Khủng hoảng Evergrande không gây nên bất ổn cho thị trường tài chính Trung Quốc

Không như tất cả các cảnh báo vào đầu năm rằng cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Evergrande sẽ trở thành khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc, việc Evergrande không thanh toán được lợi tức trái phiếu đến hạn vào thứ Hai (6/12) hầu như không ảnh hưởng tới thị trường tài chính của Trung Quốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo các nguồn tin cho biết, một số trái chủ ở nước ngoài của Evergrande đã không nhận được khoản thanh toán lợi tức trái phiếu đến hạn khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày vào thứ Hai (6/12).

Tuy nhiên, không giống như một vài tháng trước, ảnh hưởng từ rủi ro vỡ nợ của Evergrande đã được ngăn chặn rộng rãi tại Trung Quốc và với việc các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh trở nên mạnh dạn hơn và thị trường quen thuộc hơn với hậu quả của những rắc rối mà Evergrande tạo nên.

Hôm thứ Tư (8/12), chỉ số CSI 300 đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần, trong khi đồng nhân dân tệ tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Tâm lý chấp nhận rủi ro vẫn tiếp tục ngay cả khi các trái chủ của Evergrande vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán lợi tức trái phiếu đã quá hạn.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố vào hôm 6/12 và báo hiệu từ các nhà chức trách rằng việc nới lỏng nhiều hơn đang tạo niềm tin vào các thị trường tài chính dồi dào của Trung Quốc. Các dấu hiệu cho thấy nhà nước đang đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai của Evergrande, bao gồm cả việc tái cơ cấu nợ tiềm năng, điều này cũng có thể làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về một sự sụp đổ mất trật tự.

“Do Evergrande đã chính thức bắt đầu tái cơ cấu có quản lý kể từ ngày 3/12 nên cần có nhiều hỗ trợ chính sách nâng cao để ngăn việc Evergrande vỡ nợ làm xấu đi tình hình của thị trường bất động sản”, các nhà phân tích của Citigroup do Li-Gang Liu dẫn đầu đã viết trong một ghi chú .

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo ngại khác. Những người nắm giữ 19,2 tỷ USD các trái phiếu USD của Evergrande phải đối mặt với tình trạng lỗ dự kiến khi công ty đại tu bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình.

Ngoài ra, Kaisa Group Holdings với khoản nợ bằng đồng USD chưa thanh toán 11,6 tỷ USD có thể đã không trả được lợi tức trái phiếu trị giá 400 triệu USD đến hạn vào hôm thứ Ba (7/12). Nhà phát triển bất động sản Kaisa Group đã tạm dừng giao dịch cổ phiếu của mình vào thứ Tư (8/12).

S&P Global Ratings cho biết, nhiều nhà phát triển bất động sản có thể cần phải cơ cấu lại nợ. Lợi suất trái phiếu rác bằng đồng USD vẫn ở mức cao khoảng 22%, mức lợi suất cao khiến các nhà phát triển bất động sản thiếu hụt tiền gần như không thể tái cấp vốn trong khi thị trường nhà ở suy thoái đã cắt giảm nhu cầu đối với bất động sản.

Tuy nhiên, các nhà chức trách dường như đã hoàn thành mục tiêu của họ là dạy cho các công ty nợ nần chồng chất và các nhà đầu tư nước ngoài một bài học mà không làm sụp đổ thị trường tài chính của quốc gia. Cũng như với China Huarong Asset Management vào đầu năm nay, Bắc Kinh đã thách thức giả định rằng một số “công ty quá lớn để thất bại” và buộc các chủ nợ phải xem xét kỹ hơn về tài chính của công ty.

Abhishek Rawat, Giám đốc danh mục đầu tư tại Hong Kong Asset Management cho biết: “Với những khoản lỗ lớn so với thị trường đã phải gánh chịu và kỳ vọng phục hồi thấp, việc Evergrande vỡ nợ cuối cùng sẽ không phải là điều bất ngờ đối với thị trường và sẽ không gây thêm hoảng loạn. Nhiệm vụ khó khăn của việc tái cơ cấu nợ còn ở phía trước và vẫn còn phải xem các chủ nợ nước ngoài sẽ được đối xử như thế nào trong quá trình này”.

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/khung-hoang-evergrande-khong-gay-nen-bat-on-cho-thi-truong-tai-chinh-trung-quoc-99766.html