Khủng hoảng lương thực: Hệ lụy đối với bữa ăn học đường
Khủng hoảng lương thực và chi phí sinh hoạt không chỉ tác động lên cuộc sống của người dân mà đang bủa vây các trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các chương trình bữa trưa miễn phí hoặc trợ giá cho học sinh tại trường học đang bị cắt giảm do thiếu nguồn cung, giá thực phẩm lên cao.
Giá thực phẩm lên cao
Trong những tháng gần đây, St. Jude’s - trường tiểu học nằm ở phía Nam thủ đô London (Anh), ghi nhận số lượng học sinh đăng ký ăn sáng tăng gấp ba. Tháng 12/2021, chỉ 8 em đăng ký nhưng bây giờ con số là 22 - khoảng 1/4 số học sinh nhà trường.
Bữa sáng tại Trường St. Jude’s bao gồm cháo, trứng bác và sinh tố trái cây. Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng, nhiều học sinh đến trường với chiếc bụng đói nên bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng như vậy có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Hiệu trưởng Matt Jones cho biết: Với nhiều học sinh, bữa ăn tại trường là tươm tất nhất trong ngày. Vì vậy, dù ngân sách eo hẹp, nhà trường quyết tâm dành những bữa ăn chất lượng cho học sinh và đảm bảo hoạt động này không bị gián đoạn.
Một nhà cung cấp dịch vụ ăn uống cho trường học tại Liverpool lấy ví dụ 5kg gạo đã tăng từ 6,49 bảng (khoảng 185.000 đồng) vào tháng 4 lên 8,3 bảng (235.000 đồng) vào tháng 5. Hay 5kg thịt gà phi lê tươi tăng từ 19,96 bảng (560.000 đồng) lên 28,53 bảng (810.000 đồng).
Với mức tăng này, nhiều trường học đang cân nhắc đến việc tăng giá bữa ăn học đường nhưng đồng thời không muốn tăng gánh nặng cho các gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Trước tình hình trên, đại diện Bộ Giáo dục Anh cho biết: Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các trường học, khu học chánh để hỗ trợ học sinh. Bộ Giáo dục đang phân bổ khoản hỗ trợ hơn 37 tỷ bảng Anh nhằm giúp trường học có thêm ngân sách cho các chương trình ăn học đường.
Bên cạnh ngân sách trợ cấp từ chính phủ, nhiều trường trích tiền từ các khoản ngân sách khác để bù đắp thiếu hụt. Một số món ăn có nguyên liệu đắt đỏ phải tạm dừng cung cấp và thay thế bằng những món ăn phải chăng hơn.
Ví dụ, ở món thịt bò băm, các trường giảm số lượng thịt, thêm các loại đậu như đậu lăng... để giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo đủ protein và dinh dưỡng cho trẻ.
Trong 2 năm qua, mục tiêu “không đứa trẻ nào bị đói” đã gần thành hiện thực tại Mỹ nhờ các chính sách hỗ trợ liên bang và chương trình bữa ăn miễn phí trong trường học. Nhưng mục tiêu này có thể kết thúc trong vài tuần tới khi Quốc hội Mỹ không thông qua việc gia hạn hỗ trợ khiến các chương trình phải hủy bỏ.
Đối với Candice, bà mẹ đơn thân có hai cậu con trai ở bang Michigan, các chương trình thực phẩm hỗ trợ là một cứu cánh. Đầu đại dịch, khu học chánh bang Michigan đã tổ chức chương trình tặng lương thực cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn học sinh được ăn miễn phí tại trường.
“Nếu không còn các chương trình hỗ trợ này, gia đình tôi sẽ ‘ngấm đòn’. Những đứa trẻ sẽ bị đói, không còn ham thích đến trường”, chị Candice chia sẻ.
Các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống đánh giá, Quốc hội Mỹ đã không quan tâm đến việc đổi mới chương trình hỗ trợ thực phẩm và chuyển trọng tâm từ thị trường trường học sang tiêu dùng, vốn dễ sinh lời hơn. Điều này gây trầm trọng thêm cho vấn đề chuỗi cung ứng thực phẩm trong trường học.
Một số bang như California, Maine đã thông qua chương trình bữa ăn học đường miễn phí. Các bang khác như New York, Colorado, Massachusetts và Vermont gần đây thông báo phân bổ ngân sách bang cho các trường học phổ cập chương trình bữa trưa trường học.
Tuy nhiên trong thời gian tới, khi Quốc hội miễn trừ gia hạn các chương trình trên, cộng với giá thực phẩm đang tăng cao, sẽ rất ít bang ở Mỹ còn có thể tổ chức ăn miễn phí cho học sinh.
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng
Khi lạm phát khiến chi phí nguyên liệu tăng phi mã, các nhà cung cấp thực phẩm tại Anh chia sẻ đang làm mọi cách để cân đối ngân sách và bảo đảm giá thành bình ổn cho các trường học. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ, chất lượng bữa ăn học đường có thể giảm.
Tại Nhật Bản, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đang tăng. Một phần lớn nguyên nhân đến từ việc giá dầu thô tăng cao. Do đó, chính quyền các địa phương và trường học phải vật lộn để phục vụ bữa trưa cho học sinh trong điều kiện hạn hẹp.
Một số thành phố trích nguồn công quỹ để trang trải phí thực phẩm gia tăng. Số khác buộc phải tăng giá tiền ăn trưa hoặc thu hẹp số lượng học sinh đủ điều kiện đăng ký ăn miễn phí.
Ông Shinya Kataoka, quan chức của Hội đồng Giáo dục Nagoya, nơi phục vụ bữa trưa học đường cho 110 nghìn trẻ em tiểu học mỗi ngày, cho biết: Chúng tôi đang ở trong một tình huống đáng lo ngại.
Thực đơn được quyết định dựa trên đơn giá dự báo cho một vài tháng tới, đảm bảo chúng được cân bằng về mặt dinh dưỡng.
“Với tình hình này, đơn giá dự báo đang tăng chóng mặt nhưng chúng tôi không thể thu của phụ huynh số tiền quá lớn. Các gia đình cũng đang vật lộn khi chi phí sinh hoạt tăng cao”, ông Kataoka bày tỏ.
Nhiều trường tiết kiệm chi phí bằng cách thay đổi thành phần bữa ăn nhưng vẫn phải đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng cần thiết.
Thành phố Matsusaka, tỉnh Mie đang chuyển sang sử dụng sản phẩm rẻ hơn cho bữa trưa ở trường học để giữ nguyên mức giá trên mỗi khẩu phần.
Sự thay đổi gồm giảm lượng hành tây trong các món rau xào vì giá của chúng ngày càng tăng. Thay thế hành tây bằng cà rốt và các mặt hàng khác. Thành phố cũng thay đổi các loại và phần thịt có trong bữa trưa.
Matsusaka đang cố gắng hết sức để không phải thay đổi thực đơn và làm mất đi trải nghiệm của trẻ em về bữa ăn. Thêm các thành phần mới đồng nghĩa các trường học phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến trẻ em bị dị ứng.
Để tài trợ cho bữa trưa ở trường học, Bộ Giáo dục Nhật Bản kêu gọi chính quyền địa phương sử dụng các khoản tài trợ đặc biệt do chính phủ trung ương cung cấp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.