'Khủng hoảng' logistics và giải pháp cho doanh nghiệp

4/5 trọng điểm của các tuyến hàng hải thế giới quan trọng, gồm kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Malacca, eo biển Hormuz và eo biển Bab-al-Mandab đều đang gặp những vấn đề nghiêm trọng, theo Bộ Công Thương. Điều này tác động khôn lường đến ngành vận tải biển thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Giá cước vận chuyển container tăng “phi mã”

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phục hồi trở lại khá ấn tượng, nếu nhìn trên dữ liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 501 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 118 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ; hàng nhập khẩu đạt hơn 155 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ; hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2,171 nghìn tấn… Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển 7 tháng đầu năm 2024 là 16,902 triệu TEUs, tăng 21% so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông và các yếu tố bất ổn địa chính trị khác vẫn đang tác động mạnh đến thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó đặc biệt là cước vận tải biển.

Theo ghi nhận, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Tham khảo trang Drewry (trung tâm nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải) cho thấy, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ đang tăng cao tương đương mức đỉnh của đại dịch Covid.

Theo ông Trần Thanh Hải, căn cứ tình hình hiện nay và dự đoán diễn biến trong thời gian tới, cước vận tải sẽ có chiều hướng tăng cao hơn vào quý IV/2024 và quý I/2025 - giai đoạn cao điểm xuất hàng vào cuối năm âm lịch của châu Á. Ngoài việc tăng giá cước thì các hãng tàu sắp tới còn có thể sẽ áp thêm phụ phí.

Nguyên nhân dẫn tới các hãng tàu tăng giá cước vận tải, phụ phí là do trước ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp tại Trung Đông khiến tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, hành trình phải kéo dài hơn từ 10-14 ngày làm tăng chi phí; tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore là cảng container lớn thứ hai thế giới dẫn đến tàu thuyền phải chờ đợi. Đồng thời, theo báo cáo của các hãng tàu, sản lượng hàng hóa từ Trung Quốc đi châu Mỹ tăng cao đột biến trong vài tháng qua và dự báo tiếp tục tăng đến tháng 8/2024 nên có thể tình trạng thiếu container rỗng sẽ tái hiện.

Về các loại phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, hiện có khoảng 10 loại phụ thu mà hãng tàu đang áp dụng, như phụ thu THC, vệ sinh công, phụ thu chứng từ… Ngoài ra còn có phụ thu tắc nghẽn cảng, phụ thu xăng dầu… theo quy định các hãng tàu cung cấp dịch vụ và thu của khách hàng để bù đắp cho chi phí bỏ ra khi thực hiện dịch vụ đó (các dịch vụ này không bị tác động bởi giá cước vận chuyển).

Cùng với đó, một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm, gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng. Trong trường hợp chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán hợp đồng vận chuyển, việc áp phí không báo trước và ở mức cao khiến các chủ hàng Việt Nam gặp khó khăn.

Nhiều hãng tàu phải thay đổi tuyến đường vận tải biển khiến chi phí tăng lên, đẩy giá cước lên theo

Nhiều hãng tàu phải thay đổi tuyến đường vận tải biển khiến chi phí tăng lên, đẩy giá cước lên theo

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trước tình hình trên, ông Trần Thanh Hải cho biết, Cục Xuất nhập khẩu đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương về các tác động tiêu cực cùng các giải pháp đề xuất và đã được phê duyệt nội dung văn bản khuyến nghị gửi đến các hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo đó, các hiệp hội ngành hàng xuất nhập khẩu làm việc với các hiệp hội lĩnh vực logistics, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, tập hợp doanh nghiệp hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Cùng với đó là phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế, tăng cường tận dụng ưu đãi của các FTA. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, doanh nghiệp khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.

Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tăng cường tuyên truyền và nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ trong đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán ngoại thương và hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường có mức độ rủi ro cao.

Bộ cũng khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố phức tạp, khó lường tương tự trong tương lai...

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khung-hoang-logistics-va-giai-phap-cho-doanh-nghiep-154724.html