'Khủng hoảng' Evergrande tác động đến kinh tế Trung Quốc và thế giới như thế nào?
Các chuyên gia đánh giá cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống đối với nền tài chính của Trung Quốc.
Cả thế giới đang hướng về Evergrande khi tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới đứng trước cột mốc quan trọng. Tập đoàn này sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu vào ngày 23/9 và 47,5 triệu USD vào ngày 29/9. Nếu trong vòng 30 ngày sau khi đáo hạn không thể trả được khoản lãi này, Evergrande sẽ vỡ nợ. Do các nhà đầu tư lo ngại Evergrande vỡ nợ sẽ gây ra ảnh hưởng rộng lớn hơn về kinh tế đối với Trung Quốc cũng như thế giới, nên thị trường chứng khoán toàn cầu gần đây đã chịu nhiều chấn động.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/9 trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), giá cổ phiếu Evergrande chỉ còn 2,27 HKD (29 xu Mỹ) - mức thấp nhất trong 11 năm. Tuy nhiên, đó có thể chưa phải là điểm đáy. Theo Giám đốc bộ phận quản lý tài sản thuộc công ty chứng khoán Canfield (Hong Kong) Lington Lin, nếu cuối cùng Evergrande được tái cơ cấu, giá cổ phiếu của hãng bất động sản này có thể giảm xuống dưới 1 HKD.
Về phía các nhà đầu tư, để đề phòng trường hợp Evergrande vỡ nợ, họ đã phải tìm kiếm nơi "trú ẩn an toàn". Kết quả là các đồng tiền như đồng yen Nhật Bản, USD đều tăng mạnh. Chỉ số USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng, là 93,45. Đồng yen Nhật ngày 21/9 cũng tiến dần tới mức cao nhất kể từ hôm 20/8 khi giao dịch ở mức 1 USD đổi 128,5 yen. Nhưng ở chiều ngược lại, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc ngày 21/9 "lao dốc", xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng, ở mức 1 USD đổi 6,47 NDT.
Ngày 22/9, trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda Real Estate Group - đơn vị bất động sản của tập đoàn Evergrande - cho hay trong ngày 23/9, họ sẽ trả một khoản lãi trái phiếu phát hành trong nước. Số trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc vào tháng 9/2025, hiện đang được giao dịch ở Thâm Quyến.
Theo số liệu của Refinitiv, tổng số tiền lãi trái phiếu mà Hengda Real Estate đã thương thảo để trả trong ngày 23/9 là khoảng 232 triệu NDT (tương đương 35,88 triệu USD). Sau tuyên bố của Evergrande, hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ, đồng NDT, đồng đô la Australia (một loại tài sản nhạy cảm với rủi ro) đồng loạt đi lên.
Thông báo trấn an từ tập đoàn bất động sản này đã phần nào xoa dịu lo lắng của các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc quan tâm nhất có lẽ là cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ ảnh hưởng ra sao tới kinh tế nước này.
Được thành lập vào năm 1997, Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn này đã thực hiện 900 dự án xây tòa nhà thương mại, hạ tầng bất động sản. Tuy nhiên, tập đoàn Evergrande hiện đang ngập trong nợ nần, lên đến 300 tỷ USD, sau nhiều năm vay vốn để đáp ứng tăng trưởng nhanh.
Đại diện của Evergrande ngày 14/9 đã thừa nhận tập đoàn đang đứng trước sức ép “đặc biệt lớn” và có thể không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ lớn. Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ gây ra thảm họa lớn, khi mà có tới 1,5 triệu khách hàng đã bỏ tiền ra mua căn hộ còn chưa được xây dựng.
Trong một phát biểu ngày 28/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định rằng Trung Quốc cần thấy trước các rủi ro, thách thức và chuẩn bị kế hoạch ngẫu nhiên cho các sự kiện “thiên nga đen” (ám chỉ các sự kiện bất ngờ có hậu quả nghiêm trọng) và “tê giác xám” (mối đe dọa hiển nhiên nhưng bị phớt lờ). Dư luận cơ bản cho rằng cuộc khủng hoảng Evergrande là “tê giác xám” đối với kinh tế Trung Quốc.
Chuyên trang tài chính kinh tế của Yahoo.com dẫn báo cáo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Trung Quốc Hui Shan thuộc Goldman Sachs chỉ rõ khủng hoảng Evergrande sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Trong kịch bản lạc quan, khủng hoảng Evergrande sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1,4 điểm phần trăm, còn trong tình huống xấu nhất là giảm 4,1 điểm phần trăm.
Theo chuyên gia Hui Shan, đặc trưng của cổ phiếu và trái phiếu Evergrande là có đòn bẩy cao. Hiện nay đã xuất hiện làn sóng bán tháo cổ phiếu Evergrande và người nắm giữ trái phiếu Evergrande cũng tới văn phòng Evergrande tại các địa phương ở Trung Quốc để biểu tình.
Điều này sẽ khiến mong muốn mua bất động sản của các khách hàng tiềm năng tiếp tục giảm xuống, làm gia tăng áp lực huy động vốn của các nhà phát triển bất động sản, dẫn tới khả năng thất bại trong việc đấu thầu đất ở một số khu vực. Đây đều là những nhân tố bất lợi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021.
Đối với thế giới, khủng hoảng Evergrande đã làm chứng khoán toàn cầu đỏ rực, nhất là phiên 20/9 ở khu vực châu Á. Trong một phát biểu được hãng tin Bloomberg dẫn lại, Giám đốc đầu tư của Pilgrim Partners Asia, ông Brian Quartarolo đã miêu tả sự sụt giảm về giá tài sản của châu Á do “bom nợ Evergrande” là “thật đáng sợ”.
Và không chỉ có chứng khoán, đã xuất hiện thông tin nói rằng có quỹ đầu tư quốc gia (SWF) bị ảnh hưởng. Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) - quỹ hưu trí lớn nhất thế giới - được cho là đang nắm giữ một lượng khá lớn trái phiếu và cổ phiếu của Evergrande. Theo tờ The Asahi Shimbun, khoản đầu tư vào Evergrande của GPIF trị giá 170 triệu USD. Một khi “bom nợ Evergrande” vỡ, GPIF khó tránh tổn thất.
Vấn đề ở đây là cuộc khủng hoảng Evergrande có trở thành “khoảnh khắc Lehman Brothers của Trung Quốc” hay không? Theo nhà sáng lập hãng nghiên cứu thị trường Citron Research Andrew Left, Chính phủ Trung Quốc sẽ chia tách Evergrande, nhưng cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ không trở thành “cọng rơm cuối cùng” đè bẹp kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích thuộc hãng tư vấn tài chính ngân hàng Citi cũng có cái nhìn tương tự.
Trong một báo cáo phân tích vừa được đưa ra, Citi cho rằng các cơ quan giám sát của Trung Quốc có thể kéo dài thời gian để xử lý các khoản nợ xấu của Evergrande bằng cách hướng dẫn ngân hàng không rút lại các khoản tín dụng và kéo dài thời gian trả lãi cho Evergrande.
Citi tin rằng mặc dù cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande có thể gây ra rủi ro mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc, nhưng sẽ không trở thành "khoảnh khắc Lehman Brothers của Trung Quốc"./.