Trường ĐH Công nghệ dự kiến mở 4 ngành mới, gia nhập sâu vào 'đường đua' bán dẫn
GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) khẳng định, các ngành mới của trường sẽ đem đến cơ hội làm việc tại các tập đoàn lớn cho sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố danh sách ngành (chương trình đào tạo) cùng chỉ tiêu dự kiến trong kỳ tuyển sinh năm 2025. Trong đó, 4 ngành mới có mặt trong danh sách là: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch; Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử); Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu); Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học).
Bổ sung nhiều tổ hợp xét tuyển
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi liên quan đến phương pháp giảng dạy. Nhờ đó, chất lượng thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, tôi rất tin tưởng về chất lượng của các thí sinh năm nay. Các em học sinh lớp 12 hiện nay là một thế hệ trẻ đặc biệt, được tiếp cận với công nghệ từ khi còn nhỏ và là thế hệ công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, các em còn được sinh ra và lớn lên trong đúng thời kỳ hội nhập về công nghệ kỹ thuật của Việt Nam với thế giới.
Chúng ta có nhiều chương trình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, mở rộng cơ hội phát triển, nhiều doanh nghiệp liên tục khởi nghiệp. Đây chính là điều kiện và cũng là cơ hội để học sinh lớp 12 tận dụng, xây dựng mục tiêu học tập, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và hướng tới chinh phục đỉnh cao”.
Được biết, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh 16 ngành, tổng 2.960 chỉ tiêu, với các tổ hợp xét tuyển là A00, A01, D01, B00.
Trong năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển sinh 20 ngành (chương trình đào tạo), nâng tổng chỉ tiêu lên 4.120. Về tổ hợp xét tuyển, trường vẫn giữ 4 tổ hợp cũ, ngoài ra bổ sung tổ hợp Toán học, Vật lý, Tin học và tổ hợp Toán học, Tiếng Anh, Tin học. Được biết, sự thay đổi này nhằm phù hợp hơn với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu đầu vào của trường đặc thù đào tạo về công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong kỳ tuyển sinh năm 2025, nhà trường dự kiến đưa thêm 4 ngành mới, chuyên về công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn.
Chia sẻ về điểm mới này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết: “Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch được xây dựng dựa trên nền tảng của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, do đó cả hai đều có chung một mã xét tuyển.
Thí sinh đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, khi trúng tuyển sẽ được lựa chọn học chuyên về Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hay thiên về định hướng thiết kế vi mạch.
Năm 2025, tổng chỉ tiêu ngành này là 480, nhà trường sẽ tiến hành phân lớp sau khi các thí sinh nhập học. Một lớp sẽ học theo chương trình đã có sẵn về điện tử - viễn thông, một lớp sẽ tập trung vào mảng vi mạch, bán dẫn ngay từ đầu”.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết, tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch sẽ được tham gia vào các nhóm nghiên cứu, thiết kế về bán dẫn từ những năm đầu tiên. Chương trình đào tạo của ngành này kéo dài 4 năm, thí sinh tốt nghiệp lấy bằng cử nhân.
Về ngành Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình nhận định, đây là một ngành hoàn toàn mới, dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu, chương trình đào tạo 4,5 năm và thí sinh tốt nghiệp nhận bằng kỹ sư.
“Nhận thấy thế mạnh về vật lý, kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) quyết định mở ngành ngành Công nghệ vật liệu, nhằm cung cấp kiến thức liên quan đến vật liệu, công nghệ chế tạo cho tân sinh viên.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Công nghệ vật liệu rất cao, sinh viên khi ra trường có thể tham gia vào thị trường lao động các mảng về vật liệu, chế tạo, đóng gói trong bán dẫn. Đây là ba vị trí việc làm chủ đạo trong ngành công nghiệp này”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.
Về ngành Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu), Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết, lý do Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) lựa chọn mở ngành này là từ nền tảng toán học và dữ liệu mà trường sẵn có. Trường dự định đưa thêm kiến thức liên quan đến khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo của ngành này. Ngành Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu) dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu, chương trình đào tạo 4 năm, sinh viên ra trường sẽ nhận bằng cử nhân.
“Ngành Khoa học dữ liệu sẽ phục vụ tốt cho việc quản lý dữ liệu, phục vụ công tác chuyển đổi số mà đất nước đang chú trọng và phát triển, từ đó kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này”, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết.
Ba ngành mới gồm Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch đều dự kiến xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán học, Tiếng Anh, Ngữ văn), tổ hợp Toán học, Tiếng Anh, Tin học và tổ hợp Toán học, Vật lý, Tin học.
