Khủng hoảng giáo dục tại Pakistan, 26 triệu em không thể đến trường
Tại Pakistan, nghèo đói và thiếu thốn cơ sở hạ tầng giáo dục đã khiến hơn 26 triệu trẻ em không thể đến trường, tạo nên một cuộc khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng.
Đi học là quyền cơ bản của trẻ em, nhưng tại Pakistan, nghèo đói đang trở thành rào cản lớn đối với giấc mơ đến trường của hàng triệu trẻ em. Nhiều em phải phụ giúp gia đình kiếm sống, thay vì được ngồi trên ghế nhà trường như các bạn đồng trang lứa.
Aneesa Haroon, một học sinh tại ngoại ô Karachi, sau giờ tan học lại vội vã ra đồng hái rau để phụ giúp gia đình. Dù thời gian làm việc nhà còn nhiều hơn làm bài tập, Aneesa vẫn cảm thấy may mắn vì được đến trường. Đây là kết quả của những nỗ lực thuyết phục không mệt mỏi từ các thầy cô giáo địa phương.
Aneesa chia sẻ: "Các bạn trong thành phố dành toàn bộ thời gian cho việc học, còn chúng cháu phải làm việc nữa. Lúc làm việc ngoài đồng, lúc chạy ra ngoài bán hàng".
Theo số liệu chính thức từ chính phủ Pakistan, hơn 26 triệu trẻ em ở nước này, chủ yếu tại các vùng nông thôn, đang không được đến trường. Đây là một trong những tỷ lệ thất học cao nhất thế giới.
Tại làng Abdullah Goth, ngoại ô Karachi, trường Roshan do một tổ chức phi lợi nhuận thành lập, là ngôi trường đầu tiên phục vụ hơn 2.500 cư dân sau hàng thập kỷ. Sự ra đời của ngôi trường này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu trường học tại các khu vực nghèo khó ở Pakistan.
Bà Rukhsar Amna, Hiệu trưởng trường Roshan, cho biết: "Một số phụ huynh cho rằng con cái họ nên làm việc ngoài đồng. Họ nghĩ rằng kiếm ngay ra tiền sẽ nhanh hơn đi học. Chúng tôi đã phải đi từng nhà để thuyết phục họ hiểu rằng giáo dục mới là quan trọng và có giá trị lâu dài".
Ngoài nghèo đói, các vấn đề như cơ sở hạ tầng giáo dục kém, thiếu giáo viên đạt chuẩn, rào cản văn hóa và tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến cuộc khủng hoảng giáo dục tại Pakistan trở nên trầm trọng hơn.
Cuối tuần này, một hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Pakistan nhằm vận động thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái tại các quốc gia Hồi giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận giáo dục trong việc giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống.