Khủng hoảng chính trị ở Italy

Sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi sụp đổ, Italy tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn mới.

Ông Mario Draghi. Ảnh: WSJ

Ông Mario Draghi. Ảnh: WSJ

Khi đơn từ chức của ông Mario Draghi bị Tổng thống Italy Sergio Mattarella bác bỏ, Chính phủ của ông Draghi đã có cơ hội ở lại nhưng đã quá muộn.

Phong trào 5 Sao đã lập bảng danh sách các yêu cầu để làm điều kiện tiếp tục ở lại liên minh và điều này đã thúc đẩy các lực lượng chính trị khác làm điều tương tự.

Sự chia rẽ và bất đồng ngày càng gia tăng trong liên minh nhiều bên có nguồn gốc từ cách điều hành của ông Draghi liên quan đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng kinh tế.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà cả Tổng thống Mattarella và ông Draghi đều hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để khôi phục mọi thứ nhưng đã là một thất bại. Đến lúc đó, ba đối tác liên minh trong chính phủ do ông Draghi lãnh đạo đã rút lại ủng hộ.

Tổng thống Mattarella buộc phải giải tán Quốc hội và cuộc bầu cử mới được ấn định vào ngày 25/9 tới. Điều đó cho thấy không ai thực sự đáp lại lời kêu gọi đoàn kết của ông Draghi.

"Mọi người đã sẵn sàng xây dựng lại hiệp ước liên minh chưa? Mọi người không cần phải trả lời tôi, nhưng cần phải nói cho tất cả người dân Italy", ông Draghi nói trước Quốc hội, kêu gọi các lực lượng chính trị thay đổi và củng cố sự đoàn kết mà ông mô tả là con đường duy nhất để tiến lên.

Vài ngày trước đó, khoảng 1.000 thị trưởng, các tổ chức kinh doanh, lãnh đạo công đoàn và những công dân bình thường đã kêu gọi ông Draghi tiếp tục tại vị. Vì vậy, công bằng mà nói, sự sụp đổ của chính phủ và sự ra đi của Thủ tướng Draghi khiến nhiều người Italy thất vọng.

Vậy đâu là nguồn gốc của vấn đề? Đó có phải là lỗi của các đảng phái chính trị hay là do lỗi hệ thống?

Có lẽ nguyên nhân là sự kết hợp của tất cả mọi thứ, nhưng rõ ràng là có một vấn đề nghiêm trọng hơn đang diễn ra. Trong vài năm qua ở Italy, đã có nhiều cuộc khủng hoảng chính phủ.

Hệ thống chính trị của Italy rất mong manh với một cuộc khủng hoảng lãnh đạo chính trị trong một thời gian khá dài.

Nhưng lần này, dường như là một cuộc khủng hoảng chính trị mà ít người Italy mong muốn, khi chỉ 30% trong số họ muốn quay trở lại các điểm bầu cử.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euronews.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/khung-hoang-chinh-tri-o-italy-20220731090848262.htm