Về ngành Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học), Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết, ngành được mở dựa trên nền tảng của ngành Công nghệ nông nghiệp mà trường đã đào tạo trước đó.
Khác biệt với ngành Công nghệ nông nghiệp, ngành Công nghệ sinh học sẽ đưa thêm trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo, nhấn mạnh và tập trung nhiều hơn về mặt công nghệ.
Theo thông tin tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển sinh 60 chỉ tiêu, đào tạo 4,5 năm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận bằng kỹ sư.
Nhận định chung về các ngành mới, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình chia sẻ: “Tất cả các ngành đào tạo mới đều tiếp cận đến nhóm học sinh giỏi, học sinh tài năng. Đầu vào ngành yêu cầu sinh viên phải tích lũy kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi tiếp cận với tri thức chuyên ngành và các kiến thức mở rộng, liên quan đến doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ kỹ thuật”.
Ngành mới mang đến cơ hội việc làm rộng mở
Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực giảng viên, sẵn sàng phục vụ các tân sinh viên ngành mới, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường đã triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu, đầu tư phòng thí nghiệm và phòng thực hành, phù hợp với nhu cầu của chương trình đào tạo các ngành mới.
Về đội ngũ giảng dạy, nhà trường đang triển khai tuyển dụng thêm cán bộ, giảng viên giỏi, tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường đại học nước ngoài về công tác tại nhà trường. Trường cũng bổ sung nhiều giảng viên là cựu sinh viên của nhà trường sau khi ra nước ngoài học tập và tốt nghiệp, sẽ quay về trường công tác.
Do đó, mở thêm 4 ngành mới và tăng tổng chỉ tiêu, trường vẫn đảm bảo được điều kiện về nhân lực giảng dạy.
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực hiện tự chủ đại học, vì vậy, các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên, giảng viên đều được thực hiện theo quy định.
Chia sẻ về cơ hội việc làm đối với các ngành học mới, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình nhấn mạnh: “Hợp tác doanh nghiệp là điều tiên quyết mà bất kỳ trường đại học nào cũng cần thực hiện. Mặc dù các ngành như Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ Vật liệu, Khoa học dữ liệu, Công nghệ sinh học là những ngành mới tại trường, nhưng vẫn dựa trên nền tảng ngành công nghệ thông tin, ngành bán dẫn mà phát triển. Do đó, tân sinh viên các ngành mới sẽ không khó khăn khi tìm nơi phù hợp để thực hành, thực tập.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, trường sẽ phải xây dựng chương trình liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng thực hành, thực tập cho tân sinh viên các ngành mới”.
Để chuẩn bị cho tân sinh viên cơ hội học tập, thực hành tốt nhất, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tạo dựng mối liên kết giữa nhà trường và nhiều doanh nghiệp, điển hình như các tập đoàn Viettel, VNPT, Samsung, LG, Panasonic, Toshiba, hay các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Riêng các ngành liên quan tới bán dẫn, trường đã có nền tảng làm việc với Công ty Samsung Electronics trong chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện tử. Sau khi nghiên cứu sinh tốt nghiệp, có thể tham gia ngay vào lĩnh vực bán dẫn, vi mạch tại Hàn Quốc. Dự kiến, nếu các ngành Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ sinh học đào tạo có kết quả tốt, nhà trường cũng sẽ mở rộng hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và sinh viên trao đổi. Theo đó, mỗi năm, nhà trường sẽ gửi sinh viên sang Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ theo diện sinh viên trao đổi. Đây là cơ hội để sinh viên tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cũng đưa ra lời khuyên cho các thí sinh chuẩn bị đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), đặc biệt là các thí sinh quan tâm đến 4 ngành mới mở: “Các thí sinh và phụ huynh cần hết sức lưu ý đến một số điểm sau: Cần chọn chương trình đào tạo phù hợp với năng lực của thí sinh, phù hợp với cả điều kiện, hoàn cảnh gia đình cũng như định hướng sau này. Khi lựa chọn, thí sinh phải đặt nguyện vọng mà mình phù hợp nhất lên thành nguyện vọng 1, cũng không nên quá chú ý đến điểm đầu vào của năm trước, bởi điểm thi mỗi năm đều có biến động”.
Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã công bố thông tin dự kiến tuyển sinh đại học năm 2025. Về thời gian mở cổng đăng ký xét tuyển, trường sẽ thực hiện theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2025, trường dự kiến sử dụng các phương thức xét tuyển như: Xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông năm 2025; xét tuyển theo SAT, A-LEVEL, ACT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cũng theo thầy Trình, hiện nay, trường đã hoàn tất đề án tuyển sinh chính thức. Sau khi có quyết định, nhà trường sẽ công bố trên website tuyển sinh của trường.