Khủng hoảng gạo ở Philippines - 'hồi chuông' cảnh báo lạm phát toàn cầu
Đối phó với cuộc khủng hoảng gạo, Philippines đưa ra mức giá trần để ngăn lạm phát thực phẩm gia tăng và tuyên bố sẽ trừng phạt những đối tượng thao túng giá, buôn lậu và tích trữ gạo.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế khu vực, việc giá gạo tăng “phi mã” ở Philippines có thể là dấu hiệu cảnh báo đối với tất cả các nhà nhập khẩu lương thực chính tại châu Á, do hậu quả từ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang tiếp tục gây ảnh hưởng khắp châu Á và Tây Phi.
Tháng 8/2023, giá gạo Philippines đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm qua, làm sống lại ký ức về cú sốc năm 2018, dẫn đến việc chấm dứt giới hạn nhập khẩu kéo dài hai thập kỷ. Ngân hàng trung ương Philippines cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nếu cần, trong khi các nước khác gấp rút đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước.
Ông Shirley Mustafa, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cho biết: "Chúng tôi đang nhận thấy rất nhiều điều không chắc chắn. Áp lực giá gạo đang trở nên trầm trọng hơn do các lệnh hạn chế".
Đa dạng biện pháp đối phó với nguy cơ thiếu gạo
Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã làm đảo lộn thị trường châu Á, khiến các quốc gia lo lắng trong khi một mặt phải đảm bảo nguồn cung, mặt khác phải kiềm chế giá gạo ngày càng tăng, vốn là một phần chi tiêu quan trọng trong chế độ ăn uống của hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi.
Philippines đã đặt ra mức trần giá gạo - biện pháp khiến một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính bị sa thải. Thứ trưởng Tài chính Cielo Magno cho biết, bà sẽ từ chức sau một bài viết đăng trên Facebook, đặt ra câu hỏi về mức giá trần được áp dụng gần đây. Giới hạn này được áp dụng vào đầu tháng Chín sau khi chi phí bán lẻ tăng lên mức “đáng báo động”.
Trong khi đó, các quốc gia láng giềng khác đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn chi phí gia tăng. Malaysia thực hiện biện pháp giới hạn mua gạo và bắt đầu kiểm tra các nhà bán buôn và nhà xay xát gạo sau khi có những cáo buộc rằng gạo địa phương đang được bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn. Myanmar cũng áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.
Nguy cơ lạm phát giá lương thực
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay Philippines đã vượt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2022-2023 đạt 3,9 triệu tấn. Con số này lớn hơn mức 3,5 triệu tấn của Trung Quốc, ngay cả khi dân số Philippines chỉ bằng 1/10 dân số nước láng giềng khổng lồ.
Theo USDA, kể từ năm 2008, nhà nhập khẩu hàng đầu Philippines liên tục mua gạo với khối lượng lớn khi giá leo thang. Tuy nhiên, năm nay họ đang trì hoãn việc mua hàng để chờ giá thấp hơn. Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán và lượng mưa thất thường, cùng với các chính sách bảo hộ, đáng chú ý nhất là hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng gạo ở Philippines.
Theo FAO, giá gạo toàn cầu đã tăng 9,8% trong tháng Tám. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên hơn 600 USD/tấn, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Không giống như các mặt hàng khác như hành tây và cà chua thường tăng giá trong thời gian ngắn, giá gạo tăng trong chu kỳ dài hơn.
Để ngăn chặn giá gạo tăng phi mã, chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã đặt ra mức giá trần cho gạo xay thông thường là 41 peso/kg và gạo đã được xay sát kỹ ở mức 45 peso/kg, cao hơn nhiều so với cam kết 20 peso mà nhà lãnh đạo đưa ra vào năm ngoái.
Mặc dù người tiêu dùng đã hoan nghênh quyết định này, nhưng chính sách mới nhất của chính phủ Philippines sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà bán lẻ, những người đã phải vật lộn với lượng nhập khẩu lớn kéo dài nhiều năm từ nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan.
An ninh nguồn cung lương thực là ưu tiên hàng đầu của nhiều người tiêu dùng. Senegal cũng đang thực hiện các đề nghị ngoại giao với Ấn Độ, thực hiện các bước tương tự với các quốc gia khác bao gồm Guinea và Singapore để đảm bảo nguồn cung. Indonesia đã đồng ý ký thỏa thuận cung cấp với Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Bản ghi nhớ đề cập đến nguồn cung lên tới 250.000 tấn gạo mỗi năm, gấp đôi khối lượng của một thỏa thuận tương tự vào năm 2012. Indonesia cam kết cung cấp 10 kg ngũ cốc mỗi tháng cho hàng triệu gia đình nghèo trong quý IV/2023.
Chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhận thức rõ ràng về những hậu quả chính trị tiềm ẩn. Theo khảo sát quý II của Pulse Asia, cơ quan thăm dò hàng đầu ở Philippines, hầu hết những người được hỏi cho rằng lạm phát tăng là “mối lo ngại cấp bách nhất của quốc gia”.
Những vấn đề về lương thực ngày càng trầm trọng đồng thời làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Philippines. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Philippines giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thu nhập tái đầu tư giảm tới 26,8% trong cùng kỳ.
Thứ trưởng Nông nghiệp Leocadio Sebastian cho rằng sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài cho mặt hàng chủ lực và giá gạo nhập khẩu cao khiến Philippines buộc phải sản xuất nhiều hơn trong nước.
Về phần mình, Bộ Tài chính và Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (NEDA) Arsenio Balisacan đã đề xuất tạm thời giảm hoặc tạm dừng thuế nhập khẩu gạo để tăng lượng tồn kho trong nước và hạ giá.
Philippines đã đưa ra mức giá trần để ngăn chặn lạm phát thực phẩm gia tăng, đồng thời tuyên bố sẽ có biện pháp trừng phạt với những đối tượng thao túng giá, buôn lậu và tích trữ gạo.
“Chúng tôi lưu ý rằng giá gạo đã tăng mạnh trong những tuần qua, điều này không phù hợp với tình hình cung cầu, cho thấy một số đối tượng đang lợi dụng tình hình để tạo ra sự thiếu hụt vào thời điểm này”, Bộ trưởng NEDA Arsenio Balisacan cho biết sau khi công bố các biện pháp kiểm soát giá gạo mới.
"Chúng tôi hy vọng vụ thu hoạch lúa gạo sẽ sớm bắt đầu và dự đoán những sáng kiến sẽ mang lại kết quả mong muốn”, ông nói thêm trong nỗ lực nhằm xoa dịu dư luận về giá gạo.
Phản ứng từ các doanh nghiệp và sản xuất trong nước là trái chiều. Theo họ, việc nhập khẩu quy mô lớn và được trợ cấp có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước không thể cạnh tranh về giá. Một số nhóm xã hội dân sự đã kêu gọi chính phủ xem xét lại chính sách nông nghiệp và thậm chí xem xét ban lãnh đạo mới tại Bộ Nông nghiệp.
Đầu tháng này, Liên đoàn Nông dân Tự do, một nhóm xã hội dân sự lớn của Philippines, cho hay họ “rất lo lắng” về mức giá trần mà họ cho rằng đã ảnh hưởng đến nông dân ở đảo Luzon.
Về phần mình, Liên đoàn Phòng Thương mại & Công nghiệp Trung Quốc - Philippines cho biết, mức giá trần sẽ “không bao giờ hiệu quả” vì quyết định này sẽ làm sai lệch động lực thị trường thực tế và chi phí sản xuất./.