Khủng hoảng chip bán dẫn trên thế giới và cơ hội với Việt Nam

Khó khăn về ngành sản xuất chip bán dẫn nói chung và chip bán dẫn cho ô tô nói riêng đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam khi đang là điểm đến của nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới.

Vì sao chip bán dẫn quan trọng với ô tô?

Chip bán dẫn đóng vai trò không thể thiếu cho sản xuất ô tô.

Chip bán dẫn đóng vai trò không thể thiếu cho sản xuất ô tô.

Chip bán dẫn là thành phần không thể thiếu trong cấu tạo của các loại xe hơi đời mới, đặc biệt là xe điện. Chip bán dẫn không chỉ xuất hiện ở hệ điều hành, hệ thống giải trí mà còn ở các bộ phận truyền lực và phanh và những cảm biến quanh xe.

Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn. Kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Số lượng này sẽ càng tăng thêm khi hàm lượng công nghệ tăng cao.

Chip bán dẫn cũng chính là thành phần cốt lõi kiểm soát các hệ thống quan trọng của xe như ECU điều khiển động cơ, hộp số, hệ thống giải trí, định vị bản đồ, Bluetooth, đến cả cần gạt nước trên kính chắn gió.

Trong những năm qua, khi cả thế giới phải đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn thì ngành công nghiệp ô tô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bằng chứng là thiếu chip bán dẫn, các hãng xe đã phải chậm giao các phiên bản cao cấp. Thậm chí nhiều hãng đã phải cắt bớt các trang bị hiện đại cho xe, sử dụng lại các công nghệ cũ hơn, xe bán ra cũng khan hiếm, giá thành tăng cao.

Tiềm năng của Việt Nam với sản xuất chip bán dẫn

Thực tế, công nghiệp bán dẫn với vị trí chủ chốt trong sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử không phải là một ngành mới lạ đối với nền công nghiệp của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khai thác nguồn lợi từ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này so với các nước trong khu vực ASEAN.

Malaysia và Singapore lhiện đang là những nước đi đầu trong khu vực về sản xuất tấm wafer (chất nền cho các vi mạch) và sản xuất thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan dẫn đầu về phần mềm kỹ thuật.

5 quốc gia ASEAN cũng nằm trong 15 nước xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu thế giới và tổng kim ngạch xuất khẩu chất bán dẫn của khối lên tới 200 tỷ USD vào năm 2019.

Mới đây, tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chip điện tử, cho biết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu hiện đang tàn phá ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà phân tích dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023. Trước những cơ hội và thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét mở rộng đầu tư vào sản xuất chip bằng cách phát triển các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho sản xuất chip.

Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Roh Tae-Moon cũng cho biết hãng đang chuẩn bị sản xuất thử lưới bóng chip bán dẫn và dự kiến sản xuất đại trà sản phẩm này tại nhà máy ở Thái Nguyên, bắt đầu từ tháng 7/2023. Đồng thời, Samsung dự kiến khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D của Tập đoàn Samsung không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Trước Samsung, Việt Nam có Công ty Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Tập đoàn Intel. Trong cuộc khủng hoảng chíp toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn.

Theo các chuyên gia, việc Intel và giờ là Samsung là hai trong 3 nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới hiện nay đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam được coi là bước tiến chưa từng có trong thu hút các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới.

Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp FDI có liên quan trong sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn đặt chân vào Việt Nam như Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD.

Công ty này sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các đối tác chiến lược là những công ty điện tử hàng đầu như Qualcomm, Samsung, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix. Dự án dự kiến vận hành vào cuối năm 2023.

Hồi giữa tháng 6, doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel đã đề xuất tự sản xuất chip trong bối cảnh khan hiếm chip trên toàn cầu. Hãy ngày 28/9 vừa qua, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch thuộc tập đoàn FPT) cũngđã ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Chip bán dẫn được coi là "xương sống" của kỷ nguyên công nghệ, trong đó có ngành sản xuất ô tô. Bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn sẽ là cơ hội để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất. Bước tiến này có thể có nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực trong tương lai.

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng nhất của quốc gia. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng này vào năm 2020 lên tới 95,8 tỷ USD, bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.

Thực tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn còn phát triển khá chậm chạp, tỉ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu phát triển chưa đồng bộ. Hoạt động thu hút đầu tư, kinh doanh sản xuất chưa có các bước đột phá.

Việt Nam đang có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với hoạt động thu hút đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Nhiều công ty vi mạch bán dẫn nổi tiếng thế giới đã đặt nền móng và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này như Intel, Sonion, Applied Micro, Samsung. Trong đó, khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được xem là hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của cả nước, đặc biệt có những dự án đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang là trung tâm đứng đầu cả nước về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực, có thể kể đến như: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), Đại học Bách Khoa thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Tự Nhiên thành Phố Hồ Chí Minh…

Nhờ chính sách và hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu, các khu công nghiệp và công nghệ cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang…với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất ô tô phụ thuộc vào chip từ hệ thống điều khiển ECU đến hệ thống hỗ trợ người lái. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Sử dụng nhiều công nghệ phức tạp như xe chạy điện hoặc xe hybrid thì lượng chip tốn có thể sở hữu đến con số 3.000. Trong khi đó, hiện nay, gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra đầy đủ được một con chip, gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất... mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sức nóng từ sự thiếu hụt chip bán dẫn đang khiến cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam gặp khó khăn bởi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bởi vậy, phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn ngay trong nước là rất cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới khi. Việt Nam đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trước tình hình đó, các chuyên gia về ngành cho rằng Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/khung-hoang-chip-ban-dan-tren-the-gioi-va-co-hoi-voi-viet-nam.htm