Khủng hoảng điện ở Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy khốn khổ khi phải chuyển sang dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel hoặc dừng hoạt động. Nhiều chuyên gia lo ngại điều này dẫn đến suy thoái kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các tỉnh phía Bắc Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề cắt điện triền miên. Hiện Bắc Kinh đang cố gắng cung cấp thêm than để khôi phục nguồn cung khi các tỉnh vùng đông bắc vật lộn với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng nhất trong nhiều năm, đặc biệt tại các tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm. Nước này lần đầu yêu cầu các khu công nghiệp lớn phải cắt giảm tiêu thụ khi nguồn cung điện bị thắt chặt.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện lần này là nguồn cung cấp than hạn chế. Than tạo ra khoảng 2/3 tổng lượng điện của Trung Quốc. Giá than tương lai tăng 4,2% trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu ngày 30/9, sau khi đã đạt ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 1.408 tệ (218 USD)/tấn. Số liệu chính thức cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020.

Từ tuần trước, hơn 100 công ty trong nhiều ngành, từ thiết bị điện tử đến khai thác vàng, đã thông báo cho các thị trường chứng khoán về việc tạm dừng sản xuất. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi Hiệp hội Công nghiệp than Trung Quốc cảnh báo rằng họ “không lạc quan” về nguồn cung trước mùa đông, mùa cao điểm về sử dụng điện, và cho biết mức dự trữ than của các nhà máy nhiệt điện đang ở mức thấp.

Dù sản lượng khai thác than đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9, các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc cho biết một loạt tai nạn gần đây khiến giới chức thận trọng hơn khi phê duyệt mở rộng sản lượng khai thác. Trong khi đó, lượng than nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 8 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và khó có thể tăng đáng kể trong giai đoạn cuối năm.

Vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố tất cả giao dịch liên quan đến tiền số là bất hợp pháp và sẽ bị truy quét. Một trong những lý do dẫn đến quyết định này là khai thác tiền ảo tiêu tốn nguồn điện cực "khủng".

Điện tốn nhiều đến mức vào năm 2019, Trung Quốc chiếm tới 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới do giá điện rẻ. Con số sau đó đã giảm xuống 46% vào đầu năm 2021 và có thể tiếp tục giảm sau lệnh cấm được ban hành.

Tình trạng thiếu hụt sẽ buộc các công ty phải tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng nước này và đẩy nhanh lạm phát. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn nhất định cho nền kinh tế và xã hội.

Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Ltd. và China International Capital Corp (CICC) hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế do tình trạng thiếu điện. Đồng thời, việc cắt giảm tại các nhà máy đang dấy lên lo ngại sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo báo cáo của CICC, việc cắt điện có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 0,1 đến 0,15% trong quý III và IV. Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 8,2% xuống còn 7,7% hoặc thậm chí còn thấp hơn.

PV (T/h)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khung-hoang-dien-o-trung-quoc-de-doa-chuoi-cung-ung-toan-cau-d24500.html