Khủng hoảng điện ở Trung Quốc lan sang nền kinh tế toàn cầu

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn lao đao vì tình trạng tắc nghẽn và chi phí vận chuyển leo thang, một lần nữa bị giáng đòn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Cuộc khủng hoảng năng lượng giáng đòn vào nền kinh tế thứ 2 thế giới, có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lạm phát.

Theo ông Mike Beckham - nhà đồng sáng lập kiêm CEO Simple Modern, vào tuần trước, một trong những nhà cung cấp chính của ông tại Quảng Châu đã bị chính quyền địa phương yêu cầu giảm số ngày làm việc từ 6 xuống 4 ngày/tuần.

Ngoài ra, công ty cũng phải tuân theo giới hạn sử dụng điện. Điều này khiến công suất của nhà máy bị cắt giảm khoảng 1/3.

Ông Beckham dự đoán giá bán lẻ của nhiều sản phẩm tại Mỹ có thể tăng 15% vào đầu năm 2022. Công ty của ông chuyên sản xuất các sản phẩm như bình nước cách nhiệt và ba lô ở Oklahoma.

 Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã bất ngờ ra lệnh cắt điện tại nhiều nhà máy. Ảnh: Reuters.

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã bất ngờ ra lệnh cắt điện tại nhiều nhà máy. Ảnh: Reuters.

Tác động đến toàn cầu

Tình trạng thiếu hụt điện tại Trung Quốc xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cuối năm 2020, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi đó, mùa đông lạnh kỷ lục đã làm gia tăng nhu cầu về than. Điều này khiến giá than tăng mạnh.

Vì thế, các nhà máy điện phải cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ, bởi họ bị giới hạn giá bán.

Bắc Kinh cũng đang theo đuổi các mục tiêu về năng lượng. Vì thế, một số ngành công nghiệp bị giới hạn mức tiêu thụ năng lượng.

Thêm vào đó, các nhà máy cũng cần nhiều điện hơn để gấp rút thực hiện những đơn hàng trên toàn cầu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.

Trên toàn cầu, nhu cầu gia tăng, sự thay đổi thời tiết và sản lượng lao dốc đã đẩy giá khí thiên nhiên lên cao. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy và hóa đơn tiền của những hộ gia đình ở châu Âu.

 Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện. Ảnh: Reuters.

Giới quan sát đặt câu hỏi rằng khi nguồn cung giảm dần, nền kinh tế Mỹ và châu Âu có đủ "nhiệt lượng" trong suốt mùa đông hay không.

Mới đây, chính phủ Anh đã vào cuộc. Nước này hỗ trợ mở lại một nhà máy phân bón phải đóng cửa vì chi phí năng lượng gia tăng. Tuần này, Pháp cho biết sẽ ngăn chặn việc hóa đơn tiền điện và khí đốt hộ gia đình tăng cao.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc cũng có thể tạo sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi giá nguyên liệu và các thành phần thiết yếu bị đẩy cao.

Ông Steve Cooke là giám đốc điều hành của Cre8tive Brand Ideas Ltd. (có trụ sở tại Anh), nhà phân phối những quà tặng khuyến mại như túi xách, quần áo và bút in tên. Ông tiết lộ 80% sản phẩm của họ đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc.

Trong năm nay, công ty của ông chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Theo ông Cooke, những áp lực đó sẽ gia tăng hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.

Không sớm biến mất

Tuần qua, một số khu dân cư ở đông bắc Trung Quốc bị cắt điện trong nhiều giờ. Những nhà máy tại các khu vực sản xuất bị yêu cầu giảm giờ hoạt động, thậm chí phải đóng cửa trong vòng một tuần.

Một số tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Tình trạng thiếu điện là một trong những mối đe dọa lớn của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Cuối năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon vào năm 2030. Chiến lược của Bắc Kinh tạo áp lực lên hoạt động sản xuất than. Gần 60% điện năng của Trung Quốc được tạo ra từ than.

"Tình trạng thiếu hụt nguồn cung than, nhất là than luyện cốc, sẽ không thể giảm bớt trong một thời gian ngắn", nhà sản xuất Shougang Fushan Resources Group Ltd. cảnh báo.

Trong khi đó, đầu năm nay, nhu cầu than tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đã lao dốc trong những tháng gần đây.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung than, nhất là than luyện cốc, sẽ không thể giảm bớt trong một thời gian ngắn

- Nhà sản xuất Shougang Fushan Resources Group Ltd.

Nguồn cung năng lượng tái tạo sụt giảm cũng khiến vấn đề càng thêm trầm trọng. Tỉnh Vân Nam - khu vực sản xuất thủy điện của Trung Quốc - đã vật lộn với hạn hán suốt năm nay. Sản lượng từ các trang trại gió cũng rất thấp trong nhiều ngày.

Theo ông Dan Wang - chuyên gia kinh tế tại Hang Seng Bank (có trụ sở tại Thượng Hải), tình trạng thiếu hụt điện một phần do các quy định quá cứng nhắc về giá điện.

Từ lâu, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt mức giá điện tối đa. Điều này làm giảm động lực sản xuất của các nhà máy điện, vốn chịu áp lực từ giá than liên tục tăng.

Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, tính đến tháng 6 năm nay, khoảng 70% nhà máy nhiệt điện nước này đã bị thua lỗ do giá than tăng cao.

Hôm 29/9, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc cho biết sẽ tăng sản lượng than, nhập khẩu than, sản lượng khí đốt và chuyển một số chi phí năng lượng cho người dùng cuối.

Theo biên bản một cuộc họp được chủ trì bởi quan chức hàng đầu tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, các nhà máy sản xuất than sẽ hoạt động trong suốt kỳ nghỉ lễ từ ngày 1-7/10.

Tình trạng thiếu điện, cùng với tắc nghẽn chuỗi cung ứng và những hạn chế nghiêm ngặt trong việc đi và đến Trung Quốc, đã khiến môi trường kinh doanh tại đất nước tỷ dân ngày càng bấp bênh. Ông Beckham ở Simple Modern bắt đầu cân nhắc về việc chuyển hoạt động sản xuất trở về Mỹ.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khung-hoang-dien-o-trung-quoc-lan-sang-nen-kinh-te-toan-cau-post1268280.html