nhiều cô gái ở Thượng Hải (Trung Quốc), thời gian cách ly có thể đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt. Hiện tại, hầu hết họ đều đã trải qua ít nhất một lần có "đèn đỏ" sau hơn một tháng bắt đầu phong tỏa cứng trên địa bàn thành phố.
Theo The Paper, khác với rau củ, đồ ăn, băng vệ sinh không được phân phối như mặt hàng thiết yếu và một nhóm trong khu dân cư thường đặt số đơn không đủ lớn để được giao chung. Không ít phụ nữ tại Thượng Hải đang chật vật tìm kiếm băng vệ sinh.
Thử thách ngày đèn đỏ
Tina sống ở Tùng Giang, một quận ngoại thành Thượng Hải, có kỳ kinh nguyệt vào ngày 9 hàng tháng. Trước đó, cô đã chỉ lo tích trữ thực phẩm cho thời gian phong tỏa mà quên mất "nhu cầu phụ nữ" của mình. Đến khi dọn phòng vào dịp Thanh minh (ngày 5/4), cô mới biết mình chỉ còn 2 miếng băng vệ sinh trong tủ.
"Tôi đã tìm nhiều cách mà không mua được. Sau đó, tôi mới biết là tham gia nhóm mua chung có thể đặt hàng, nhưng hôm đó đã là ngày 7 rồi, cũng không giao kịp. Cuối cùng tôi đành chấp nhận mạo hiểm, cảm giác như quay về thời của mẹ trước kia vậy", cô kể.
Vì chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài khoảng 3-5 ngày, phụ nữ phải sử dụng ít nhất 15 miếng băng vệ sinh, chưa kể loại dùng ban đêm hay thay ra mỗi khi bị tràn.
Đối diện hoàn cảnh đặc biệt, Tina đã dùng giấy vệ sinh gấp thành nhiều lớp thay thế băng vệ sinh. Vì chỉ ở trong nhà, cô hạn chế di chuyển và thay giấy thường xuyên. May mắn, cô đủ giấy vệ sinh trong nhà để dùng.
Tina đã vượt qua thử thách của kỳ kinh nguyệt trong phong tỏa, song nhiều phụ nữ khác không gặp may như vậy. Trên các nhóm trực tuyến, nhiều người cho biết họ đang mắc kẹt trong văn phòng công ty và giấy vệ sinh trở thành "xa xỉ phẩm".
Nhiều người phải "kêu cứu" trên các diễn đàn: "Chúng tôi có 18 phụ nữ đang chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt, cần số băng vệ sinh đủ dùng trong 7 ngày", "Nhiều nữ sinh trường cao đẳng ở Thượng Hải đang cần băng vệ sinh gấp"...
Đặt mua chung, xin quyên góp
Khi ngày càng nhiều phụ nữ cùng bày tỏ nhu cầu của mình trong ngày đèn đỏ, băng vệ sinh dần được xem là nhu yếu phẩm trong các khu dân cư. Ở các cộng đồng dân cư lớn, việc tổ chức mua băng vệ sinh trở thành tiêu chuẩn, hầu hết trưởng nhóm mua chung là phụ nữ, nhưng cũng có cả nam giới.
Xiaomei mới thuê nhà ở khu nhà phía đông bắc Phố Đông. Cô là người ít giao tiếp, thường không quen biết hàng xóm và cũng không có app mua sắm nào trên điện thoại.
Thế nhưng, từ đầu tháng 4 đến nay cô đã tham gia 30 nhóm và nhiều lần mua chung hàng hóa. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ thấy có nhóm mua chung băng vệ sinh.
"Tôi nghĩ mình có thể lập được nhóm này", Xiaomei nói.
Tuy nhiên, để lập được một nhóm mua chung băng vệ sinh không dễ. Theo khảo sát của phóng viên tại hơn 10 cộng đồng, tỷ lệ chấp nhận vào nhóm này là dưới 10%.
Thời gian phong tỏa, các nhóm mua chung rất sôi động. Những nhóm mua gạo, đường, thuốc lá, thậm chí là bào ngư có thể lập ra trong một sớm một chiều, riêng nhóm mua băng vệ sinh chưa được lập từ ngày 7/4.
Trở ngại lớn nhất nằm ở số lượng. Hiện tại quy mô nhóm mua chung phải đạt khoảng 50-100 đơn, nhằm giải tỏa áp lực hậu cần vốn căng thẳng trong những ngày đóng cửa.
Tuy nhiên, khác với rau hay trái cây, đối tượng đặt mua băng vệ sinh thường là nhóm nhỏ, tần suất sử dụng cũng ít hơn nhiều so với tã trẻ em. Các trưởng nhóm mua chung trong khu dân cư cho biết "rất khó tập hợp đủ người".
Dù có 50-60 người, nhu cầu của mỗi người về loại băng vệ sinh sử dụng cũng khác nhau khiến các nhóm phải tranh luận để đặt
Từ đầu tháng 4, khi nhận được phản ánh của nhiều nữ sinh đang cách ly trong các khu ký túc xá trường đại học, cao đẳng, Gao Jiesi đã quyết định liên hệ với nhà trường để đưa hàng trong kho đến tặng.
Tính đến ngày 12/4, công ty đã quyên góp cho 8 trường đại học, cao đẳng hơn 390.000 gói băng vệ sinh, dự kiến giúp đỡ hơn 90.000 lượt nữ sinh. Hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra đến hết phong tỏa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-bang-ve-sinh-o-thuong-hai-post1310503.html